NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN LÚA LAI Ở MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI

Những thành tựu trong nghiên cứu lúa lai của Trung Quốc - Trung Quốc là nước đầu tiên trên thế giới sử dụng lúa lai trong sản xuất đại trà. Năm 1976, diện tích lúa lai của Trung Quốc mới có 133 ngàn ha, năm 1994, năm có diện tích lúa lai cao nhất, đạt 18 triệu ha. Theo báo cáo của giáo sư Viên Long Bình tại Hội nghị lúa lai Châu Á do FAO tổ chức tháng 5/2001 tại Hà Nội, diện tích lúa của Trung Quốc hiện nay là 31 triệu ha trong đó diện tích lúa lai chiếm khoảng 16 triệu ha, năng suất bình quân riêng lúa lai là 6,9 tấn/ha so với lúa thuần năng suất bình quân là 5,4 tấn/ha, tăng 1,5 tấn/ha trên toàn bộ diện tích. Diện tích sản xuất hạt lai F1 là 140.000 ha, năng suất hạt giống bình quân 2,5 tấn/ha( Yuan Long Ping).

Những năm gần đây, ngày càng nhiều các dòng bố mẹ được chọn tạo ở nhiều cơ quan nghiên cứu nông nghiệp như: Mian 2A, D702A, D62A, Bức khôi 838, Thục Khôi 527, Miên khôi 725...(Tứ Xuyên), Y hoa Nông A, Quảng khôi 128...(Quảng Đông), Peiai 64S, Xiang125S, Zhu1S, II-32A, Xinxiang 2A...(Hồ Nam), E32, 9311...(Giang Tô), Minh khôi 86 (Phúc Kiến). Các dòng mẹ này có nhiều ưu điểm như: có nguồn tế bào chất bất dục phong phú, khả năng kết hợp cao, khả năng nhận phấn ngoài cao.

- Ma, Yuan, (2003) cho biết: 50% diện tích trồng lúa lai đóng góp 60% sản lượng lúa của Trung Quốc, trong khi 50% diện tích lúa thuần đóng góp 40% sản lượng. Trồng lúa lai làm tăng sản lượng thóc của Trung Quốc mỗi năm là 22,5 triệu tấn, tạo điều kiện để Trung Quốc giảm 6 triệu ha đất trồng lúa/năm.

- Do ngành công nghiệp phát triển mạnh cạnh tranh về lợi nhuận với ngành trồng lúa ở Trung Quốc và do diện tích lúa chất lượng cao gia tăng dẫn đến sản lượng lương thực và năng suất lúa bình quân của Trung Quốc giảm mạnh từ 1999. Do vậy, Trung Quốc tập trung vào giải pháp tăng sản lượng, năng suất và chất lượng thông qua phát triển lúa lai năng suất siêu cao, chất lượng tốt. Sự ra đời của lúa lai hai dòng đã mở ra một hướng chọn tạo mới: siêu lúa lai.

Theo chiến lược mang tính kỹ thuật này, các nhà chọn giống Trung Quốc đã chọn tạo thành công một vài tổ hợp phù hợp với kiểu cây siêu lúa lai như: Peiai 64S/E32, Liangyou Peijiu (Peiai 64S/9311), Er you Ming 86 (II-32A/Minh khôi 86). Ngoài ra các nhà khoa học Trung Quốc còn áp dụng nhiều kỹ thuật công nghệ cao như nuôi cấy bao phấn, chuyển gen... nhằm đưa các gen quý như: QLTs, WC, Xa21, gen chịu thuốc trừ cỏ HR vào các dòng bố mẹ nhằm làm tăng năng suất, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, tăng độ thuần của các tổ hợp lai. Đặc biệt là sau khi Trung Quốc gia nhập WTO 11/2/2001, các nhà chọn giống lúa lai Trung Quốc chú trọng hơn tới chất lượng của các tổ hợp lúa lai có năng suất cao. Hàng loạt các dòng bố mẹ cùng các tổ hợp lai mới có chất lượng đạt tiêu chuẩn cấp 1-2 quốc gia (T.Q) như các tổ hợp hệ Kim ưu, Trung ưu, T ưu, D ưu, Hoa ưu...ra đời.

- Trung Quốc là quốc gia thành công nhất về siêu lúa lai (Super hybrid rice). Đây là kết quả của chương trình nghiên cứu của siêu lúa lai được Bộ Nông nghiệp và Bộ Khoa học Công nghệ cho phép thực hiện gồm 2 giai đoạn, có sự tham gia của 20 cơ quan nghiên cứu nông nghiệp từ 1996. Kế hoạch siêu lúa lai giai đoạn một đạt năng suất 10,5 tấn/ha vào năm 2000 và giai đoạn hai đạt 12 tấn/ha vào năm 2005.

- Hiện nay, Trung Quốc đã có hàng chục giống lúa lai đạt năng suất như vậy. Lúa lai năng suất siêu cao trồng trên diện tích tổng cộng 7,47 triệu ha trong những năm qua cho thấy năng suất tăng 10% so với những giống lúa lai hiện có. Khi đạt được năng suất 12 tấn/ha của giai đoạn hai, siêu lúa lai có năng suất trung bình cao hơn năng suất của lúa thuần là 2,2 tấn/ha. Nếu lúa lai được gieo trồng trên 13 triệu ha thì sản lượng lúa sẽ tăng thêm 30 triệu tấn so với trồng lúa thuần.

