Điều tra chỉ số phát triển con người tỉnh Hải Dương (HDI)

ĐỀ TÀI ĐIỀU TRA CHỈ SỐ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI TỈNH HẢI DƯƠNG (HDI), GÓP PHẦN CÙNG NGHIÊN CỨU VỚI CHƯƠNG TRÌNH NHÀ NƯỚC VỀ CHỈ SỐ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI VIỆT NAM

Chủ nhiệm đề tài:TS. Hà Bạch Đằng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương.

 

 Cơ quan chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương.

Cơ quan phối hợp thực hiện chính:

Cục Thống kê tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Uỷ ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh.

Thời gian thực hiện: Từ tháng 01/2003 đến tháng 12/2004.

Kết quả nghiệm thu, xếp loại: Khá.

I. MỤC TIÊU

- Điều tra chỉ số phát triển con người (HDI) tỉnh Hải Dương, góp phần cùng nghiên cứu với chương trình nhà nước về chỉ số phát triển con người Việt Nam và cung cấp luận cứ cho việc chuẩn bị Văn kiện Đai hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV.

- Đề xuất giải pháp nâng cao chỉ số HDI của tỉnh.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Thực trạng HDI ở tỉnh Hải Dương.

Chỉ số HDI định lượng những khía cạnh cơ bản của năng lực con người. Việc chuẩn hóa giá trị HDI từ 0 (thấp nhất) đến 1,0 (cao nhất) cho phép mỗi nước, mỗi địa phương thấy được khoảng cách mà mình đạt được trên con đường tiến đến giá trị lý tưởng.

Chỉ số HDI do UNDP đưa ra được tính toán dựa trên ba yếu tố thành phần: mức sống, giáo dục và sức khỏe. Các yếu tố thành phần này lại được cụ thể hóa và tính toán bằng các chỉ tiêu sau:

Chỉ số GDP (I1): đo mức sống thông qua chỉ tiêu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người.

Chỉ số giáo dục (I2): là thước đo thành tựu tương đối của một quốc gia về phát triển con người trên phương diện kiến thức. Chỉ số này được tính dựa trên tỷ lệ người biết chữ của người lớn và tỷ lệ nhập học các cấp: tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học, bổ túc văn hóa, dạy nghề, cao đẳng, đại học, sau đại học.

Chỉ số sức khỏe (I3): là chỉ số đo sức khoẻ con người thông qua tuổi thọ bình quân.

Từ năm 1990 đến nay, phương pháp tính HDI ngày càng hoàn thiện và được nhiều nước trên thế giới áp dụng để tính chỉ số HDI cho quốc gia mình.

Đề tài đã tiến hành điều tra tại 10.000 hộ gia đình thuộc 100 địa bàn (mỗi địa bàn là 01 thôn, khu dân cư) của 100 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh (chiếm 38% số xã, phường, thị trấn của tỉnh) và điều tra bổ sung 317 đơn vị hành chính, sự nghiệp do Trung ương và tỉnh quản lý để thu thập các thông tin có liên quan đến tính toán các chỉ số thành phần.

Điều tra chọn mẫu suy rộng nhằm thu thập thông tin về nhà ở, công trình phụ trợ; điều tra thu thập thông tin bổ sung về kinh phí đã sử dụng, tài sản và hao mòn tài sản của một số đơn vị hành chính, sự nghiệp phục vụ việc thẩm định chỉ tiêu giá trị sản xuất một số ngành kinh tế, trên cơ sở đó đánh giá khả năng sử dụng chỉ tiêu GDP trong tính toán chỉ số I1.

- Đối chiếu kết quả suy rộng điều tra chọn mẫu với số liệu thực tế hoặc số liệu rút ra từ số tương đối.

Điều tra 10.000 hộ, kết quả điều tra năm 2002 chỉ có 7 trẻ em chết dưới 1 tuổi ở 5/12 huyện, thành phố và 10 tháng đầu năm 2003 chỉ có 4 trẻ em chết dưới 1 tuổi ở 3/12 huyện, thành phố nên chỉ có thể đại diện được cho tỉnh, chứ không đại diện được cho từng huyện, thành phố. Vì vậy, trong tính toán 2 chỉ tiêu: số trẻ chết dưới 1 tuổi trong năm và số trẻ em sinh ra trong năm sẽ suy rộng cho toàn tỉnh để tính tỷ suất trẻ em chết dưới 1 tuổi (IMR) và coi tỷ lệ này của các huyện, thành phố là gần đúng và bằng tỉ lệ chung của toàn tỉnh.

Việc suy rộng kết quả điều tra HDI và đối chiếu, so sánh giữa kết quả suy rộng với số liệu hiện có cho thấy về cơ bản mẫu điều tra 10.000 hộ đại diện được cho tỉnh và từng huyện, thành phố (trừ chỉ tiêu tỷ lệ trẻ em chết dưới 1 tuổi của các huyện, thành phố, coi là gần đúng và bằng của toàn tỉnh), và kết quả suy rộng đảm bảo độ tin cậy để tính toán các chỉ số thành phần I2 và I3.

- Tốc độ tăng HDI của tỉnh Hải Dương năm 2003 (theo 2 phương pháp tính) tăng lên 2% so với năm 2002, kết quả dự báo năm 2004, 2005 tăng so với năm 2002 (theo phương pháp 1) là 3%, 4%; theo phương pháp 2 là 3%, 5%, kết quả tăng chỉ số phát triển con người của tỉnh Hải Dương qua các năm như vậy là phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế, những tiến bộ xã hội, nhất là trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, xoá đói giảm nghèo... của tỉnh giai đoạn 2001-2005.

 - Chỉ số HDI của tỉnh Hải Dương so với một số tỉnh trong khu vực đồng bằng Bắc Bộ cao hơn, chỉ đứng sau thành phố Hà Nội và giá trị chỉ số HDI của tỉnh Hải Dương nằm trong khoảng giá trị phát triển con người cao trong toàn quốc.

- Nghiên cứu, điều tra và xác định chỉ số phát triển con người (HDI) của tỉnh trong các năm 2002 và 2003 góp phần cùng nghiên cứu với đề tài Nhà nước về chỉ số phát triển con người Việt Nam được công bố vào năm 2004 và dự báo chỉ số HDI của tỉnh cho các năm 2004, 2005.

2. Các giải pháp

- Phát triển nhanh và bền vững các ngành kinh tế, tăng quy mô nền kinh tế của tỉnh, tạo bước đột phá chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

- Phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá, hình thành một số mô hình sản xuất công nghệ cao và phát triển mạnh công nghiệp chế biến gắn với thị trường tiêu thụ. Mở rộng thâm canh tăng vụ, hình thành vùng sản xuất tập trung phù hợp với lợi thế từng dịa phương. Tiếp tục củng cố và phát triển kinh tế HTX, nâng cao vai trò và gắn trách nhiệm của chính quyền các cấp trong phát triển mô hình liên kết 4 nhà. Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng các nông sản thực phẩm có hiệu quả kinh tế cao.

- Phát triển sản xuất công nghiệp với nhiều quy mô, trình độ khác nhau, chú trọng công nghiệp vừa và nhỏ phù hợp với định hướng chung và lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Coi trọng đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại hoá các cơ sở sản xuất. Rà soát các sản phẩm, ưu tiên phát triển nhanh công nghiệp công nghệ cao. Nâng cao chất lượng và triển khai thu hút nhanh các dự án vào các cụm, các khu công nghiệp đã xây dựng. Chú trọng phát triển các lĩnh vực có giá trị sản xuất, tạo nguồn thu và kim ngạch xuất khẩu lớn.

- Phát triển đa dạng và nâng cao chất lượng các dịch vụ như: du lịch, bảo hiểm, ngân hàng, vận tải, bưu điện, xuất khẩu lao động, xúc tiến thương mại. Tạo môi trường thuận lợi để phát triển một số ngành dịch vụ mới: tài chính, thị trường vốn, kiểm toán, kinh doanh bất động sản, tư vấn pháp luật, chuyển giao công nghệ.

- Về y tế chăm sóc sức khoẻ cộng đồng: Tăng cường đầu tư cho y tế chuyên sâu, trước mắt ưu tiên tập trung cho y tế cơ sở. Quy hoạch phát triển mạng lưới y tế theo hướng ưu tiên cho bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế chuyên sâu tuyến tỉnh và các bệnh viện khu vực miền núi, vùng sâu. Hình thành trung tâm y tế chất lượng cao cho vùng kinh tế Bắc Bộ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đầu tư nâng cấp đồng bộ hệ thống khám chữa bệnh phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng tuyến, đặc biệt là cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ. Nâng cao hiệu quả chẩn đoán, phát hiện bệnh. Tăng cường năng lực y tế dự phòng, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá y tế. Thực hiện tốt Luật Chăm sóc, Giáo dục trẻ em. Quy hoạch tổng thể và đầu tư xây dựng các điểm vui chơi cho trẻ em, nhất là khu vực nông thôn.

- Về Giáo dục - Đào tạo: Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học, thực hiện tốt việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, quan tâm đầu tư hơn nữa cho bậc học mầm non. Đảm bảo đội ngũ giáo viên đạt chuẩn các cấp học. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, phát huy tổng hợp các nguồn lực để kiên cố phòng học, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Cơ bản hoàn thành chương trình phổ cập PTTH. Ổn định số trường lớp các trường công lập, phát triển thêm các trường ngoài công lập để đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục và thu hút thêm học sinh.

- Xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm: Tập trung giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm xúc tiến việc làm, hỗ trợ việc làm. Củng cố đổi mới hoạt động của hệ thống đào tạo nghề, giải quyết tốt mối quan hệ giữa đào tạo với sử dụng lao động. Xã hội hoá các hoạt động giảm nghèo. Hỗ trợ người nghèo tiếp cận được với các dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội một cách bình đẳng để họ tự vượt qua nghèo đói vươn lên làm giàu.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

- Kết quả nghiên cứu của đề tài góp phần cùng nghiên cứu với đề tài Nhà nước về chỉ số phát triển con người Việt Nam được công bố vào năm 2004 và dự báo chỉ số HDI của tỉnh cho các năm 2004, 2005.

- Kết quả xác định chỉ số HDI của tỉnh góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu làm căn cứ để so sánh, đối chiếu sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với sự phát triển con người của địa phương. Đề tài đã đề xuất một số giải pháp nâng cao chỉ số HDI của tỉnh và góp phần hoàn thiện lý luận và thực tiễn tính toán chỉ số HDI cho báo cáo Quốc gia về chỉ số phát triển con người Việt Nam năm 2002, 2003.

- Chỉ số phát triển con người Hải Dương đã được đưa vào Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XIV.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây