Mỗi năm, xã An Thanh thu hoạch khoảng 7-8 tấn rươi, trung bình mỗi kg rươi có giá khoảng 300.000 đồng/kg. Như vậy, mỗi năm người dân An Thanh thu về hơn 2 tỷ đồng từ con rươi.
Rươi là một loài sinh vật quý hiếm, chỉ có rải rác ở một số tỉnh địa phương đồng bằng vùng trũng, có diện tích đất ngập úng, có con nước thủy triều lên xuống của các con sông, con lạch nhỏ, nước lợ như một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình v.v.. Ở Hải Dương, các huyện Kinh Môn, Kim Thành, Thanh Hà, Tứ Kỳ là những huyện trước đây có rất nhiều rươi và rươi ngon có tiếng. Hiện nay đồng rươi chỉ còn một dải hẹp ven sông thuộc vành đai nước lợ thuộc các huyện Kinh Môn, Kim Thành, Thanh Hà, Tứ Kỳ. Trong đó, xã An Thanh (huyện Tứ Kỳ) là một vùng quê nổi tiếng về chất lượng con rươi và cách đánh bắt rươi độc đáo.
Xã An Thanh có trên 100 ha đất bãi ven sông Thái Bình, tập trung ở hai thôn là An Định và An Lao. Trong đó, riêng thôn An Lao có khoảng 170 mẫu ruộng cho thu hoạch rươi. Ông Phạm Văn Mên, trưởng thôn An Lao cho biết: Người dân trong thôn thu hoạch rươi từ những năm 80 của thế kỷ trước. Lúc ấy, rươi có nhiều, mỗi khi có rươi, cả làng cùng đổ xô ra ruộng bãi để vớt rươi. Từ sau khi thực hiện khoán 10 thì diện tích ruộng đất bãi được giao cho nông dân quản lý.
Nhắc đến con rươi, những người cao tuổi ở An Thanh thường tự hào: Nó như con giun nằm dưới đất bùn. Đất càng sạch, càng xốp thì rươi càng to, càng ngon. Nước lên đến đâu, rươi nổi lên đến đấy, nước rút ra sông thì rươi cũng theo ra. Vào chính con nước, rươi vừa nhiều vừa to. Về mặt ẩm thực, Rươi là một nguyên liệu để chế biến những món đặc biệt thơm ngon như: chả rươi, mắm rươi, rươi hấp, nem rươi, rươi kho, rươi xào củ niễng măng tươi hay củ cải, thậm chí có nơi còn làm canh riêu rươi. Trước đây, cứ mỗi độ thu về, chỉ cần nghe hai tiếng "rươi nổi" truyền tai nhau là cả làng đổ xô ra bãi để vớt rươi, người lớn và trẻ con đi bắt rươi mà như đi trẩy hội. Dụng cụ chính để bắt rươi là xăm. Người ta dùng vợt, rổ, chậu để đi vớt rươi. Ai có xăm thì dùng xăm, ai không có xăm thì dùng vợt, dùng rổ để vớt lấy loài sinh vật quý hiếm này. Một đêm vớt rươi có thể được 10-12 thúng là chuyện bình thường.
Trước đây, nông dân An Thanh vẫn cấy 2 vụ lúa mỗi năm, sử dụng phân hóa học, thuốc cỏ, thuốc trừ sâu nên ruộng bãi ngày càng hiếm rươi. Theo cụ Phạm Văn Túc, một người đã cả đời gắn bó với con rươi ở vùng đất An Thanh, nguyên nhân làm cho con rươi mất đi là do sử dụng phân hóa hóc, thuốc trừ sâu, khiến con rươi không thể tồn tại và sinh trưởng, phát triển. Một nguyên nhân nữa là con rươi chỉ hình thành và phát triển mạnh ở vùng nước lợ, nông dân lại đắp cao bờ vùng để ngăn không cho nước mặn thâm nhập vào cây lúa, khiến vùng nước lợ thuận lợi cho rươi phát triển bị thu hẹp. Sau này, khi nhận thấy lợi ích to lớn từ con rươi mang lại, người dân ở đây chỉ cấy lúa 1 vụ trong năm, không dử dụng phân bón hóa học cũng như thuốc trừ sâu; đồng thời sử dụng phân bón hữu cơ như rơm, rạ, phân gia cầm và cấy các giống lúa truyền thống là lúa gié, lúa hom nên con rươi phát triển trở lại.
Hiện tại, xã An Thanh có khoảng gần 50 ha đất ruộng bãi có khả năng khai thác rươi. Tại đây đã xuất hiện những mô hình đánh bắt rươi khá độc đáo. Điển hình là hộ nông dân Vũ Xuân Hời với diện tích hơn chục mẫu ruộng được quy hoạch dồn điền đổi thửa để thu rươi và cáy. Trên diện tích rộng lớn, anh đầu tư đắp bờ cao, xây dựng hệ thống kênh mương, cống để chủ động điều tiết nước sông ra-vào bãi. Anh Hời cho biết: Ruộng bãi được cấy lúa một vụ trong năm nhưng cấy lúa cốt để cho đất tơi xốp chứ không ai quan tâm nhiều đến năng suất lúa. Nguồn lợi chính của ruộng bãi là con rươi, sau đến là con cáy ngoài đồng. Anh bảo: "Con rươi xuất hiện là do chế độ nước thủy triều, con người chỉ có thể cải tạo đất bãi, tạo điều kiện môi trường sống cho con rươi. Tôi đi theo các cụ cao tuổi trong làng bắt rươi từ khi bé, bây giờ lập bãi, theo sát nó đã 5 năm nay nhưng cũng không biết nó ăn thứ gì và sinh sản ra sao cả". Đã từ mấy năm nay, để tránh tình trạng tư thương ép giá mỗi khi nước rươi lên, anh Hời cùng một số hộ dân khác ở An Thanh tìm cách chủ động điều tiết nước thủy triều vào khu ruộng, bãi nhà mình. Các hộ sẽ thống nhất với nhau việc hộ nào lấy nước vào ngày nào một cách luân phiên trong khoảng thời gian đầu và cuối con nước rươi. Năm 2011, với diện tích 25 mẫu ruộng bãi, anh Hời thu hoạch được 3 tấn rươi. Năm 2012, anh Hời dự kiến sẽ thu hoạch khoảng 1,5 tấn rươi trên diện tích 10 mẫu, với giá bán trung bình 300.000-350.000 đồng/kg. Ngoài rươi, anh còn thu nhập từ con cáy với khoảng hơn 100 triệu đồng mỗi năm.
Hiện tại, xã An Thanh đã có 5 hộ gia đình thu hoạch rươi theo cách chủ động điều tiết nước như hộ anh Vũ Xuân Hời. Giá trị của con rươi mang lại là rất cao và thị trường tiêu thụ rươi ngày càng rộng lớn. Đặc biệt, những con rươi được đánh bắt ở vùng đất An Thanh (Tứ Kỳ) được thị trường ưa chuộng hơn cả. Anh Hời cho biết: có thời điểm thương lái thu mua ruơi ở các nơi như Thanh Hóa, Nghệ An, Tiên Lãng (Hải Phòng) với giá 250.000 đồng/kg nhưng giá bán tại đây lên tới 330.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do vùng này có nguồn nước ngọt hơn, con rươi béo, có màu đỏ, chân ngắn, lúc đánh con rươi ra thì khô và quyện như xay giò, vì thế thị trường rất ưa chuộng.
Mỗi năm, xã An Thanh thu hoạch khoảng 7-8 tấn rươi, trung bình mỗi kg rươi có giá khoảng 300.000 đồng/kg. Như vậy, mỗi năm người dân An Thanh thu về hơn 2 tỷ đồng từ con rươi. Do giá trị của rươi và cáy cao hơn rất nhiều so với cấy lúa nên xã An Thanh có chủ trương mở rộng diện tích đất bãi còn lại để khai thác rươi và cáy trong thời gian tiếp theo.
Nguyễn Thị Ánh