Xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng áp dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất cây cà rốt

Cà rốt là cây có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao, được dùng để ăn tươi và chế biến đồ uống. Tại Hải Dương, cà rốt được trồng từ lâu ở xã Đức Chính và Cẩm Văn (huyện Cẩm Giàng) và hiện nay diện tích cà rốt đang được trồng mở rộng ra các địa phương khác trong tỉnh.
anh_dc

Do Nhận thấy tiềm năng sản xuất nông nghiệp rất lớn, mang lại nguồn lợi cao cho người nông dân. UBND Huyện Cẩm Giàng luôn coi trọng xây nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững, hiệu quả. Nhiều giống cây trồng chất lượng đã được gieo trồng thử nghiệm, rồi nhân rộng... tạo nên những cánh đồng cho giá trị kinh tế cao. Điển hình là vùng chuyên canh cây cà rốt tại xã Đức Chính, từ nhiều năm nay đã trở thành cây màu chủ lực, chiếm vị thế quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa của huyện; cung cấp nông sản sạch cho thị trường và làm giàu cho nông dân.
Xã Đức Chính là địa phương đầu tiên hình thành và phát triển vùng chuyên canh cây cà rốt của huyện. Xuất phát từ lợi thế địa hình nằm ven đê, có nhiều diện tích đất bãi cát pha, phù hợp với gieo trồng cây màu. Việc thâm canh, gối vụ vùng chuyên canh cà rốt ở xã Đức Chính được phát triển từ năm 2004 đến nay, năng suất đạt 30 tấn/ha, với giá bán trung bình từ 3.000 đến 4.500 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên tới 7.000 đồng/kg; như vậy trồng một sào cà rốt nông dân thu nhập từ 5 triệu đến 6 triệu đồng; cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, trong khi đó đầu ra tiêu thụ nhanh và ổn định. Thấy rõ được hiệu quả đó, xã Đức Chính đã ra Nghị quyết chuyên đề về phát triển cây vụ đông, trong đó chú trọng nhất là mở rộng vùng cà rốt tập trung trên đất bãi, đất trồng lúa và tận dụng cả đất vườn.
Sau hơn 3 năm, diện tích cà rốt ngày càng được mở rộng, tăng từ 207ha năm 2006 lên hơn 350ha vào năm 2009, năm nay là 500ha. tập trung giống cà rốt Nhật Bản.
Ông Lê Văn Ngấn, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Chính cho biết: Những năm trước đây, giống cà rốt mà người nông dân trồng là giống của Pháp và có thử nghiệm một số giống của Mỹ nhưng không phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương nên năng suất thấp, từ năm 2007 đến nay nông dân xã Đức Chính trồng phổ biến là cà rốt Nhật F1 (TI-103, F 1 444 Super VL-108 do hãng Takii s quality seeds . Hai giống cà rốt của Nhật có thời gian sinh trưởng từ 95-102 ngày, chi phí vừa phải, hiệu quả cao hơn lúa. Cà rốt chống chịu tốt với điều kiện tự nhiên, kháng sâu bệnh tốt.
Được sự giúp đỡ và tạo điều kiện của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương, bà con nông dân trong xã đã được học các đợt tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về trồng cà rốt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua tập huấn, đã giúp bà con nông dân trong xã tiếp thu và mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng và chăm sóc cây cà rốt qua các khâu:
Thời vụ gieo đối với vụ sớm từ tháng 6 đến tháng 7 (âm lịch), thu hoạch vào tháng 9 và tháng 10; chính vụ gieo từ tháng 8, tháng 9 (âm lịch), thu hoạch tháng 11 đến tháng giêng (dương lịch) năm sau và vụ muộn gieo tháng 11 (âm lịch), thu hoạch tháng 3 và tháng 4 (dương lịch) năm sau.
Cây cà rốt thích nghi với thổ nhưỡng của vùng đất bãi nên đã trở thành "cây vàng" trên đồng đất Đức Chính, khâu làm đất cũng được bà con nông dân chú trọng, cải tiến kỹ thuật, bà con dùng máy phay, đất phải nhỏ, bột sau đó lên luống với chiều dài và rộng thích hợp cho mỗi vụ, độ cao của luống từ 20-25 cm, ngâm hạt từ 5-10 tiếng sau đó rải mỏng cho ráo nước mới mang đi gieo, trước khi gieo phải dùng vôi bộ sàng mịn hoặc tán nhỏ trộn với hạt, khi gieo hạt cách hạt từ 2-3 cm để sau này dễ tỉa định cây.
Đến khâu bón phân, chăm sóc cũng được bà con nông dân áp dụng đúng quy trình, phân chuồng (hoặc phân gà ủ trấu) từ 200-300 kg/sào kết hợp 30 kg Super lân để bón lót 100%, sau khi gieo hạt xong rắc đều phân chuồng hoai mục lên mặt luống, cuối cùng phủ lớp rơm rạ mỏng trên mặt luống, mục đích giữ cho đất ẩm, giữ cho cây non không bị đổ, tưới nước giữ ẩm từ khi gieo hạt đến 15 ngày sau gieo hạt, một ngày tưới 1 lần để cây mọc đều, phun 1 lần thuốc trừ cỏ trong giai đoạn từ khi gieo đến 15 ngày sau gieo. Sau khi cây đã mọc hết bón thúc lần 1 (dùng phân đâu trâu NPK kết hợp phân bón con cò), cà rốt để liền chân, gieo vãi hạt trên mặt luống với lượng 100 gram/sào (tương đương 2,8-3,2 kg/ha). Do hạt cà rốt khó thấm nước và khó nảy mầm nên trước khi gieo hạt cần phải ủ thúc. Chà xát nhẹ cho gãy hết cứng rồi ủ mùn mục, tưới giữ ẩm trong 2-3 ngày, sau đó rắc đều trên mặt luống. Rắc một lớp đất bột mỏng lên hạt rồi dùng rơm rạ băm nhỏ phủ đều luống và tưới ẩm đều mỗi ngày một lần trước khi cây mọc.
Các loại sâu phá hoại cà rốt thường là sâu xám, sâu khoang và rệp. Nếu thấy mật độ sâu nhiều bà con nông dân có thể dùng Trebon 10 EC hoặc Sherpa 25EC phun với lượng 0,05%, nếu sâu ít có thể tìm bắt bằng tay. Đối với rệp dùng HCD 2-4%. Hai bệnh hại chủ yếu trên cây cà rốt là bệnh thối đen và thối khô ở trên thân, lá, củ. Trong trường hợp này cần áp dụng quy trình phòng trừ tổng hợp là chủ yếu.
Chú ý khi thấy các lá dưới vàng, các lá non ngừng sinh trưởng và đủ thời gian sinh trưởng của cà rốt (từ 100-115 ngày) thì cho thu hoạch, bà con nông dân cần nhổ củ rửa sạch bằng nước sạch trước khi bán trên thị trường đảm bảo cà rốt an toàn chất lượng vệ sinh.
Để sản xuất ra cà rốt an toàn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, nông dân trong xã áp dụng 5 điều cấm sau: Cấm sử dụng phân tươi, nước giải tươi để bón hoặc tưới cho cà rốt; Cấm tưới nước bẩn cho cà rốt; cấm lạm dụng phân vô cơ; Cấm lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun cho cà rốt (cấm dùng thuốc cấm, hạn chế sử dụng, thuốc có độ đốc cao); Cấm bón phân, phun thuốc hoá học trước khi thu hoạch ít nhất 10 ngày.
Do áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, đến nay có trên 50% diện tích cây cà rốt trong xã được gieo trồng bằng giàn gieo hạt, giàn gieo hạt được 6 sào cà rốt/giờ, nhanh gấp 20 lần so với cách làm thủ công và đảm bảo đúng các yêu cầu kỹ thuật từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch.
   Cà rốt xã Đức Chính hiện nay được thị trường ưa chuộng, có hàng chục cơ sở thu mua cà rốt cho bà con nông dân. Cây cà rốt trở thành cây trồng chiến lược của nông dân trong xã.
Nguyễn Thị Thuận



Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây