Chủ nhiệm đề tài: Cử nhân Đào Xuân Thế, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Hải Dương.
Cơ quan chủ trì: Cục Thống kê tỉnh Hải Dương.
Thời gian thực hiện: Năm 2003 -2004.
Kết quả nghiệm thu, xếp loại: Xuất sắc.
I. MỤC TIÊU
Nghiên cứu, xây dựng Hệ thống chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu với nội dung và phương pháp tính thống nhất để đánh giá, phân tích kết quả thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH,HĐH) nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hải Dương phục vụ yêu cầu quản lý, đánh giá, chỉ đạo của các cấp, các ngành trong tỉnh.
II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Thực trạng về sử dụng hệ thống chỉ tiêu kinh tế xã hội trong phân tích đánh giá tình hình kinh tế.
- Hiện nay các huyện, thành phố sử dụng hệ thống chỉ tiêu kinh tế xã hội để xác định vai trò nông nghiệp, nông thôn trong sự nghiệp CNH, HĐH cung cấp lương thực, thực phẩm, nguyên liệu cho công nghiệp, cung cấp nhân lực, tích luỹ vốn cho sự nghiệp CNH, HĐH trên địa bàn tỉnh.
- Nông nghiệp, nông thôn là thị trường rộng lớn của sự nghiệp CNH, HĐH và đảm bảo sự nghiệp CNH, HĐH phát triển ổn định, bền vững.
- Xây dựng giải pháp chủ yếu đẩy nhanh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hải Dương bằng các hình thức đầu tư: đầu tư khâu giống cây trồng, vật nuôi, hoàn thiện hệ thống thuỷ nông; hỗ trợ cho các hoạt động phổ biến, chuyển giao khoa học, kỹ thuật nông nghiệp tới hộ nông dân; có chính sách đất đai, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân thực hiện đầy đủ, đúng pháp luật các quyền về sử dụng đất; chính sách tín dụng đối với nông nghiệp và nông thôn; chính sách về thị trường, giá cả, tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm, có chính sách khuyến khích những cán bộ khoa học kỹ thuật, đồng thời huy động mọi nguồn vốn để đầu tư phát triển nông nghiệp và nông thôn.
2. Xây dựng hệ thống chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đánh giá kết quả thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn của tỉnh giai đoạn 2001-2010.
Nguồn số liệu thông tin được tổng hợp qua các cuộc điều tra như: Điều tra diện tích - năng suất - sản lượng cây hàng năm, cây lâu năm, chăn nuôi, thuỷ sản, doanh nghiệp và sản xuất kinh doanh cá thể hàng năm. Điều tra dân số và nhà ở 1/4/2004, mức sống hộ gia đình. Đồng thời, cần điều tra chọn mẫu đối với 36 xã và 2.400 hộ gia đình thuộc khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh; áp dụng tính thử ở cấp tỉnh, một số huyện trên cơ sở thông tin hiện có.
- Căn cứ vào nguồn thông tin thu thập từ các cuộc điều tra, đề tài xác định những thông tin cần thu thập bổ sung để có thể tính toán hệ thống 43 chỉ tiêu phản ánh kết quả thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
- Kết quả nghiên cứu đã đưa ra hệ thống 43 chỉ tiêu định giá kết quả CNH, HĐH. Trong đó, 2 chỉ tiêu chung, 26 chỉ tiêu CNH, HĐH nông nghiệp, 26 chỉ tiêu đánh giá CNH, HĐH nông thôn.
- Thực hiện áp dụng thử việc tính toán kết quả thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn cấp huyện năm 2003 đối với 02 huyện Chí Linh và Thanh Miện.
Ban chủ nhiệm đề tài đã hướng dẫn phòng thống kê 2 huyện thu thập thông tin để tính toán các chỉ tiêu và tiến hành thẩm định chất lượng thông tin hiện có đối với từng chỉ tiêu nhằm xác định cụ thể chỉ tiêu nào cấp huyện tính được hoặc không tính được. Đồng thời hướng dẫn Phòng Thống kê 2 huyện tính toán từng chỉ tiêu. Phòng Thống kê Chí Linh đã tính được 27/43 chỉ tiêu và Phòng Thống kê huyện Thanh Miện đã tính được 23/43 chỉ tiêu.
Từ kết quả tính toán của hai huyện trên, Ban chủ nhiệm đề tài đã có những nhận xét và đánh giá như sau:
+ Các chỉ tiêu thống kê của các huyện tương đối đồng nhất. Yêu cầu thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo ở các huyện, thành phố khác nhau. Các số liệu kinh tế - xã hội và nguồn số liệu điều tra không đủ để tính toán các chỉ tiêu CNH, HĐH nông thôn.
+ Chất lượng nguồn thông tin của cấp huyện, thành phố thiếu chính xác, nếu không được xử lý thì không thể sử dụng để tính toán các chỉ tiêu CNH, HĐH ở cấp huyện, thành phố.
+ Ở cấp huyện thường không có các thông tin chung của các tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp nước ngoài do tỉnh và Trung ương quản lý.
3. Kết quả triển khai.
Đưa vào áp dụng hệ thống chỉ tiêu nghiên cứu cho cấp huyện để tính kết quả thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo địa phương và xác định chỉ sử dụng 38/43 chỉ tiêu. Bỏ các chỉ tiêu tỷ trọng giá trị hàng nông sản, thực phẩm xuất khẩu qua chế biến; tỷ lệ đàn lợn chăn nuôi theo hướng công nghiệp; tỷ lệ đàn gia cầm chăn nuôi theo hướng công nghiệp; tỷ lệ diện tích nuôi trồng thuỷ sản được thâm canh và tỷ trọng giá trị sản xuất các làng nghề.
Các chỉ tiêu kinh tế như tốc độ phát triển kinh tế, cơ cấu kinh tế, tốc độ phát triển giá trị sản xuất nông nghiệp, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, giá trị sản phẩm trên 1 ha đất nông nghiệp, tỷ trọng giá trị sản xuất kinh tế trang trại, cơ cấu kinh tế nông thôn; tốc độ phát triển giá trị sản xuất công nghiệp khu vực nông thôn, tốc độ phát triển giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản khu vực nông thôn, tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp khu vực nông thôn chỉ tính theo phạm vi do huyện, thành phố, quản lý.
Cần có thời gian, lực lượng cán bộ và kinh phí thoả đáng để điều tra, thu thập thông tin bổ sung, xử lý và tổng hợp thông tin mới có thể đảm bảo thông tin tính toán có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu sử dụng.
Đối với cấp tỉnh, cần sử dụng cả 43 chỉ tiêu để tính toán, tổng hợp toàn bộ tình hình trên địa bàn. Đối với cấp huyện, sử dụng 38 chỉ tiêu để tính toán, tổng hợp theo phạm vi địa phương quản lý.
III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN
Hệ thống chỉ tiêu đã được nghiên cứu, nhưng áp dụng, tính toán trong thực tế còn hạn chế.