Đồng Quang là một xã thuần nông của huyện Gia Lộc, với diện tích đất nông nghiệp là 352,1ha, nhân dân trong xã thu nhập chủ yếu bằng nghề nông nghiệp: Cấy lúa, trồng rau, màu, chăn nuôi lợn, gà, vịt...Năm 2012, thu nhập bình quân đầu người gần 11 triệu/người/năm
Nhận thấy khoa học công nghệ có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất nông sản hàng hóa góp phần xây dựng nông thôn mới. Đảng ủy, UBND xã Đồng Quang đã thành lập Ban chỉ đã lập kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, trong đó chú trọng việc quy hoạch sản xuất nông nghiệp, tuyên truyền bà con nông dân áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Thực hiện nhiệm vụ, sau hơn 2 năm xây dựng nông thôn mới, Ban Chỉ đạo xã đã quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, kết hợp với nuôi trồng thuỷ sản gồm 11 vùng, với tổng diện tích là 68,91 ha; quy hoạch 02 vùng lúa chất lượng cao (lúa Bắc thơm số 7 và lúa P6đb) tại khu vực ngã ba đồng gồm 5 thôn: An Thư, Đôn Thư, Đông Trại, Đông Hạ, Đông Thượng với tổng diện tích là 104,2ha; quy hoạch 07 vùng cây cho giá trị kinh tế cao như: ngô, bắp cải, su hào, dưa chuột... tổng diện tích là 57,48ha; quy hoạch sử dụng đất cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ gồm 03 vùng, tổng diện tích là 10,5ha.
Để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, UBND xã đã chỉ đạo các đoàn thể chính trị xã tăng cường công tác kiểm tra và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn xã, công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người sản xuất được đẩy mạnh. Đồng thời, UBND xã tăng cường phối hợp với các cơ quan huyện như: Phòng Nông nghiệp, Trạm khuyến nông, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ mở được các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu mới bà con nông dân trong xã.
Nhận thấy xã Đồng Quang có điều kiện tự nhiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp,nhất là nghề nuôi trồng thủy sản và trồng rau màu cho giá trị kinh tế cao, nhân dân xã tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong thời gian qua, các cơ quan khoa học như: Viện Cây Lương thực và Cây thực phẩm, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, Viên Nghiên cứu ngô... triển khai các dự án đề tài khoa học công nghệ được bà con nông dân trong xã tích cực áp dụng như:
Năm 2010, Viện Cây Lương thực và Cây thực phẩm đã triển khai mô hình trồng lúa P6đb xã Đồng Quang (Gia Lộc) cho thấy, dòng P6đb chống chịu khá tốt với bệnh bạc lá và bệnh đạo ôn, có khả năng chống đổ, khả năng chịu rét tốt. Năng suất lúa P6đb khá cao (trung bình đạt 51-55 tạ/ha); Năm 2012, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm phối hợp với Hội Nông dân tỉnh triển khai mô hình trồng giống dưa chuột nếp số 1 tại 65 hộ ND xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc, với diện tích 4,5ha. Các hộ tham gia mô hình được Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm hỗ trợ 50% giống, chuyển giao kỹ thuật. Kết quả mô hình, dưa chuột nếp có ưu điểm chịu rét tốt, được thị trường ưa chuộng, giá bán trung bình từ 13.000 - 14.000 đồng/kg, cao hơn giống dưa chuột khác khoảng từ 1.000 - 2.000 đồng/kg.
Năm 2013, Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật Hải Dương (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh) đã thực hiện Dự án "Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất chế phẩm xử lý đáy ao nuôi thủy sản (BIOF) tại tỉnh Hải Dương" tại xã Đồng Quang với diện tích 10 ha. Cán bộ Trung tâm đã hướng dẫn các hộ nông dân tham gia mô hình tự sản xuất và sử dụng chế phẩm sinh học xử lý đáy ao nuôi thuỷ sản (BIOF), phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao tại địa phương.
Người dân xã Đồng Quang tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa nông nghiệp máy cày, máy làm đất, máy bơm nước; đưa các giống lúa ngắn ngày,chất lượng cao vào sản xuất như P6 đb, Bắc thơm số 7, Nàng xuân,..cho năng suất từ 120-130 tạ/ha. Bên cạnh đó, bà con nông dân nhạy bén với thị trường, nhiều hộ nông dân trồng bí xanh, bí ngô, ngô, bắp cải, su hào vụ đông sớm để cho giá trị kinh tế cao; áp dụng phương thức trồng gối vụ giữa bí xanh, bí ngô và lúa, trồng gối đỗ tương trước khi thu hoạch ngô giống... Kết quả sản xuất vụ đông tại xã những năm gần đây, nhất là giá trị và thu nhập của rau màu vụ đông sớm ngày càng được mở rộng, đã hình thành cánh đồng chuyên canh rau màu cho hiệu quả kinh tế từ 100-150 triệu đồng/ha...
Thực tế sản xuất nông nghiệp tại xã cho thấy, do tích cực áp dụng khoa học công nghệ nên đời sống kinh tế của bà con nông dân trong xã ngày càng nâng cao, đã góp phần quan trọng xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, thời gian tới UBND xã tiếp tục chỉ đạo Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, Hội nông dân, Hội Phụ nữ xã tích cực tuyên truyền bà con nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, giảm diện tích cấy lúa tăng diện tích cây rau màu có giá trị kinh tế cao ở cả 3 vụ (vụ đông, vụ xuân hè, vụ hè thu). Đẩy mạnh việc quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh rau quả cho giá trị kinh tế cao đổi mới cơ cấu trà lúa, tăng giống ngắn ngày. Thực hiện tốt vùng lúa chất lượng cao và vùng cây rau màu cho giá trị kinh tế cao theo quy hoạch của đề án xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích tạo điều kiện cho các hộ gia đình phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp áp dụng khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh chăn nuôi thuỷ sản.
Hòa Thuận