Giống lúa Thơm RVT kháng bệnh tốt

Hội thảo đầu bờ mô hình lúa Thơm RVT tại xã Chi Lăng Nam-huyện Thanh Miện Giống lúa thơm RVT đã được Bộ NN-PTNT công nhận giống Quốc gia, bản quyền thuộc Công ty CP Giống cây trồng Trung ương. Lúa thơm RVT có thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống chịu tốt với bệnh đạo ôn và bạc lá, chất lượng gạo ngon, cơm thơm, dẻo.
Giống lúa Thơm RVT  kháng bệnh tốt
Năm 2013, Trạm Khuyến nông huyện Thanh Miện thực hiện đề tài "Xây dựng mô hình sản xuất giống lúa nhân dân và sản xuất lúa hàng hóa giống lúa thơm RVT trên địa bàn huyện Thanh Miện". Vụ xuân năm 2013, Trạm đã triển khai mô hình ở 5 HTX là Tân Trào, Đoàn Kết, Thanh Giang, Phạm Lý-Ngô Quyền, Chi Lăng Nam với diện tích 25 ha. Trong đó có 2 HTX Phạm Lý-Ngô Quyền, Chi Lăng Nam xây dựng mô hình sản xuất giống lúa nhân dân. Vụ mùa năm 2013, Trạm đã triển khai mô hình ở 5 HTX là Ngô Quyền, Đoàn Kết, Chi Lăng Nam, Tứ Cường, Thanh Giang với tổng diện tích 40 ha. Ngoài các xã tham gia mô hình, tất cả 19 xã trong huyện đều gieo cấy giống lúa Thơm RVT với diện tích ước đạt 300 ha (ở vụ xuân) và 800 ha (ở vụ mùa). Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% giống, 25.000đ/sào tiền thuốc bảo vệ thực vật và 10.000đ/sào tiền mua phân siêu kali hòa tan. Giống lúa đối chứng với Thơm RVT là giống Bắc thơm số 7.
Vụ mùa năm 2013, điều kiện thời tiết đầu vụ thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng và phát triển do vậy cây lúa bén rễ nhanh, đẻ nhánh khỏe và tập trung. Đến thời kỳ lúa trỗ gặp ảnh hưởng của cơn bão số 5, số 6 gây mưa nhiều nên các loại sâu bệnh như cuốn lá, rầy nâu, khô vằn phát triển mạnh, dẫn đến tỷ lệ lép cao. Qua theo dõi và đánh giá tình hình sinh trưởng và phát triển của hai giống lúa trên cho thấy: giống lúa Thơm RVT có thời gian sinh trưởng ngắn: 118 ngày (ở vụ xuân), 98 ngày (ở vụ mùa), ngắn hơn 5 ngày so với Bắc thơm số 7; cây lúa sinh trưởng mạnh, khả năng đẻ nhánh cao hơn so với Bắc thơm số 7; lúa thơm RVT có lá đòng đứng, cây cứng, hạt màu vàng sáng, dài và nhỏ hơn. Về khả năng chống chịu sâu bệnh: giống lúa thơm RVT không nhiễm đạo ôn (ở vụ xuân) và bạc lá (ở vụ mùa), nhiễm khô vằn nhẹ hơn so với giống Bắc thơm số 7. Nhiều đại biểu tham gia hội thảo đầu bờ cho biết: ruộng gieo cấy lúa Thơm RVT chỉ cần phun thuốc trừ sâu cuốn lá có 1 lần, trong khi những ruộng gieo cấy giống lúa Bắc thơm số 7 phải phun tới 4-5 lần thuốc sâu, vừa tốn kém kinh tế, vừa giảm năng suất của vụ mùa.
Do có tổng số bông, số hạt chắc/bông cao nên năng suất của lúa Thơm RVT đạt 61 tạ/ha (ở vụ xuân) và 58 tạ/ha (ở vụ mùa), cao hơn giống đối chứng 14-18%. Nhỉnh hơn về năng suất, lúa Thơm RVT còn "ghi điểm" nhờ ưu thế về chất lượng gạo. Bà con nông dân ở Thanh Miện đã gieo cấy giống lúa này đều ghi nhận: gạo Thơm RVT nấu cơm ngon, đậm, hạt cơm trắng bóng và không dính cơm.
Tại hội thảo đầu bờ ngày 13/9/2013, ông Nguyễn Viết Bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Miện đánh giá: Lúa Thơm RVT đã được nông dân trong huyện gieo cấy từ 3 vụ nay. Mặc dù RVT có nhiều ưu điểm, song xét về hiệu quả kinh tế thì lúa Thơm RVT chưa nổi bật do không được giá bán. Trong khi lúa Bắc thơm số 7 có gián bán trên 800.000đ/tạ thì Thơm RVT chỉ có giá 700.000đ/tạ. Thêm vào đó, lúa Thơm RVT có độ phân ly lớn nên Công ty giống cần tiếp tục chọn lọc để tạo độ thuần cao hơn. Thanh Miện sẽ đưa giống lúa Thơm RVT vào cơ cấu vụ chiêm xuân tiếp theo.
Qua 2 vụ gieo cấy giống lúa Thơm RVT, các hộ nông dân tham gia mô hình đưa ra kinh nghiệm: giống lúa thơm RVT có chất lượng gạo ngon, khả năng kháng bệnh đạo ôn ở vụ chiêm và bệnh bạc lá ở vụ mùa, nhưng chỉ thích hợp với chân vàn, vàn cao; đồng thời nên bố trí ở trà xuân muộn, trà mùa trung sẽ cho năng suất và hiệu quả cao hơn so với các trà khác.
Quy trình kỹ thuật gieo cấy giống lúa Thơm RVT do Trạm Khuyến nông huyện Thanh Miện đã áp dụng trong quá trình xây dựng mô hình như sau:
+ Phương thức gieo cấy: mạ sân hoặc sạ hàng
+ Mật độ gieo cấy: 42 khóm/m2, 2-3 dảnh/khóm. Lượng giống 2kg/sào.
+ Lượng phân bón: 8kg đạm ure + 20 kg lân supe + 8 kg kali.
- Bón lót toàn bộ phân lân + 2kg đạm + 2 kg kali.
- Bón thúc lần 1 khi lúa bén rễ hồi xanh, với lượng 6 kg đạm + 3 kg kali.
- Khi lúa đứng cái thì phun 4 gói kali hòa tan.
- Phun tiếp 4 gói kali hòa tan khi phun thuốc trừ sâu cuốn lá.
+ Luôn giữ mực nước 3-5 cm; lúa kết thúc đẻ nhánh thì rút cạn nước 7-10 ngày.
+ Phòng trừ sâu bệnh các loại: phun thuốc Bama trừ sâu cuốn lá; thuốc Tilt super trị bệnh khô vằn, lem lép hạt; dùng thuốc Chess trừ rầy nâu.
Anh Nguyên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây