Thực trạng và nghiên cứu hệ thống giải pháp công tác tư tưởng

 ĐỀ TÀI ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG VÀ NGHIÊN CỨU HỆ THỐNG GIẢI PHÁP CÔNG TÁC TƯ TƯỞNG TRONG TRIỂN KHAI CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG

Chủ nhiệm đề tài:

Th.S Nguyễn Mạnh Hiển, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hải Dương.

 

Cơ quan chủ trì thực hiện: Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hải Dương.

Thời gian thực hiện: Từ tháng 3/2006 đến tháng 3/2007.

Đề tài được tổng kết.

I. MỤC TIÊU

- Làm rõ những luận cứ khoa học về vị trí, vai trò của công tác tư tưởng trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

- Đánh giá đúng thực trạng và tác động của công tác tư tưởng đến việc triển khai các dự án đầu tư ở địa phương.

- Đề ra các giải pháp nhằm làm tốt công tác tư tưởng khi triển khai các dự án đầu tư.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ở Hải Dương và một số vấn đề có tính phương pháp luận về xem xét, giải quyết tư tưởng trong việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

1.1. Những vận động cơ bản của cơ cấu nền kinh tế tỉnh Hải Dương giai đoạn 2001-2005.

- Sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế từ nền kinh tế nông nghiệp là chính hướng sang nền kinh tế công nghiệp hoá - hiện đại hoá:

Từ năm 2001 đến nay, cơ cấu nền kinh tế của tỉnh đã dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá. Tỉnh đã chú trọng thu hút đầu tư, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển, hướng tới xây dựng một nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững: GDP tăng trưởng bình quân đạt mức 10,5%/năm. Đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân không ngừng được nâng cao.

- Những khó khăn, thách thức của quá trình chuyển đổi nền kinh tế:

Một bộ phận nông dân thiếu điều kiện sản xuất do thu hồi đất phục vụ cho công nghiệp.

+ Việc phát triển các mô hình làng nghề mới ở nơi bị thu hồi đất không phải dễ dàng.

+ Một số cơ chế chính sách chưa theo kịp với tốc độ phát triển kinh tế.

+ Thói quen sản xuất nhỏ, tư tưởng tiểu nông không theo kịp sự phát triển của xã hội.

1.2. Vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò của tư tưởng và công tác tư tưởng vào việc xem xét, giải quyết tư tưởng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp thông qua triển khai các dự án đầu tư đã tác động trực tiếp đến hai mặt cơ bản của phương thức sản xuất là lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Đặc biệt đối với quan hệ sản xuất, khi triển khai các dự án đầu tư có tác động đến cả ba mặt nhạy cảm liên quan đến lợi ích của bộ phận dân cư bị thu hồi đất, đó là: Nông dân không còn tư liệu sản xuất để sinh sống; tính hiệu quả và tính minh bạch trong quản lý dự án; tính hợp lý và công bằng trong chế độ phân phối (thể hiện ở giá đền bù đất đai, hoa màu, tài sản, tái định cư và chính sách hỗ trợ). Đây là những vấn đề dễ phát sinh tư tưởng không đồng thuận.

Vì vậy, công tác tư tưởng cần tập trung làm rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển các dự án đầu tư nằm trong chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Mặt khác, công tác tư tưởng cần tuyên truyền cho người dân thấy được lợi ích trước mắt cũng như lâu dài mà mỗi người dân được thụ hưởng từ phát triển công nghiệp và dịch vụ. Đồng thời, cần phải thực hiện tốt các chính sách đối với người dân khi triển khai dự án.

2. Những kết luận rút ra từ quá trình nghiên cứu.

- Số lượng các dự án đầu tư được cơ quan chuyên môn làm công tác tư tưởng còn rất hạn chế (chỉ có 10% trên tổng số dự án triển khai). Phần lớn các dự án chỉ được cơ quan chính quyền sở tại và chủ đầu tư thực hiện tuyên truyền nên có nhiều hạn chế, chất lượng, hiệu quả tác động tới dân chưa cao. Đây là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu sự hiểu biết, ủng hộ trong mối quan hệ giữa người dân ở vùng có dự án đầu tư với chính quyền và chủ dự án trong thực hiện triển khai dự án đầu tư.

- Cơ quan làm công tác tư tưởng còn bị động trước những vấn đề phát sinh tại một số dự án triển khai. Cơ quan làm công tác tư tưởng mới chỉ vào cuộc khi đã nảy sinh vấn đề phức tạp, do đó vấp phải những khó khăn trong giải quyết, hiệu quả đạt được không cao.

- Chưa có sự quan tâm thích đáng trong việc làm công tác tư tưởng đối với chủ dự án. Việc làm công tác tư tưởng đối với các dự án mới chỉ dừng lại ở đối tượng là người dân chịu tác động của dự án đầu tư là chính.

- Một số hình thức tuyên truyền trong việc làm công tác tư tưởng tại các dự án đầu tư chưa phát huy hết tác dụng của nó. Trong thực tế, các hình thức tuyên truyền có tác dụng lớn như: tài liệu Hỏi - Đáp, đề cương tuyên truyền, các tin bài tuyên truyền trên báo... thì lại chưa đến được với đa số người dân.

- Một số cơ quan tuyên truyền và thông tin đại chúng còn thiếu nhạy bén, chủ động phản ánh kịp thời những hoạt động của dự án đến với người dân ; còn có biểu hiện quan liêu, chỉ đưa thông tin một chiều mà không bám sát cơ sở... nên hiệu quả tuyên truyền chưa cao.

- Một số đoàn thể chính trị - xã hội chưa chủ động trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng trong thực hiện các dự án đầu tư. Chỉ khi có tình hình phức tạp nảy sinh, có sự chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền thì mới quan tâm.

- Sự phối hợp giữa các lực lượng trong khối tuyên truyền với nhau chưa được chặt chẽ, thường xuyên; chưa thống nhất xây dựng một kế hoạch tuyên truyền có tính chất hệ thống, chỉnh thể cho từng loại dự án... Còn thiếu đồng bộ trong chuyển tải nội dung tuyên truyền, nhất là đối với những thông tin nhạy cảm và thời điểm công bố thông tin chưa có sự quản lý thống nhất.

- Nội dung tuyên truyền trong triển khai các dự án đầu tư còn dập khuôn, máy móc, chỉ mới đáp ứng đưa thông tin ở mức cơ bản, thông tin chưa phong phú, linh hoạt và toàn diện.

- Chưa có sự quan tâm đúng mức, toàn diện đến vai trò công tác tư tưởng đối với hiệu quả triển khai dự án đầu tư. Chưa có được một cơ chế cho việc hoạt động làm công tác tư tưởng trong triển khai dự án.

- Còn có nhiều hạn chế trong việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực phê duyệt và quản lý dự án với cơ quan làm công tác tư tưởng. Chưa có cơ chế để cơ quan làm công tác tư tưởng cùng tham gia vào quá trình xét duyệt dự án, nên việc làm công tác tư tưởng còn bị động.

- Chưa có một quy trình tổng hợp mang tính chỉnh thể về việc làm công tác tư tưởng ở thời điểm trước, trong và sau khi thực hiện dự án đối với mọi dự án được triển khai.

- Nhận thức của đội ngũ cán bộ của các cơ quan quản lý nhà nước chưa coi trọng công tác tư tưởng trong triển khai các dự án, hợp tác còn hạn chế trong việc cung cấp thông tin cho cơ quan tuyên truyền.

3. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã đạt được.

- Làm rõ luận cứ khoa học về vị trí, vai trò của công tác tư tưởng trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

- Xác định vai trò của công tác tư tưởng đối với các mặt của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và Hải Dương nói riêng.

- Tổ chức khảo sát 4.180 phiếu điều tra xã hội học cho 4 nhóm đối tượng là hộ gia đình và cán bộ chủ chốt, doanh nghiệp (chủ đầu tư), cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan làm công tác tuyên truyền và vận động quần chúng về công tác tư tưởng trong việc triển khai các dự án đầu tư.

- Đánh giá việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Hải Dương và tác động của nó đối với các tầng lớp nhân dân trên lĩnh vực tư tưởng và vai trò của công tác tư tưởng trong việc thực hiện các dự án đầu tư.

- Xây dựng 7 nhóm giải pháp triển khai công tác tư tưởng trong thực hiện các dự án đầu tư, hướng tới chất lượng trên 4 mặt của công tác tư tưởng.

- Nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp.

- Phát huy tính tiên phong của công tác tư tưởng.

- Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động công tác tư tưởng; tuyên truyền vận động quần chúng.

- Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

- Nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị cơ sở - nơi đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống.

- Xây dựng hệ thống các bước triển khai làm công tác tư tưởng đối với tất cả các dự án đầu tư và các dự án đầu tư đã nảy sinh tình hình phức tạp.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Dựa trên các nội dung kiến nghị, kết quả thực hiện đề tài tiếp tục được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh  xem xét để đưa ra các văn bản chỉ đạo công tác tư tưởng trong triển khai các dự án đầu tư, tạo căn cứ quan trọng cho việc tổ chức thực hiện trong toàn bộ hệ thống chính trị.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây