Mô hình nuôi lợn thương phẩm từ lợn đực giống Piétrain RéHal tại huyện Cẩm Giàng. Ảnh Bảo Ngọc Theo Cục thống kê tỉnh đến cuối năm 2010 tổng đàn lợn là 586235 con, trong đó lợn nái sinh sản: 100487 con, lợn đực giống: 935 con; lợn thịt: 484813 con. Khối lượng thịt lợn sản xuất ra 81.388 tấn, đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm tiêu dùng cho nhân dân và xuất bán ra tỉnh ngoài.
Nhằm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao năng suất và chất lượng thịt cao từ lợn nái lai với lợn đực giống Piétrain RéHal trong các gia trại, trang trại chăn nuôi tại tỉnh Hải Dương. Thạc sỹ Phạm Thị Đào - Trưởng phòng Khảo thí & Đảm bảo chất lượng đào tạo, Trường Trung cấp Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện đề tài: "Xây dựng mô hình nuôi lợn thương phẩm từ lợn đực giống Piétrain RéHal với lợn nái lai trên địa bàn tỉnh Hải Dương".
Ban chủ nhiệm dự án đã tiến hành khảo sát 50 trang trại, gia trại chăn nuôi lợn tại huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Ninh Giang, thị xã Chí Linh và thành phố Hải Dương và đã lựa chọn được 7 trang trại thực hiện đề tài. Tiến hành trên 7 lợn đực giống Piétrain kháng stress (Piétrain ReHal) nuôi tại Trung tâm Giống gia súc Hải Dương. Kết quả cho thấy thể tích tinh dịch đạt 234 ml, hoạt lực tinh trùng là 0,8, nồng độ tinh trùng đạt 230,02 triệu/ml, tổng số tinh trùng tiến thẳng là 43,11 tỷ/lần, tỷ lệ tinh trùng kỳ hình 1,65% và sức kháng tinh trùng là 3051. Thể tích tinh dịch, hoạt lực tinh trùng, nồng độ tinh trùng, tổng số tinh trùng tiến thẳng, tỷ lệ tinh trùng kỳ hình và sức kháng tinh trùng của lợn Maxter đạt lần lượt là: 163.12ml, 0.8, 161.25 triệu/ml, 21.38 tỷ/lần, 1.17 % và 2556. Với lợn Duroc lần lượt là: 234ml, 0.82, 242.5 triệu/ml, 45.14 tỷ/lần, 1.75 % và 2675. Các chỉ tiêu về phẩm chất tinh dịch của lợn đực Piétrain ReHal nuôi tại Trung tâm giống gia súc Hải Dương đều đạt tiêu chuẩn theo quyết định về quy định tạm thời các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đối với giống vật nuôi của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn số 67/2002/QĐ-BNN quy định đối với lợn đực ngoại sử dụng trong thụ tinh nhân tạo đáp ứng được yêu cầu nhân giống cho sản xuất tại miền Bắc.
Các công thức lai đều tiến hành lúc lợn được 60 ngày tuổi, công thức lai Pi x F1(L x MC) là 180 ngày, công thức lai Pi x F1(Yx MC) là 178 ngày và công thức lai Pi x F1(L x Y ) là 165 ngày. Khối lượng giết thịt ở 3 công thức đạt từ 89,91 đến 97,93 kg/con. Tốc độ tăng khối lượng của công thức lai Pi x (L x MC) và Pi x F1(Y x MC) đạt tương ứng: 604,83 và 631,01 g/con/ngày và ở công thức lai Pi x F1(L x Y ) là 746,57 g/con/ngày. Tốc độ tăng khối lượng ở công thức lai 3 giống ngoại có xu hướng cao hơn so với công thức lai 3 giống có máu lợn nội tham gia. Tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng là một chỉ tiêu quan trọng, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế chăn nuôi. Kết quả cho thấy tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng của công thức lai 3 giống có máu lợn nội là 2,54 đến 2,60kg, của công thức lai Pi x F1(L x Y là 2,31kg. Quá so sánh với các giống lợn khác nuôi tại trại cho thấy con lai được tạo ra từ đực giống Pietrain có khả năng sinh trưởng tốt hơn và tiếu tốn thức ăn cho 1 kg tăng khối lượng là thấp hơn. Tỷ lệ móc hàm đạt từ 80,84 đến 82,26%, tỷ lệ nạc ở ba công thức thu được trong nghiên cứu nằm trong phạm vi của một số thông báo khác, cụ thể ở công thức lai Pi x F1(Y x MC) đạt 56,02%, công thức lai Pi x F1(L x MC) đạt 55,47% và công thức lai Pi x F1(L x Y ) đạt 60,44%. Độ dày mỡ lưng sau khi mổ khảo sát cũng cho thấy ở 2 công thức lai có máu lợn Móng cái vẫn cao hơn công thức lai có máu lợn ngoại, cụ thể là 1,78 đến 2,10cm và 1,65cm.
Qua nghiên cứu cho thấy có thể sử dụng lợn đực giống Pietrain Réhal phối với lợn nái lai F1(Yx MC), F1(L x MC), F1(L x Y) để tạo ra các con lai tương ứng có tác dụng nâng cao các chỉ tiêu năng suất nhất là nâng cao tỷ lệ nạc và hiệu quả kinh tế. Mô hình sử dụng lợn đực Pietrain Rehal phối giống với nái lai trên để nâng cao năng suất và hiệu quả chăn nuôi lợn thịt trong thực tế sản xuất tại Hải Dương.
Hải Ninh