- Ở Trung Quốc, Nhà nước và tư nhân có kế hoạch đầu tư 84,6 tỷ đô la(700 tỷ nhân dân tệ) cho nghiên cứu và phát triển để phát triển những ngành kỹ thuật quan trọng trong năm năm tới gồm: công nghệ thông tin, Godson Computer Chip, lúa lai và nghiên cứu về vũ trụ (Rice News, source- CNET-Read the story).

- Về năng lực sản xuất hạt lai F1: Trung Quốc đã đạt năng suất bình quân 2.750 kg/ha, ấn Độ đạt 1.600 kg/ha. Các nước khác năng suất của ruộng sản xuất hạt lai đạt thấp từ 500 - 900 kg/ha. Tuy nhiên, một số công ty tư nhân ở các nước này đạt tương đối khá như: SL. Agritech của Philippines đã đạt năng suất 2.000 kg/ha. Họ đã cơ giới hoá cao độ khâu thu hoạch hạt lúa từ cây mẹ. Mỗi năm SL.Agritech đã sản xuất hạt giống F1 trên diện tích 1.500 ha/năm )

Những thành tựu mới nhất về lúa lai ở Trung Quốc mang tính đột phá cho phát triển lúa lai:

- Sử dụng những gen có lợi từ lúa hoang. Trung Quốc hợp tác với trường Đại học Cornell, Mỹ đã nghiên cứu phát triển 2 nhóm gen tăng năng suất.

+ Mỗi gen làm tăng năng suất 18%.

+ Một trong 2 gen trên đã được đưa vào dòng bố Q611.

- Sử dụng genomic ADN từ cỏ lồng vực (Barnyard Grass) để tạo ra những nguồn vật liệu mới cho lúa lai.

Đoạn ADN từ Barnyard được chuyển vào dòng R207 (khẳng định qua phân tích chỉ thị di truyền).

- Gen C4 từ ngô đã được phân lập và đang đưa vào lúa lai năng suất cao. Trên cơ sở này siêu lúa lai phấn đấu đạt năng suất 13,5 tấn/ha trên diện rộng vào 2010.

Nghiên cứu và phát triển lúa lai ở Bangladesh

Bangladesh bắt đầu nghiên cứu lúa lai từ năm 1993 tại Viện nghiên cứu lúa Bangladesh (BRRI).

Vụ xuân năm 1996-1997, BRRI đã xác định đựoc một số dòng CMS ổn định và thích ứng trong điều kiện Bangladesh như: IR6768A, IR68281A, IR68725A và IR66707A. Tỷ lệ nhận phấn ngoài đạt từ 22 – 43,4 %. Đồng thời đã xác định được một số dòng R tốt như IR29723-143-3-3-IR, IR44675-101-3-3-2-2R, IR34686-179-1-2-1R, IR44675-101-3-3-2-2R, IR34686-179-1-2-1R … Trên cơ sởcác dòng bố, mẹ này đã lai thử và chọn ra một số tổ hợp lai có triển vọng: IR25A/IR34686 (thời gian sinh trưởng 134 ngày, năng suất cao hơn giống đối chứng 1,16 tấn/ha), IR29A/IR29723 (thời gian sinh trưởng 128 ngày, năng suất cao hơn đối chứng 1,23 tấn/ha)

Tình hình phát triển lúa lai của nước khác

- Ở Mỹ, lúa lai được trồng đại trà năm 2000. Đến năm 2004, diện tích lúa lai đã lên tới 43.000 ha, các nước Inđônêsia, Srilanca, Ai Cập, Nhật Bản, Braxin cũng đã trồng lúa lai tuy nhiên diện tích còn ở mức khiêm tốn.

- Năm 1996, Ấn Độ đã sản xuất được 1.300 tấn hạt giống lai F1 và gieo cấy khoảng 50.000 ha lúa lai thương phẩm, đã tạo được 6 dòng CMS mới bằng tiến hành lai xa giữa lúa trồng với các loài lúa dại. Trong nghiên cứu lúa lai 2 dòng đã gây tạo và xác định được 12 dòng TGMS, tạo được 2 tổ hợp lai hiện đang tiến hành khảo nghiệm cơ bản, chuẩn bị đưa ra sản xuất.

- Năm 1993 Idonesia đã nhập 5 dòng TGMS của IRRI, đánh giá ở 2 điểm. Ở Sukamandi với điều kiện nhiệt độ cao vừa đủ gây bất dục của dòng TGMS và ở Kunigan có điều kiện vừa đủ đẻ cho dòng chuyển hóa hữu dục.

- Myanma bắt đầu nghiên cứu lúa lai năm 1991 và đã đạt được một số kết quả bước đầu: xác định được một số dòng TGMS có độ bất dục cao và ổn định như IR58025A, IR62829A đều do IRRI chọn tạo.

KS. Vũ Văn Tân


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây