Vài năm gần đây, một số hộ nông dân thị xã Chí Linh đã xây dựng trang trại nuôi lợn rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, gia đình anh Trần Văn Hoan là gương điển hình làm giàu từ mô hình nuôi lợn rừng đầu tiên thành công tại khu dân cư Mật Sơn, phường Chí Minh, thị xã Chí Linh, mỗi năm cho thu nhập từ 200 triệu đến 300 triệu đồng từ nuôi lợn rừng.
Để nuôi lợn rừng đạt hiệu quả, trước hết phải chọn giống nuôi tốt, cuối năm 2007 đầu năm 2008, anh lặn lội lên tận trang trại giống tại Hoà Bình và Sơn Tây, Hà Nội mua 18 con lợn nái, 2 con lợn đực với giá 350.000 đến 380.000 đồng/kg, trọng lượng 25-30 kg/con. Sau 1 năm nuôi, đàn lơn khá thích nghi với môi trường và điều kiện khí hậu ở đây. Đến cuối năm 2008, anh đã bán 40 con lợn giống và 400kg lợn thịt thương phẩm, trừ chi phí anh thu lãi 150 triệu đồng, số lợn nuôi còn lại anh để tái đàn cho năm sau. Được sự đồng ý của Chi cục Kiểm Lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh) cấp phép cho gia đình anh nuôi giống lợn rừng, từ năm 2008 đến nay, anh Hoan đã xây dựng thêm trang trại và mở rộng số lượng đàn lợn nuôi, hiệu quả kinh tế từ nuôi lợn rừng rất lớn, từ năm 2009 đến năm 2011, trung bình mỗi năm anh thu được từ 200 đến 300 triệu đồng.
Theo kinh nghiệm của anh Hoan, muốn nuôi lợn rừng thành công phải có quy trình kỹ thuật từ khâu chọn giống, xây dựng chuồng trai, thức ăn, chăm sóc lợn. Về chuồng trại, do lợn rừng có đặc điểm là sinh sống trong môi trường tự nhiên nên khi nuôi bán hoang dã cần phải xây dựng cuồng trại kiên cố, đảm bảo thông thoáng, có sân chơi gần gũi với tự nhiên như: sân đất rộng để lợn con có sân chơi, có cây to che bóng mát, thường xuyên vệ sinh chuống trại sạch sẽ... Thức ăn cho lợn rừng rất dễ kiếm, dễ chủ động, chủ yếu là các loại rau củ quả, bắp, chuối.
Nuôi lợn rừng từ 12 đến 15 tháng thì lợn nái bắt đầu sinh sản, lợn con có trọng lượng từ 300g-500g/con, sau khi nuôi được khoảng 2 tháng, trọng lượng trung bình đạt từ 8-10kg/con có thể bán lợn giống, sau nuôi 6 tháng có trọng lượng từ 25-30kg/con có thể bán thịt. Nhờ chăm sóc tốt nên đàn lợn phát triển nhanh và không bị bệnh tật. Hiện nay, anh đã phát triển đàn được 48 con lợn nái, 4 con lợn đực giống, mỗi năm lợn nái đẻ 2 lưa, mỗi lưa đẻ 6-8 con lợn, một năm trang trại có từ 600-700 con lợn giống. Để tránh bị cận huyết, anh Hoan tuyển lợn nái và lợn đực từ nhiều dòng khác nhau.
Hiện tại, trang trại nuôi lợn rừng của gia đình anh Hoan đang cung cấp con giống và lợn thương phẩm không chỉ cho bà con nông dân tại địa phương mà còn ở thị trường trong tỉnh Hải Dương và ngoài tỉnh như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên... vói giá bán từ 290.000-300.000 đồng/kg đối với lợn giống từ 8-10kg, và giá 260.000 -270.000 đồng/kg đối với giống lợn từ 10-20 kg.
Sau 4 năm nuôi lợn rừng, anh Hoan cho biết nuôi lợn rừng dễ hơn và cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với nuôi lợn nhà. Bởi chi phí thức ăn nuôi lợn rừng thấp hơn rất nhiều so với nuôi lợn nhà, chủ yếu là thực vật như rau, thân cây chuối, cỏ, ngô, khoai... các loại thức ăn giàu dinh dưỡng, bột, cám được hạn chế đáng kể bởi có thể làm giảm chất lượng thịt, lợn rừng là loài động vật có sức chống chịu với thời tiết tốt, ít khi mắc dịch bệnh, khả năng kháng bệnh cao và có thị trường đầu ra ổn định. Như năm 2012, nhiều hộ gia đình trong tỉnh ta chăn nuôi lợn gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ bấp bênh, nhiều trang trại bị thua lỗ do giá thức ăn tăng cao trong khi đó giá bán lợn thấp, song mô hình nuôi lợn rừng của gia đình anh Trần Văn Hoan vẫn cho thu nhập kinh tế cao, theo tính toán cuối năm 2012 anh bán ra thị trường hơn 600 con lợn, 2/3 là bán giống với giá bán từ 290.000-300.000 đồng/kg, 1/3 bán thịt lợn rừng với giá bán từ 260.000-270.000 đồng/kg, thu về hơn 3tỷ đồng, trừ chi phí cho thu lãi khoảng 350 triệu đồng. Thời gian tới anh Hoan dự định sẽ mở rộng trang trại và nuôi lợn từ 150 con đến 200 con để cung cấp con giống cho bà con nông dân, vừa bán sản phẩm thịt lợn rừng cho nhà hàng, khách sạn tại địa phương. Bên cạnh nguồn thu nhập từ nuôi lợn rừng, anh Hoan còn thu nhập từ trồng xoài, nuôi cá mỗi năm đạt từ 50-60 triệu đồng.
Không chỉ làm giàu cho chính gia đình mình, anh Hoan còn tích cực tham gia đóng góp cho các phong trào của địa phương như: ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam, ủng hộ quỹ người nghèo, đóng góp xây dựng các thiết chế văn hóa như đường giao thông, nhà văn hóa, trường mẫu giáo....Vì vậy, từ năm 2008 đến nay, anh Hoan liên tục được Hội Nông dân tỉnh tặng bằng khen đạt danh hiệu "hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh". Năm 2011, anh Hoan được vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của về sản xuất cây con mới của Trung ương Đoàn.
Hòa Thuận