Chủ nhiệm đề tài: T
hạc sỹ Nguyễn Thị Hồng Liên, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hải Dương.
Cơ quan chủ trì: Sở Tài chính tỉnh Hải Dương.
Cơ quan phối hợp thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Thời gian thực hiện: Năm 2002.
Đề tài được tổng kết.
I. MỤC TIÊU
Khảo sát, điều tra để đánh giá hiện trạng hoạt động và quản lý doanh nghiệp công ích trong lĩnh vực khai thác công trình thuỷ lợi. Đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện mô hình hoạt động, cơ chế quản lý đối với các doanh nghiệp công ích này, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát huy quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh.
II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Đánh giá chung về tình hình hoạt động của các xí nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh.
1.1. Những thuận lợi:
Qua hơn 40 năm đầu tư, xây dựng hệ thống công trình thuỷ lợi của tỉnh ta đã tương đối đồng bộ, phục vụ tốt nhiệm vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh, khắc phục tình trạng mất mùa do hạn hán và giải quyết căn bản được nhu cầu tiêu úng.
Với sự quan tâm hoàn thiện về cơ chế quản lý và đầu tư, hỗ trợ vốn, đến nay các xí nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh quản lý và khai thác tốt các công trình thuỷ lợi. Công tác quản lý tại các doanh nghiệp ngày càng được hoàn thiện nhằm tăng nhanh hiệu quả sử dụng vốn, hiệu quả phục vụ của công trình.
1.2. Những tồn tại và yếu kém:
- Diện tích phục vụ tưới tiêu và diện tích nghiệm thu thanh toán kinh phí chưa chính xác, nhất là diện tích phục vụ tiêu úng.
- Mức thu thuỷ lợi phí bằng thóc quy ra tiền theo giá thóc thu thuế sử dụng đất nông nghiệp tạo nên sự chênh lệnh giá giữa thu thực tế và kế hoạch thu.
- Hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật lạc hậu, không còn phù hợp.
- Việc lập kế hoạch còn mang nặng yếu tố chủ quan. Các khoản chi hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách quy định của Nhà nước.
- Mô hình hoạt động của các doanh nghiệp thuỷ lợi chưa phù hợp, chậm đổi mới, chưa thực sự tạo quyền chủ động về sản xuất kinh doanh.
2. Hệ thống giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đối với các doanh nghiệp công ích trong lĩnh vực khai thác công trình thủy lợi ở Hải Dương.
2.1. Xây dựng và ban hành hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật.
Căn cứ vào tình hình thực tế, sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh nhóm thực hiện đề tài xây dựng các định mức như sau:
- Định mức lao động và đơn giá tiền lương trên đơn vị sản phẩm.
- Định mức tiêu thụ điện năng tưới, tiêu và thoát nước.
- Định mức sửa chữa thường xuyên gồm: Định mức tiêu hao vật tư, nguyên, nhiên, vật liệu và định mức chi phí sửa chữa thường xuyên tài sản cố định.
2.2. Xây dựng cơ chế khoán thu chi trong các xí nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi.
a. Về mức khoán thu cho các xí nghiệp:
Mức thu thuỷ lợi phí giữ nguyên theo Quyết định số 1132/QĐ-UB ngày 27/9/1993 của UBND tỉnh Hải Dương trước đây quy định mức thu thuỷ lợi phí đối với các diện tích gieo trồng, lúa, mạ màu, cây công nghiệp, cây vụ đông, tính bổ sung thêm mức thu tiêu úng bằng bơm điện đối với vùng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nuôi trồng thuỷ sản và quy định cả mức tưới tiêu.
b. Các khoản mục chi phí:
- Tiền điện, vật tư, nguyên nhiên liệu cho công tác quản lý vận hành, sửa chữa thường xuyên, lương và các khoản chi theo lương.
- Sửa chữa lớn tính theo kế hoạch tỉnh giao bình quân 5 năm (1998-2002) khấu hao cơ bản, thuế tính toán theo chế độ quy định hiện hành trên cơ sở kế hoạch năm 2002.
- Thời gian thực hiện khoán từ năm 2003.
2.3. Biện pháp xử lý tài chính khi thực hiện cơ chế khoán.
a. Xử lý nguồn tài chính:
Hàng năm, ngân sách tỉnh cấp kinh phí hỗ trợ cho các xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi các khoản: Tiền điện tiêu úng vượt định mức, tiền miễn giảm thuỷ lợi phí tạo nguồn, miễn giảm thuỷ lợi phí do thiên tai và các khoản lỗ do giảm giá thóc, tăng tiền lương, tiền điện v.v...
b. Xây dựng mô hình tổ chức của doanh nghiệp thuỷ nông:
Thành lập một công ty khai thác công trình thuỷ lợi cấp tỉnh trên cơ sở sáp nhập 12 xí nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi các huyện, thành phố. Công ty là doanh nghiệp công ích có 10% vốn thuộc sở hữu nhà nước. Doanh nghiệp hạch toán độc lập theo cơ chế khoán thu-khoán chi.
Công ty có quyền quản lý, sử dụng vốn, lao động và đất đai, tài nguyên và các nguồn lực khác của Nhà nước giao để thực hiện nhiệm vụ được giao, đáp ứng các dịch vụ tưới tiêu, cấp nước cho các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Nguyên tắc tổ chức: Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh Hải Dương là doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích, trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương.
Cơ cấu tổ chức bộ máy gồm: 01 Giám đốc; 1 - 2 Phó giám đốc; 01 Kế toán trưởng; các phòng chức năng và 12 xí nghiệp trực thuộc.
Cơ cấu tổ chức của các xí nghiệp trực thuộc gồm: 01 Giám đốc xí nghiệp; 01 Phó giám đốc xí nghiệp; các tổ: Tài vụ, Kế hoạch, Lao động tiền lương; các trạm bơm trực thuộc.
Biên chế bộ máy công ty được điều chuyển từ Chi cục Quản lý nước thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các xí nghiệp trực thuộc theo nguyên tắc sắp xếp trong nội bộ, không tuyển dụng thêm biên chế, những lao động dôi dư giải quyết theo chế độ hiện hành.
c. Xây dựng cơ chế quản lý đối với các xí nghiệp thuỷ nông:
Xử lý dứt điểm những tồn tại về lao động, tài chính đối với xí nghiệp thuỷ nông. Lao động được xử lý theo quy định của Nghị định 41, các khoản nợ đọng được giải quyết dứt điểm.
Xây dựng cơ chế quản lý mới thay thế cơ chế quản lý hiện hành theo các hướng sau:
- Thực hiện việc đặt hàng đối với các xí nghiệp thuỷ nông, mọi khoản chi phí đều căn cứ vào các định mức và diện tích phục vụ.
- Doanh nghiệp thuỷ nông phải thực hiện hạch toán đầy đủ và chính xác kết quả sản xuất kinh doanh.
- Nhà nước đảm bảo vốn điều lệ để các xí nghiệp thuỷ nông và công ty thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
- Trên cơ sở định mức lao động và chế độ tiền lương hiện hành, khuyến khích doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, đảm bảo thoả đáng thu nhập của người lao động trong doanh nghiệp.
- Khuyến khích doanh nghiệp thực hiện việc trích lập và sử dụng quỹ khấu hao cơ bản và sửa chữa lớn tài sản cố định để thực hiện việc tái đầu tư khôi phục năng lực hoạt động của tài sản cố định.
- Thực hiện trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp đồng thời thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước và quyền chủ sở hữu của Nhà nước với doanh nghiệp.
II. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN
Kết quả nghiên cứu là căn cứ khoa học để liên ngành tài chính, nông nghiệp - phát triển nông thôn, kế hoạch - đầu tư lập phương án chuyển đổi phương thức quản lý doanh nghiệp, quản lý và khai thác công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh.
Tháng 6/2003 tiến hành sáp nhập các xí nghiệp quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh Hải Dương. Năm 2003 - 2004 công ty hoạt động ổn định, không phải bù lỗ.