Lạc đỏ 3 nhân là giống lạc bản địa của huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, trồng nhiều ở các xã khu hạ của huyện Tứ Kỳ như: Hà Thanh, Hà Kỳ, Nguyên Giáp, Phượng Kỳ và một số vùng lân cận thuộc tỉnh Thái Bình. Đây là giống lạc có nhiều đặc tính nông học tốt: vỏ quả mỏng, tỷ lệ nhân cao, vỏ hạt dày nên thời gian bảo quản được lâu, chất lượng ăn ngon.
Tuy nhiên, do nông dân tự để giống bằng kinh nghiệm dân gian, nên đến nay giống đã bị thoái hoá: quả nhỏ và không tâp trung, tỷ lệ quả 3 hạt giảm, năng suất thấp, mức độ nhiễm sâu bệnh nặng đặc biệt là bệnh héo xanh. Năm 2009-2010, diện tích lạc đỏ 3 nhân đạt khoảng 50-60 ha, năng suất bình quân đạt 20 tạ/ha. Năm 2011-2012, diện tích này bị giảm xuống còn 26 ha, với năng suất chỉ đạt khoảng 18 tạ/ha.
Với mục tiêu phục tráng giống lạc đỏ 3 nhân, duy trì giống chất lượng, sạch sâu bệnh và nâng cao năng suất, Trung tâm khảo nghiệm giống cây trồng Hải Dương đã triển khai đề tài: "Nghiên cứu, phục tráng và phát triển giống lạc đỏ 3 nhân nhằm duy trì chất lượng, nâng cao năng suất trên một số địa bàn tỉnh Hải Dương ". Đề tài được thực hiện trong 3 năm, từ năm 2012 đến năm 2014, do kỹ sư Lê Thị Bảy, Phó giám đốc trung tâm làm chủ nhiệm đề tài.
Thực hiện dự án, Trung tâm Khảo nghiệm giống cây trồng Hải Dương đã tiến hành lựa chọn được 32 kg lạc đỏ 3 nhân tại xã Nguyên Giáp làm vật liệu khởi đầu để nghiên cứu phục tráng; gieo trồng trên diện tích 4 sào, tại cánh đồng của Trung tâm Khảo nghiệm giống cây trồng. Kết quả đánh giá các chỉ tiêu kỹ thuật trên ruộng vật liệu khởi đầu vụ xuân 2012 cho thấy: Tổng số quả chắc trung bình đạt 14 quả/cây, tỷ lệ quả từ 3 hạt trở lên đạt trung bình 71%, tỷ lệ quả 1 hạt chỉ có 5,9 %, năng suất quả tươi đạt trung bình 63 tạ/ha, năng suất quả khô đạt trên 27 tạ/ha.
Qua kết quả gieo trồng trong vụ xuân 2012, Ban chủ nhiệm đề tài đã xác định 26 tính trạng của giống lạc đỏ 3 nhân, như: giống lạc đỏ 3 nhân có dạng thân nửa đứng, thân chính đứng, các cành bên đầu cành cong lên rất nhiều, mức độ phân cành cấp 1 trung bình, thời gian sinh trưởng trung bình, kích cỡ lá chét trung bình, màu sắc lá chét trung bình, quy luật ra hoa liên tục, chùm tia quả đơn giản, eo quả nông, bề mặt quả nhẵn, số hạt/quả nhiều, mỏ quả ngắn, dạng mỏ quả cong, vỏ hạt một màu, màu vỏ hạt đỏ, dạng hạt hình trụ, khối lượng 100 hạt thấp, tỷ lệ nhân/quả trung bình, hàm lượng Protein: 17,92%, hàm lượng Lipit: 49,87%. Đề tài cũng xác định được nguyên nhân thoái hóa giống lạc đỏ 3 nhân, do đã trồng lâu, không được chọn lọc nên độ thuần giảm, tỷ lệ quả 3 hạt giảm, dễ bị nhiễm một số bệnh như: bệnh đốm đen, bệnh gỉ sét, héo xanh vi khuẩn, thối trắng thân...
Kỹ sư Lê Thị Bẩy và các cộng sự đã chọn hướng phục tráng là chọn thuần các tính trạng bị phân ly, chọn dòng sạch bệnh, tăng tỷ lệ quả từ 3 hạt trở lên. Từ khi lạc mọc mầm, tiến hành lựa chọn các cá thể G0 dựa trên các tiêu chí: cây khoẻ, mọc mầm nhanh, sạch bệnh, cắm thẻ để theo dõi. Từ 300 dòng G0, ban chủ nhiệm đề tài đã lựa chọn và gieo trồng 150 dòng G1 để gieo trồng trong vụ thu đông năm 2012, sau đó lựa chọn được 37 dòng G1, nhân dòng G2 để sản xuất giống siêu nguyên chủng trong vụ xuân năm 2013. Qua kết quả kiểm định trên đồng ruộng và kết quả đánh giá trong phòng đã lựa chọn được 27 dòng G2 đạt các chỉ tiêu kỹ thuật lô giống siêu nguyên chủng.
Vụ thu đông năm 2013, Ban chủ nhiệm Dự án tiến hành sản xuất giống lạc đỏ 3 nhân nguyên chủng tại cánh đồng của Trung tâm Khảo nghiệm giống cây trồng Hải Dương. Kết quả lấy mẫu, kiểm nghiệm giống cho thấy giống lạc đỏ 3 nhân nguyên chủng đạt tiêu chuẩn quốc gia, có chứng nhận của Trung tâm Khảo, kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng quốc gia. Với lượng giống nguyên chủng đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, Trung tâm Khảo nghiệm giống cây trồng Hải Dương sẽ triển khai xây dựng mô hình trình diễn sản xuất giống lạc đỏ 3 nhân tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh với diện tích 10 ha trong vụ xuân năm 2014.
Nguyễn Thị Ánh