Khuyến khích gắn nhãn, dán tem nhận diện rau an toàn

Vừa qua, tại Hà Nội, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội đã đánh giá kết quả 1 năm thực hiện Chương trình thí điểm kiểm soát theo chuỗi từ cơ sở sản xuất rau an toàn (RAT) đến nơi tiêu thụ.
Khuyến khích gắn nhãn, dán tem nhận diện rau an toàn
Mô hình thí điểm RAT được triển khai tại xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội trên diện tích 250 ha; trong đó diện tích cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT là 225 ha; số còn lại áp dụng theo VietGAP. Có 1.000 hộ tham gia sản xuất rau, công ty TNHH Hương Cảnh là doanh nghiệp ký liên kết tiêu thụ.

Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, sản lượng rau bán buôn qua các chủ hộ có ô tô, xe máy chiếm khoảng 90% sản lượng vùng rau, tương đương với 35 – 40 tấn/ngày; trong đó lượng rau được gắn nhãn nhận diện đạt khoảng 70 – 75%. Sản phẩm rau sau khi gắn nhãn đã được tiêu thụ rộng trên thị trường Hà Nội và đưa đi một số tỉnh khác. Qua trao đổi với các chủ buôn rau cho thấy, sản phẩm rau dán nhãn bán nhanh hơn do người mua yên tâm về chất lượng. Giá rau tại Văn Đức cũng bán được giá hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường từ 500 – 1.000 đồng/kg. Các cửa hàng, khách sạn, người tiêu dùng... tại Hà Nội và các tỉnh cũng đã gọi điện đặt hàng qua số điện thoại trên nhãn nhận diện. Như vậy, bước đầu việc dán nhãn RAT cũng tạo được niềm tin cho người tiêu dùng và tạo cạnh tranh trên thị trường.

Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đánh giá, về cơ bản Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, Hợp tác xã rau Văn Đức đã thực hiện tương đối hiệu quả chương trình. Mặc dù vậy, chương trình mới thực hiện ở một số hộ sản xuất, kinh doanh tự nguyện tham gia, có hộ gắn nhãn, có hộ không thực hiện. Bên cạnh đó, do chủ yếu là bán buôn nên một số chủ hàng còn xếp thẳng rau vào xe không qua đóng túi; việc gắn nhãn, cách thức gắn tem còn mất nhiều thời gian do lực lượng kiểm soát gắn nhãn còn ít; chưa chuyển giao được việc gắn nhãn cho các hộ sản xuất kinh doanh rau...

Trong thời gian tới, theo đề xuất của Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, nên có lộ trình chuyển giao việc gắn nhãn là trách nhiệm của cả thương lái và chủ hộ trồng rau, chứ không nên chỉ có cán bộ hợp tác xã như hiện nay. Cần có các cơ sở sơ chế cho các loại rau sau thu hoạch để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hơn...

Chi Cục Bảo vệ thực vật Hà Nội biết, sẽ cải tiến và nhân rộng việc gắn nhãn RAT bán buôn và dán tem nhận diện cho RAT bán lẻ ra các vùng sản xuất trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm 2013. Việc gắn nhãn, dán tem nhận diện RAT chỉ được thực hiện tại các cơ sở, vùng sản xuất đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT. Chi cục cũng đặt ra lộ trình thực hiện là: năm 2012 – 2013, khuyến khích việc gắn nhãn, dán tem nhận diện RAT trên cơ sở tự nguyện đăng ký tham gia. Từ năm 2014 trở đi, tiến tới quy định bắt buộc việc gắn nhãn, dán tem nhận diện RAT.

theo Trung tâm khuyến nông Quốc gia, 7/11/2012

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây