Chủ nhiệm đề tài: Th.S Phạm Văn Thẩm, Giám đốc Trường Chính trị tỉnh Hải Dương.
Cơ quan chủ trì và thực hiện: Trường Chính trị tỉnh Hải Dương.
Thời gian thực hiện: Từ tháng 5/2002 đến tháng 12/2004.
Kết quả nghiệm thu, xếp loại: Đạt.
I. MỤC TIÊU
- Điều tra, đánh giá thực trạng về tổ chức và nội dung sinh hoạt ở các chi bộ cơ quan hành chính sự nghiệp, chi bộ khu phố và chi bộ nông thôn tỉnh Hải Dương.
- Đề xuất giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cơ quan hành chính sự nghiệp, chi bộ khu phố, chi bộ nông thôn, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng giai đoạn 2001 - 2010.
II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Điều tra thực trạng sinh hoạt chi bộ thông qua họp chi bộ và phiếu khảo sát cán bộ, đảng viên ở chi bộ thuộc 4 loại hình chi bộ:
- Chi bộ nông thôn: với 180 chi bộ và 1.800 đảng viên.
- Chi bộ khu phố: với 33 chi bộ trong 11 phường thuộc thành phố Hải Dương, 447 đảng viên.
- Chi bộ trường Tiểu học và trường Trung học cơ sở: với 68 chi bộ, 378 đảng viên.
- Chi bộ cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp: với 71 chi bộ, trong đó: 18 chi bộ thuộc Đảng bộ Các cơ quan tỉnh, 17 chi bộ sự nghiệp y tế, 36 chi bộ thuộc các cơ quan Đảng, chính quyền của 12 huyện, thành phố và 752 đảng viên.
Ban chủ nhiệm đề tài đã dự họp ở 352 chi bộ trong 4 loại hình và 3.407 đảng viên đã ghi phiếu điều tra xã hội học.
1.1. Thực trạng sinh hoạt chi bộ nông thôn:
- Những mặt làm được: Đa số các chi uỷ đã chuẩn bị tốt nội dung sinh hoạt chi bộ. Chi uỷ đã họp bàn và lựa chọn nội dung sinh hoạt, phân công chuẩn bị báo cáo và thông qua chương trình sinh hoạt (đảng viên đánh giá từ 89,5% đến 98,8% là tốt). Phần đông các kỳ sinh hoạt chi bộ đã thực hiện tốt các thủ tục và trình tự sinh hoạt. Trong các kỳ sinh hoạt chi bộ đã triển khai các nội dung sinh hoạt thiết thực, như việc quán triệt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thông tin kịp thời tình hình thế giới, trong nước, trong tỉnh; đánh giá kết quả công tác tháng trước và bàn các biện pháp thực hiện nhiệm vụ công tác của chi bộ tháng sau (đảng viên khẳng định từ 88,7% đến 97% là tốt). Sinh hoạt chi bộ đảm bảo thực hiện tốt tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ.
- Những mặt chưa làm được: Một số chi bộ trước khi họp chưa chuẩn bị tốt các nội dung, chương trình sinh hoạt chi bộ...; các thủ tục sinh hoạt chưa được thực hiện đầy đủ. Có 98% đảng viên không có sổ sách ghi chép, một số chi bộ họp không điểm danh đảng viên. Nội dung sinh hoạt chưa đi vào trọng tâm, trọng điểm, thảo luận miên man và trước khi kết thúc hội nghị chủ toạ không có kết luận (18,2% đảng viên đánh giá). Ở một số chi bộ qua sinh hoạt chưa thể hiện rõ tính lãnh đạo, tính chiến đấu; trong đấu tranh phê bình và tự phê bình còn nể nang, xuôi chiều (34% đến 40% đảng viên đánh giá). Công tác phát triển đảng viên ở một số chi bộ còn yếu.
1.2. Thực trạng sinh hoạt chi bộ khu dân cư:
- Những mặt làm được: Đa số Ban chi uỷ đã làm tốt công tác chuẩn bị cho sinh hoạt chi bộ. Đã thực hiện đúng các thủ tục sinh hoạt, nổi bật là tất cả các chi bộ thuộc các phường của thành phố Hải Dương đều họp vào ngày 05 hàng tháng và trong kỳ họp đã làm tốt việc tuyên bố lý do, nêu nội dung, chương trình của kỳ họp (từ 92% đến 98,5% đảng viên khẳng định). Trong sinh hoạt đảm bảo các tính chất và nguyên tắc sinh hoạt (từ 94% đến 97% đảng viên khẳng định). Đảm bảo các nội dung sinh hoạt (từ 91% đến 98% đảng viên khẳng định).
- Mặt chưa làm được: Nội dung sinh hoạt còn nặng về phổ biến những vấn đề mới, chưa thật chú ý bàn biện pháp toàn diện thể hiện vai trò lãnh đạo của chi bộ về kinh tế - xã hội, về công tác xây dựng Đảng. Sự chỉ đạo của Đảng uỷ đối với công tác sinh hoạt chi bộ chưa thường xuyên, chưa sâu sát. Chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục sinh hoạt, có tới 58,9% đảng viên đi họp không có sổ sách ghi chép, nhiều chi bộ chưa có trụ sở sinh hoạt, còn họp ở nhà dân, đình, chùa.
1.3. Thực trạng sinh hoạt chi bộ trong cơ quan hành chính - sự nghiệp:
- Những mặt làm được: có 95,1% đến 98,2% cấp uỷ được hỏi cho rằng đã chuẩn bị nội dung sinh hoạt chi bộ. Có 98,5% đến 98,7% đảng viên đánh giá trong sinh hoạt chi bộ đã thực hiện các thủ tục. Có 92% đến 97,9% đảng viên khẳng định đã thực hiện các nội dung sinh hoạt chi bộ. Có 93,1% đến 98,7% đánh giá sinh hoạt chi bộ đảm bảo tính lãnh đạo, giáo dục và chiến đấu. 85,6% đến 96,3% đảng viên được hỏi cho rằng có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ cấp trên đối với sinh hoạt chi bộ.
- Những mặt chưa làm được: Thực hiện một số nội dung sinh hoạt chưa toàn diện, 20,7% đảng viên cho rằng chưa phổ biến kịp thời thông tin thế giới, trong nước và tình hình ở địa phương. Có 12,6% đảng viên cho rằng chi bộ chưa quan tâm đến công tác tổ chức trong cơ quan. Trong sinh hoạt chi bộ việc thực hiện tự phê bình và phê bình chưa nghiêm, còn tới gần 30% đảng viên cho rằng còn né tránh, nể nang. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ cấp trên đối với chi bộ chưa thật sát sao, còn 13,5% ý kiến đảng viên cho rằng thiếu kiểm tra, đôn đốc.
1.4. Thực trạng sinh hoạt chi bộ của Trường tiểu học và Trung học cơ sở:
- Những mặt đã làm được: Thực hiện tốt các thủ tục sinh hoạt, 100% đảng viên khẳng định có kiểm điểm danh sách đảng viên. 97,7% cho rằng có tuyên bố lý do; 95,8% đảng viên nói có nêu nội dung chương trình sinh hoạt. Nội dung sinh hoạt chi bộ đảm bảo; 97% đảng viên khẳng định sinh hoạt chi bộ thảo luận nội dung sôi nổi, có trọng tâm. Đối với các hội nghị quan trọng, 95% đảng viên khẳng định có kết luận, có nghị quyết. Trong sinh hoạt chi bộ đảm bảo các tính chất. Đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ với sinh hoạt chi bộ, từ 98% đến 100% đảng viên khẳng định các nội dung công tác lãnh đạo của Đảng uỷ.
- Mặt chưa làm được: Trong sinh hoạt chi bộ, đảng viên ít tham gia ý kiến, nhất là đảng viên trẻ, còn nể nang, ngại đấu tranh. Sự phối hợp giữa chi uỷ và Ban giám hiệu còn hạn chế, thể hiện trong công tác chuyên môn và công tác Đảng, khi họp chi bộ thường lệch về nội dung triển khai nhiệm vụ chính trị của nhà trường. Đảng viên được phân công giúp đỡ quần chúng vào Đảng còn thiếu biện pháp thiết thực.
2. Giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, khu phố và nông thôn:
2.1. Đối với loại hình chi bộ nông thôn:
- Nâng cao ý thức sinh hoạt cho đảng viên: Đảng viên đi họp phải đúng giờ. Phải có sổ sách ghi chép nghị quyết. Phát biểu phải được chuẩn bị chu đáo, đúng trọng tâm và phát biểu với tinh thần xây dựng. Đấu tranh tự phê bình và phê bình phải khách quan, trung thực, tránh nể nang, né tránh, xuôi chiều.
- Nội dung sinh hoạt chi bộ phải toàn diện: Quán triệt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phổ biến tình hình thế giới và trong nước, chú ý đến công tác chính trị, tư tưởng. Kiểm điểm thực hiện công tác tháng trước, bàn biện pháp chỉ đạo công tác tháng sau. Cần quan tâm đến nội dung công tác xây dựng nội bộ Đảng: về tư tưởng, chính trị và tổ chức; công tác phát triển Đảng; công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với các hoạt động của các đoàn thể quần chúng.
- Tăng cường vai trò của cấp uỷ: Cấp uỷ cần phân công rõ ràng, cụ thể cho từng cấp uỷ viên phụ trách từng công việc trong sinh hoạt chi bộ. Thống nhất phân công chủ toạ, chuẩn bị nội dung sinh hoạt, thảo luận và tóm tắt nội dung thảo luận của chi bộ. Những vấn đề gì thấy còn vướng mắc, chưa giải quyết được, cần xin chủ trương chỉ đạo của Đảng uỷ xã kịp thời.
2.2. Chi bộ khu phố:
- Chi bộ cần có biện pháp yêu cầu mọi đảng viên khi đi sinh hoạt có sổ sách, bút để ghi chép nghị quyết của chi bộ.
- Cần có nơi sinh hoạt tập thể (nhà văn hoá khu dân cư) để sinh hoạt chi bộ, nơi sinh hoạt tập thể có đủ chỗ ngồi cho đảng viên, tránh tình trạng họp chi bộ ở nhà đảng viên, ở đình, chùa.
- Nội dung sinh hoạt chi bộ cần quan tâm lãnh đạo một cách toàn diện đến các mặt hoạt động của phường cả về kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng theo nhiệm vụ được nêu cụ thể trong quy định 94 của Ban Bí thư Trung ương Đảng để khắc phục tình trạng sinh hoạt chi bộ chỉ quan tâm đến quản lý đô thị, vệ sinh môi trường.
- Quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, lãnh đạo các đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh niên và phát triển đảng viên. Vì hiện tại có chi bộ 100% đảng viên nghỉ hưu, không có đảng viên trẻ, không có đảng viên đương chức tham gia sinh hoạt ở chi bộ.
2.3. Chi bộ trường học:
- Trong sinh hoạt chi bộ nhà trường, cấp uỷ cần chủ động bàn thống nhất nội dung sinh hoạt toàn diện, cả về công tác chuyên môn, công tác xây dựng Đảng đến việc lãnh đạo các tổ chức quần chúng, không chỉ nói về lãnh đạo công tác chuyên môn. Cần xây dựng quy chế phối hợp làm việc giữa Ban giám hiệu và cấp uỷ, nhằm đẩy mạnh công tác chuyên môn và công tác Đảng trong nhà trường. Quy chế này phải được cơ quan Đảng, đoàn thể cấp trên phê duyệt.
- Chi uỷ, chi bộ phải phân công đảng viên giúp đỡ quần chúng cụ thể, sâu sát hơn nữa để giáo dục nâng cao nhận thức về Đảng, có ý thức phấn đấu vào Đảng đối với số giáo viên là quần chúng, nhất là giáo viên trẻ.
- Chi uỷ, Ban giám hiệu cần phối hợp phân công giáo viên trẻ vào những công việc để thử thách và phấn đấu nhằm giúp đỡ giáo viên vào Đảng để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu trong chi bộ nhà trường.
2.4. Chi bộ cơ quan hành chính sự nghiệp:
- Trong sinh hoạt chi bộ cần đi sâu vào chức năng, nhiệm vụ của chi bộ cơ quan hành chính sự nghiệp, để khắc phục tình trạng sinh hoạt chi bộ chỉ triển khai công tác chuyên môn của cơ quan, đơn vị, ít chú trọng đến công tác xây dựng Đảng.
- Trong sinh hoạt phải đi sâu kiểm điểm vai trò lãnh đạo của chi bộ, động viên đảng viên nêu cao tính tiền phong gương mẫu trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan; lãnh đạo các tổ chức quần chúng.
- Nội dung sinh hoạt chi bộ cần quan tâm là công tác xây dựng Đảng: thực hiện nghiêm túc nguyên tắc phê bình và tự phê bình, nguyên tắc tập trung dân chủ và công tác phát triển đảng viên.
- Chi bộ cần thực hiện nghiêm thời gian sinh hoạt chi bộ hàng tháng vào một ngày nhất định. Chi bộ cần đổi mới các thủ tục sinh hoạt.
III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN
- Trường Chính trị tỉnh chưa chuẩn hoá kết quả nghiên cứu thành văn bản tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quy định về đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt của các chi bộ.
- Kết quả nghiên cứu mới chỉ được áp dụng trong việc biên soạn một số nội dung phục vụ giảng dạy các lớp trung cấp chính trị và bồi dưỡng cán bộ cấp xã, cán bộ Đảng, chính quyền và đoàn thể các xã, phường, thị trấn, thôn, khu dân cư trong tỉnh.