Mô hình nuôi cá chình tại xã Bình Dân, Kim Thành

Anh Nguyễn Tiến Dũng đang chăm sóc cá chình. Ảnh Minh Mẫn         Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân tại các địa phương trong tỉnh Hải Dương đã mạnh dạn đầu tư nuôi các giống thuỷ sản mới đạt hiệu quả kinh tế cao như: nuôi cá rô phi đầu vuông, cá rô phi dòng sô đan, nuôi ếch ... trong đó, mô hình nuôi cá chình của anh Nguyễn Tiến Dũng, thôn Trung Tuyến, xã Bình Dân, huyện Kim Thành cũng là một trong những mô hình nuôi thuỷ sản mới đầu tiên tại Hải Dương.
Mô hình nuôi cá chình tại xã Bình Dân, Kim Thành
Trước khi chuyển sang nuôi cá chình, gia đình anh Nguyễn Tiến Dũng đã nuôi các giống cá truyền thống như cá chép, cá rô phi, cá trắm...song hiệu quả kinh tế từ các gíông cá truyền thống thấp nên năm 2009, anh đầu tư gần 50 triệu đồng nuôi tôm càng xanh. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm nuôi, cộng với kiểu khí hậu mùa đông của Miền Bắc rét đậm kéo dài nên lứa tôm đầu tiên anh bị thiệt hại.
Cuối năm 2011, anh Dũng tiến hành cải tạo 5 sào ao nuôi tôm chuyển sang nuôi cá chình. Qua tìm hiểu thấy, cá chình có ưu điểm là sinh trưởng khoẻ, chống chịu bệnh tật và thời tiết khắc nghiệt tốt, tuy vậy có một nhược điểm của cá chình là hay chạy trốn ra ngoài núc mưa bão khi bờ ao nuôi không đảm bảo, cho nên để tránh thất thoát cá, anh Dũng đã lát gạch quanh bờ ao nuôi để khắc phục nhược điểm. Để bảo đảm môi trường nuôi cá tốt, trước khi thả cá anh tát cạn ao, khử trùng bằng vôi bột, phơi ao từ 10-15 ngày. Sau đó, xử lý đáy ao, diệt tạp, diệt khuẩn bằng chế phẩm sinh học. Sau khi hoàn tất các khâu chuẩn bị, anh mới bắt đầu thả giống. Để có giống tốt, anh Dũng tới Công ty TNHH Phúc Hà (Hải Phòng) mua 2.000 con giống với giá 25.000 đồng/kg, với kinh nghiệm nuôi cá trước kia anh chọn cá giống đồng cỡ, khỏe mạnh, không bị trầy xước...
Cá chình thuộc nhóm cá ăn mồi sống thích hợp với môi trường nước sạch có nhiều oxy, nên ao nuôi phải được trang bị hệ thống bơm để thay nước thường xuyên. Thức ăn cho cá là các loại mồi sống như: các loại cá sông như cá diếc, cá rô phi, cá mè loại nhỏ, ốc, giun... trước khi cho cá ăn, thức ăn phải được làm sạch sau đó thả vào ao để tránh gây ô nhiễm nguồn nước.
Qua tìm hiểu về đặc tính của cá chình là ưa bóng tối, sợ ánh sáng, ban ngày chúng chui rúc vào đáy ao, ban đêm ra ngoài kiếm ăn. Chu kỳ sinh hoạt của giống cá này khác với các giống cá khác, thời gian cho cá ăn vào buổi tối từ 18 giờ 19 giờ hàng ngày.
Sau gần 1 năm thả nuôi, đàn cá chình của anh Dũng đã tăng trọng bình quân 1,5kg/con. Sau khi hao hụt trong suốt quá trình nuôi, ao nuôi của gia đình anh Dũng còn 1.500 con, đến nay, gia đình anh đã xuất bán được hơn 1 tạ cá cho các thương lái trong tỉnh và ngoài tỉnh như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương..., với giá cá chình hiện nay là 400.000đ/kg - 430.000 đ/kg. Dự tính từ nay đến đầu năm sau, trừ chi phí thức ăn, công lao động mô hình nuôi cá chình "đầu tay" sẽ cho anh Dũng khoản thu hơn 100 triệu đồng.

Mô hình nuôi cá chình đã có nhiều nơi tại các tỉnh như Bình Định, Bình Thuận, thành phố Hồ Chí Minh...nhưng tại Hải Dương đây là mô hình mới, nên trong quá trình nuôi, anh Nguyễn Tiến Dũng vừa tìm tòi, vừa học hỏi nên gặp không ít khó khăn. Thời gian tới với kinh nghiệm đã tích lũy từ nuôi giống cá chình lần đầu, sau khi thu hoạch xong lứa cá, anh Dũng tiếp tục mở rộng ao nuôi và số lượng cá nuôi để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình nuôi cá chình cần có sự quan tâm của các cấp ngành chức năng trong việc hỗ trợ vốn vay và chuyển giao khoa học kỹ thuật tới các hộ nông dân, để từ đó mô hình nuôi cá chình được nhân rộng và góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây