Nâng cao nguồn nhân lực khoa học công nghệ thương xuyên

ĐỀ TÀI THỰC TRẠNG, GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC KHOA HỌC CÔNG NGHỆ PHỤC VỤ SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ TỈNH HẢI DƯƠNG

Chủ nhiệm đề tài:

Cử nhân Lương Đức Trụ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương.

 Cơ quan chủ trì: Liên Hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương.

Cơ quan phối hợp: Sở Khoa học và Công nghệ, Cục Thống kê tỉnh Hải Dương.

Thời gian thực hiện: Năm 2003 - 2004.

Kết quả nghiệm thu, xếp loại: Khá.

I. MỤC TIÊU

- Đánh giá hiện trạng đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ (KHCN) tỉnh Hải Dương có trình độ cao đẳng trở lên và đội ngũ cán bộ KHCN có trình độ tiến sĩ, học hàm phó giáo sư, giáo sư là người Hải Dương đang làm việc ở ngoài tỉnh.

- Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực KHCN của tỉnh.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Thực trạng nguồn nhân lực KHCN trên địa bàn tỉnh.

1.1. Về đào tạo.

Thời điểm điều tra tính đến ngày 01/7/2003, tổng số đội ngũ cán bộ có trình độ cao đẳng trở lên là 24.840 người, theo 10 chuyên ngành đào tạo thì nhiều nhất là ngành khoa học giáo dục - đào tạo (giáo viên có 12.189 người), ít nhất là ngành khách sạn, du lịch, thể thao và các dịch vụ khác (52 người), chỉ có 13.395 người có trình độ ngoại ngữ từ bằng A trở lên với tiếng Anh là chính (45%), còn các ngoại ngữ khác chiếm tỉ lệ không đáng kể. 

Trình độ học vị các nhóm ngành không đồng đều, ngành nông, lâm nghiệp thuỷ sản và thú y có nhiều người trình độ tiến sĩ (17 người) và có nhiều nhóm ngành không có trình độ tiến sĩ như khoa học tự nhiên, kỹ thuật công nghiệp, xây dựng, an ninh quốc phòng.

Đội ngũ cán bộ trên địa bàn tỉnh được đào tạo theo hình thức chính quy chiếm tỉ lệ 62%, tại chức chiếm 28%, đào tạo với hình thức chuyên tu 7,6% và 1,2% đào tạo với các hình thức khác.

1.2. Về sử dụng nguồn nhân lực đã qua đào tạo.

Số cán bộ được đào tạo có trình độ từ cao đẳng trở lên hiện đang công tác trên địa bàn là 21.819 người.

Số người có trình độ từ cao đẳng trở lên ở 12 huyện, thành phố của tỉnh là 20.453 người. Trong đó, huyện Thanh Hà nhiều nhất: 2.361 người, huyện Chí Linh ít nhất: 1.159 người và cán bộ quê ở tỉnh ngoài công tác tại tỉnh Hải Dương là 4.387 người.

1.3. Nhận xét, đánh giá chung.

Đội ngũ cán bộ KHCN so với số liệu của tổng điều tra dân số ngày 01/4/1999 của tỉnh tăng lên, tỉ lệ nữ trong tổng số đội ngũ cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học cũng tăng.

Số cán bộ KHCN của tỉnh có đã đóng góp chính trong tổng kết và xây dựng luận cứ khoa học, phát triển lý luận cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương và xây dựng các chương trình phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh.

Tuyệt đại bộ phận cán bộ KHCN tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp đổi mới, gắn bó với quê hương, gắn bó với nghề nghiệp và là nhân tố tích cực đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh.

2. Thực trạng nguồn nhân lực KHCN là người Hải Dương ở ngoài tỉnh.

Người tỉnh Hải Dương ở tỉnh ngoài trong phạm vi nghiên cứu của đề tài là những người có xuất xứ tỉnh Hải Dương từ một đến nhiều đời, trong lý lịch tự khai quê quán Hải Dương, hiện đang sinh sống làm việc ở ngoài tỉnh có trình độ học vị tiến sĩ, học hàm phó giáo sư, giáo sư là đối tượng thuộc phạm vi nghiên cứu của đề tài.

Đề tài thực hiện điều tra 530 người. Trong đó, nam có 457 người, nữ 73 người. Về trình độ: tiến sĩ là 399 người; tiến sĩ khoa học 05 người; phó giáo sư 19 người; phó giáo sư, tiến sĩ 70 người; phó giáo sư, tiến sĩ khoa học 04 người; giáo sư 08 người; giáo sư, tiến sĩ 16 người; giáo sư, tiến sĩ khoa học là 09 người. Độ tuổi từ 46 đến 50 tuổi 128 người, ít nhất ở nhóm tuổi dưới 35 là 13 người, nhóm tuổi trên 60 có 109 người, trong đó được đào tạo với hình thức tập trung là 53,9%. Số người được đào tạo trong giai đoạn 1996 - 2000 là nhiều nhất, chiếm tỉ lệ 20,7%, ở Liên Xô cũ là chính.

Cơ cấu đội ngũ trí thức có nguồn gốc Hải Dương đạt học vị tiến sĩ được đào tạo tập trung cơ bản ở 06 nhóm ngành, nhiều nhất thuộc ngành khoa học xã hội 165 người và ít nhất là khoa học quân sự 17 người. Trong đó, số có nguồn gốc quê thuộc huyện Bình Giang là 55 người, huyện Gia Lộc 51 người, huyện Nam Sách 45 người, huyện Ninh Giang 44 người, huyện Thanh Hà 43 người, huyện Tứ Kỳ 35 người, huyện Cẩm Giàng 34 người, huyện Thanh Miện 33 người, huyện Kim Thành 32 người, thành phố Hải Dương 26 người, huyện Chí Linh 09 người và số còn lại không xác định rõ chính xác thuộc huyện nào do tái lập huyện trong lý lịch vẫn thể hiện huyện hợp nhất.

Người Hải Dương ở tỉnh ngoài là cán bộ KHCN đều có tinh thần hướng về cội nguồn, hướng về quê hương. Về cơ bản kinh tế chưa mạnh, họ chỉ có tiềm năng chất xám và lòng nhiệt tình với quê hương, không thích những lối giao tiếp khoa trương.

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực KHCN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá hiện, đại hoá tỉnh Hải Dương.

Đổi mới cơ chế quản lý và tổ chức hoạt động KHCN nhằm tập hợp và tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ KHCN phát huy năng lực phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Tăng đầu tư cho hoạt động KHCN để có điều kiện thu hút cán bộ KHCN, đồng thời hình thành một cơ chế khuyến khích phù hợp nhằm đa dạng hoá các nguồn vốn cho KHCN là vấn đề hết sức cần thiết quan trọng.

Hỗ trợ tạo lập thị trường KHCN gắn kết hữu cơ KHCN với kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại để thu hút và khai thác có hiệu quả tiềm năng đội ngũ cán bộ KHCN của tỉnh.

Thực hiện chế độ ưu đãi vật chất và tinh thần cho các nhà khoa học đầu đàn, các tài năng đặc biệt, bảo đảm thực thi nguyên tắc thu nhập của cán bộ KHCN gắn với hiệu quả lao động. Có cơ chế sử dụng những người có học vị tiến sĩ hoặc có công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc.

Nâng cấp các trường cao đẳng thành đại học đào tạo đa ngành, thu hút các viện nghiên cứu liên kết các trường đại học hoặc mở các phân hiệu, phân viện tại Hải Dương đáp ứng nhu cầu cập nhật thông tin kiến thức, học tập bồi dưỡng nghiên cứu thường xuyên cho đội ngũ cán bộ, người lao động và nhân dân trong tỉnh.

Rà soát sắp xếp lại đội ngũ cán bộ lãnh đạo các sở, ban, ngành đảm bảo chất lượng, đủ số lượng, bố trí đội ngũ cán bộ KHCN cho phù hợp với năng lực sở trường chuyên môn đào tạo và hoàn cảnh cụ thể của từng người.

Tranh thủ tiềm năng nhân lực KHCN người Hải Dương ở tỉnh ngoài, có thông điệp đến từng nhà khoa học và thể hiện rõ sự tôn vinh thừa nhận đối với những người con quê hương đang công tác làm việc ngoài tỉnh, xúc tiến thành lập các tổ chức thích hợp ở từng vùng, đồng thời tăng cường giao lưu giữa tỉnh và các hiệp hội.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

- Công trình là luận cứ để cho các cấp, các ngành có liên quan của tỉnh hoạch định chính sách về phát triển nguồn nhân lực KHCN đến năm 2010 và những năm tiếp theo, phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh.

- Là tư liệu để Ban Thường vụ Tỉnh uỷ báo cáo Ban Khoa giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng và Bộ Chính trị về đánh giá đội ngũ trí thức của tỉnh Hải Dương trong giai đoạn vừa qua và đề xuất các giải pháp lớn phục vụ cho việc thu hút và sử dụng đội ngũ trí thức của tỉnh trong giai đoạn tới.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây