Hiệu quả kinh tế từ hoa loa kèn chịu nhiệt tại Kim Thành

Hoa loa kèn được trồng phổ biến ở nước ta từ nhiều năm nay chủ yếu là giống hoa được chọn tạo trong nước. Giống này có ưu điểm là dễ trồng, không cần phải xử lý củ giống mà cây vẫn ra hoa bình thường, hoa vẫn nở đồng đều. Tuy nhiên, nhược điểm của giống là hoa chỉ tập trung nở rộ vào tháng 4, tháng 5 là thời điểm thị trường tiêu thụ hoa không cao, dẫn đến khó tiêu thụ.
loa_ken
Sau gần 3 năm nghiên cứu và xây dựng mô hình thử nghiệm thành công ở nhiều nơi,Viện Nghiên cứu Rau quả đã đưa ra khuyến cáo bà con các tỉnh phía Bắc đưa vào trồng giống hoa loa kèn chịu nhiệt. Đây là giống hoa mới có nguồn gốc từ Hà Lan, thích hợp với các điều kiện đất đai, khí hậu thời tiết ở các tỉnh phía Bắc nước ta, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Hồng. Thời gian từ trồng đến thu hoạch chỉ từ 80 đến 90 ngày tùy theo từng thời vụ. Đặc điểm của nó là: cây cứng, sinh trưởng phát triển khoẻ, chịu nóng tốt, hoa màu trắng, mọc theo chiều thẳng đứng, cánh hoa dày, bền, đẹp, lâu tàn, hoa có mùi thơm nhẹ và năng suất hoa thương phẩm cao; cây nở hoa không tập trung nên người trồng có thể thu hoa rải vụ
Tại Hải Dương, giống hoa này được Trung tâm ứng dụng Tiến bộ Khoa học (TBKH) thuộc sở Khoa học và Công nghệ xây dựng mô hình thử nghiệm nằm trong đề tài "Trồng thử nghiệm cây hoa loa kèn chịu nhiệt, cây đào Mãn Thiên Hồng tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Hải Dương"
Năm 2009, Trung tâm đã tiến hành trồng thử nghiệm giống loa kèn chịu nhiệt tại xã Ái Quốc, T.P Hải Dương. Kết quả cho thấy thời vụ gieo trồng tháng 3 và tháng 9 cây loa kèn chịu nhiệt sinh trưởng và phát triển tốt, tỉ lệ nhiễm sâu bệnh hại không đáng kể. Năm 2010, Trung tâm đã triển khai trồng thử nghiệm 1.440m2 tại thị trấn Thanh Miện và vườn thực nghiệm của Trung tâm Ứng dụng TBKH trong vụ xuân hè. Ở vụ thu đông, mô hình được triển khai tại huyện Thanh Miện (3,5 sào) và huyện Kim Thành (2,5 sào).
Để việc trồng thử nghiệm thành công, Trung tâm ứng dụng TBKH Hải Dương đã tiến hành tập huấn, cấp phát tài liệu hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm cây hoa loa kèn chịu nhiệt cho hộ nông dân. Đồng thời thường xuyên theo dõi khả năng sinh trưởng, phát triển cũng như năng suất, chất lượng của cây hoa.
Cuối tháng 12/2010, Trung tâm đã tổ chức Hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả mô hình trồng hoa loa kèn chịu nhiệt vụ thu đông 2010 tại xã Kim Đính, huyện Kim Thành. Qua theo dõi kết quả mô hình cho thấy tỉ lệ mọc mầm của giống loa kèn chịu nhiệt rất cao và không có sự chênh lệch nhau đáng kể giữa các địa điểm trong cùng thời vụ và giữa hai phương thức trồng (xen canh và thâm canh), dao động từ 94-96% ở vụ xuân hè, từ 95-98% ở vụ thu đông. Theo dõi sinh trưởng từ trồng đến ra nụ của giống loa kèn chịu nhiệt qua hai vụ cho thấy: vụ xuân hè, thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao, ẩm độ cao nên cây sinh trưởng và phát triển nhanh hơn vụ thu đông, dự kiến thời gian sinh trưởng và phát triển của cây trồng vụ thu đông dài hơn vụ hè thu từ 5-7 ngày.
Bên cạnh khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, giống loa kèn chịu nhiệt có chất lượng hoa tương đương nhau: số hoa/cây đạt 3,3 - 3,5 hoa, kích thước nụ hoa, đường kính hoa nở hoàn toàn và độ bền hoa cắt cao. Ở giai đoạn đầu nhiệt độ thấp có lợi cho sinh trưởng của rễ và sự phân hoá mầm hoa, do vậy cây trồng vụ thu đông có số hoa/cây cao hơn vụ xuân hè. Sau khi trồng khoảng 55 ngày, hoa loa kèn bắt đầu thu hoạch. Hiện tại giá bán ở vụ xuân hè từ 1.000-1.200đồng/1bông hoa; vụ thu đông là 1.200-1.500 đồng/1 bông hoa, cho thu nhập từ 10-12 triệu đồng/1sào.
Theo đánh giá của Trung tâm Ứng dụng TBKH, cây loa kèn chịu nhiệt khá phù hợp với điều kiện Hải Dương. Trong đó thời vụ tháng 3 và tháng 9 phù hợp nhất với sinh trưởng và phát triển của cây và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cây trồng trên hai chân đất: đất lúa và đất chuyên màu đều sinh trưởng tốt, năng suất chất lượng hoa tương đương nhau, nên có thể triển khai trồng hoa loa kèn chịu nhiệt. Chất lượng hoa khá phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Đánh giá sơ bộ hiệu quả kinh tế mô hình vụ xuân hè cho thấy: mô hình thâm canh hoa loa kèn chịu nhiệt cho thu nhập 5.000.000đồng/sào, mô hình xen canh cho thu nhập 2.000.000đồng (riêng hoa loa kèn). Ông Ngô Văn Thịnh (thôn Phù Tải 2, xã Kim Đính), một trong những hộ nông dân tham gia mô hình trồng hoa loa kèn chịu nhiệt cho biết: vụ đông nào gia đình ông cũng trồng 4-5 sào hoa, chủ yếu là hoa hồng, hoa cúc, hoa dơn...,cho thu nhập khoảng 6-8 triệu đồng/sào. So với các loại hoa vụ đông truyền thống, hoa loa kèn chịu nhiệt cho thu nhập cao hơn hẳn.
Từ kết quả mô hình trồng thử nghiệm hoa loa kèn chịu nhiệt, Trung tâm Ứng dụng TBKH khuyến cáo bà con nông dân nên sử dụng giống loa kèn chịu nhiệt thay thế cho giống loa kèn ta. Tuy nhiên bà con cần lưu ý một số điểm như: lựa chọn củ giống sạch bệnh và tương đối đồng đều về kích thước; mật độ trồng từ 8.500-9000 củ/1sào; đảm bảo tưới tiêu chủ động, nhất là giai đoạn đầu nếu gặp mưa úng để tránh thối củ. Cây loa kèn chịu nhiệt đòi hỏi vốn đầu tư mua củ giống, cây giống lớn nên chỉ nên mở rộng ở những hộ trồng hoa nhiệt tình tiếp cận tiến bộ khoa học và có điều kiện kinh tế. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng kiến nghị cơ quan nghiên cứu đưa ra quy trình bảo quản, xử lý nảy mầm cho củ giống phù hợp với điều kiện người dân, góp phần hạ giá thành củ giống để giúp hộ dân trồng hoa có điều kiện tiếp cận gần hơn với giống hoa mới này.
Nguyễn Thị Ánh

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây