Nhiều hộ nông dân vùng trồng rau an toàn xã Tân Đức, thành phố Việt Trì (Phú Thọ) đã và đang áp dụng phương pháp diệt sâu bệnh hại rau bằng thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc tự chế với những nguyên liệu sẵn có như: Gừng, tỏi, ớt... Phương pháp này vừa hạn chế được sâu bệnh vừa giảm chi phí sản xuất và không làm ô nhiễm môi trường.
Đây là mô hình được Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Thọ triển khai từ tháng 6 năm 2012 đến nay. Mô hình lựa chọn một số công thức tự pha chế ra thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh hại rau, nhằm giúp người nông dân hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, giảm ô nhiễm môi trường...
Ông Nguyễn Văn Tầm ở khu 1, xã Tân Đức, một trong những hộ đầu tiên thí điểm phương pháp này cho biết: Nhờ việc sử dụng thuốc thảo mộc, nên số lượng sâu hại giảm đi đáng kể, chi phí phun thuốc sâu bệnh giảm khoảng 40%. Không chỉ có thế, việc sử dụng thuốc thảo mộc còn không làm ô nhiễm môi trường, đặc biệt phù hợp với điều kiện vườn rau cạnh nhà ở như gia đình tôi...
Theo cán bộ kỹ thuật của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Thọ: Trong các loại củ, quả như: Gừng, tỏi, ớt... có chứa hàm lượng a-xit có tác động đến các bộ phận như mắt, da của những loài sâu bọ hại cây trồng và có thể tiêu diệt chúng. Nếu chiết xuất thảo mộc này được chế biến với nồng độ phù hợp sẽ xua đuổi, tiêu diệt được các loài sâu bọ.
Để tự tạo thuốc trừ sâu thảo mộc bà con nông dân chuẩn bị: Gừng 1kg, tỏi 1kg, ớt cay 1kg, rượu trắng 3 lít. Sau đó nghiền nhỏ từng loại, cho mỗi loại vào một bình sành và ngâm với 1 lít rượu. Ngâm chừng 10- 15 ngày thì lấy 100 - 150cc dung dịch mỗi loại, sau đó pha loãng chung với 10 lít nước sạch đem phun cho các loại rau. Sau khi phun, thuốc sẽ có tác dụng phòng trừ sâu khoang, sâu tơ, bọ nhảy,...xua đuổi côn trùng, bướm và sâu mới nở. Bên cạnh đó thuốc còn có tác dụng hạn chế sự phát triển và gây hại của sâu.
Bà Nguyễn Thị Nhị - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Thọ cho biết: Mô hình sử dụng thuốc thảo mộc phòng ngừa được hầu hết các loại sâu hại chủ yếu trên rau, không làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng rau. Bên cạnh đó, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc sẽ giúp bà con nông dân giảm được ô nhiễm môi trường, đặc biệt là những vùng trồng rau tại khu dân cư. Trong thời gian tới, Chi cục Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trên tại các địa phương trong tỉnh Phú Thọ. Mô hình trên sẽ giúp bà con nông dân Phú Thọ tiết kiệm chi phí sản xuất, bảo vệ sức khỏe, giảm ô nhiễm môi trường và hướng tới phát triển sản xuất bền vững...
Theo: Vũ Bắc, monre.gov, ngày 13/11