Những năm gần đây, xã Quang Minh, huyện Gia Lộc là một trong những xã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa các giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao P6ĐB, Bắc thơm, Nàng Xuân, QR1,... đặc biệt trong sản xuất vụ đông người dân áp dụng các phương pháp làm đất tối thiểu, rẽ lúa trồng cây, trồng xen bí xanh, bí ngô với cây ngô...cách làm này vừa giảm công lao động, rút ngắn thời vụ, lại vừa bảo đảm năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế từ thu hoạch vụ đông sớm cho bà con nông dân.
Theo ông Nguyễn Văn Vấn, cán bộ HTX dịch vụ nông nghiệp xã, cây bí xanh, bí ngô vốn có "duyên nợ" với bà con nông dân, là cây trồng chủ lực đã bám rễ tại xã gần 20 năm nay. So với nhiều cây vụ đông khác thì bí dễ trồng, chi phí giống, phân bón thấp, khoảng hơn 10 năm nay, bà con nông dân trong xã đã trồng bí xanh, bí ngô theo phương pháp làm đất tối thiểu. Trước kia bà con nông dân trong xã trồng lúa khang dân 18, song giống lúa này dài ngày nên thời vụ kéo dài, hiệu quả không cao, khoảng 3-4 năm trở lại đây, bà con cấy giống lúa P6ĐB (đây là giống lúa có thời gian sinh trưởng từ 80-85 ngày) trồng xen bí ngô, bí xanh nên mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trồng bí xanh, bí ngô bằng phương pháp làm đất tối thiểu, bà con nông dân không cần làm luống, chỉ thực hiện một số thao tác như: rạch luống, đặt bầu cây, bón phân, phủ rạ xung quanh. So với việc làm luống thông thường, phương pháp này giúp giảm công làm đất, làm cỏ, cây khỏe, tăng khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng.
Với mục đích bước vào vụ đông sớm, bà con đã ra giống làm bầu trước khi thu hoạch lúa hè thu từ 10-15 ngày, trên cùng 1 thửa ruộng, bà con nông dân cấy lúa chia thành nhiều ô, mỗi ô cách nhau 5m cấy 2 giống lúa khác nhau, giống lúa P6 ĐB ngắn ngày (cấy 3-4 hàng ngoài) bên trong cấy giống lúa QR1, Bắc thơm. Khi lúa P6ĐB chuẩn bị thu hoạch, nông dân rẽ lúa rạch luống đặt bầu cây, phủ rơm rạ che bầu, sau khi bí xanh, bí ngô vươn ngọn phát triển cũng là lúc bà con nông dân gặt 3-4 hàng lúa P6 ĐB. Đến khi diện tích lúa còn lại trên ruộng thu hoạch cũng là lúc bí đã sinh trưởng, phát triển tốt. Với phương pháp này, bà con nông dân đã rút ngắn thời vụ từ 10-15 ngày. Theo kinh nghiệm của bà con, ra giống sớm thì bí sớm thu hoạch và được giá hơn so với thu hoạch vào chính vụ. Trồng bí xanh, bí ngô theo phương pháp làm đất tối thiểu có những ưu điểm như: Giảm được chi phí trong khâu làm đất; rút ngắn thời vụ trồng; phủ rạ sau khi trồng làm cỏ không mọc, giảm tình trạng đốt rơm rạ thừa sau thu hoạch, giảm lượng phân, rạ mục ra làm phân cho vụ sau; tăng năng suất cây trồng...
Trên cánh đồng thôn Hậu Bổng, có hộ nông dân đang chăm sóc bí xanh, bí ngô, có hộ đã cho thu hoạch quả non , chị Vũ Thị Dợi chia sẻ: Ngay từ cuối tháng 8-2013 khi trà lúa mùa sớm còn chưa thu hoạch thì ở Quang Minh, cây bí xanh, bí ngô đã được ươm gieo trong bầu ở trong vườn nhà và ngoài đồng. Khi lúa P6 ĐB cho thu hoạch, gia đình chị đã rẽ lúa, đặt bầu cây bí ngô, bí xanh trên diện tích 9 sào ruộng, "Vụ đông năm nào cũng vậy, gia đình tôi gieo, trồng cây bí ngô, bí xanh sớm bằng phương pháp làm đất tối thiểu để kịp thời vụ, đến nay sau 45 ngày, gia đình tôi đã được thu hoạch bí xanh, bí ngô. Trồng cây vụ đông sớm nông sản lại thường được giá cao hơn so với hai vụ lúa, tính trung bình bí xanh, bí ngô có giá từ 5000-6000đồng/kg, được giá lên tới 8000-9000 đồng/kg, năng suất đạt 5-6 tạ/sào, trừ chi phí gia đình tôi thu lãi khoảng 3-3,5 triệu đồng/sào". Song vấn đề hiện nay là đầu ra sản phẩm, khi vào chính vụ, bí xanh, bí ngô thường bị mất giá còn 2000-3000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Trọng Chú, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp xã cho biết, xã có 214 ha diện tích đất nông nghiệp, 140 ha diện tích đất trồng cây vụ đông, trong đó có gần 50 ha diện tích đất trồng bí xanh, bí ngô, năm 2011 – 2012, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm triển khai đề tài: "Xây dựng mô hình sản xuất giống bí xanh Số 2 trên địa bàn tỉnh Hải Dương" tại xã Quang Minh, bí xanh số 2 có khả năng chịu lạnh tốt, thời gian sinh trưởng đồng đều, lại ít sâu bệnh nên không phải sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, mang lại thu nhập cao cho người trồng bí.
Hiện nay, mô hình trồng bí xanh, bí ngô theo phương pháp làm đất tối thiểu không chỉ được trồng tại xã Quang Minh mà còn lan rộng ra các xã Đồng Quang, Đức Xương (Gia Lộc) và một số xã ở huyện Thanh Miện. Trồng bí xanh, bí ngô theo phương pháp làm đất tối thiểu là một tiến bộ mới trong sản xuất nông nghiệp, mở ra hướng sản xuất hàng hóa trên mọi chất đất, vừa rút ngắn thời vụ, vừa giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất, tận dụng được rơm rạ dư thừa sau thu hoạch, tiết kiệm nước tưới, hạn chế cỏ dại... mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
Hòa Thuận