Thống kê SHTT 2013-09-23 21:15:11

Bưởi Bạch Đằng - Sở KH&CN Bình Dương Tặng phẩm của thiên nhiên Bưởi Bạch Đằng được Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể số 166282 ngày 23/6/2011 cho 5 loại bưởi đang được trồng và phát triển bao gồm bưởi đường da láng (bưởi đường núm), bưởi đường lá cam, bưởi ổi, bưởi thanh và bưởi da xanh. Nhãn hiệu Bưởi Bạch Đằng do Hội nông dân xã Bạch Đằng (huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) sở hữu, có quy trình trồng khép kín và cho ra những trái bưởi ngon, ngọt. Để được sử dụng nhãn hiệu tập thể Bưởi Bạch Đằng, các thành viên phải đáp ứng những điều kiện đã được quy định trong Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể Bưởi Bạch Đằng.

Theo thống kê, hiện toàn xã Bạch Đằng có hơn 450 hecta đất trồng bưởi, chiếm trên 50% diện tích đất tự nhiên của xã. Những giống bưởi ở đây phát triển tốt, ít sâu bệnh và phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của xứ cù lao. Đặc biệt, những năm gần đây bưởi Bạch Đằng đa phần được nhân giống vô tính bằng phương pháp ghép, chiết cành, do đó sản phẩm có tính đồng nhất và đạt chất lượng cao.
Anh Nguyễn Hữu Tâm, một chủ vườn bưởi ở Bạch Đằng cho biết, do những đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù của vùng đất xã Bạch Đằng mà bưởi Bạch Đằng có những phẩm chất đặc biệt điển hình như bưởi đường lá cam có trái dạng hình quả lê thấp, nặng trung bình 0,8-1,4kg, vỏ nhẵn, màu xanh vàng, khi chín vỏ mỏng dễ lột. Con tép màu vàng nhạt, bó chặt, dễ tách khỏi múi, có mùi thơm dịu, vị ngọt không chua, tỷ lệ thịt trái đạt trên 50%; hay bưởi đường da láng có màu xanh vàng đến màu vàng đậm khi chín, hương vị ngọt thanh không the ở môi, không đắng ở miệng...
"Bưởi Bạch Đằng có truyền thống từ bao đời nay. Cứ qua mỗi thế hệ, giống bưởi địa phương được cải tiến, lai tạo cho hiệu quả năng suất cao hơn, nhưng vẫn giữ được hương vị và nét đặc trưng riêng" anh Tâm cho biết.
Bưởi Bạch Đằng_ Sở KH&CN Bình Dương
Theo bà Trần Thị Bích Hồng (Sở KH&CN Bình Dương) chủ nhiệm dự án "Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể bưởi Bạch Đằng, huyện Tân Uyên", thành phần dinh dưỡng trái bưởi Bạch Đằng rất cao, tỷ lệ nước chiếm đến 83,4%, tro 40%, protein 0,5%, xơ 0,7%..., công dụng của bưởi Bạch Đằng được dùng để lấy tinh dầu, nấu chè bưởi, nem bưởi, dùng để ăn tươi hoặc ép nước và nấu rượu bưởi rất thơm ngon, tinh khiết.
Cây trồng chủ lực
Là một xã cù lao được bao bọc bởi sông Đồng Nai, xã Bạch Đằng nằm phía đông huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương là vùng trồng bưởi lâu đời và nổi tiếng khu vực Đông Nam bộ. Với những đặc trưng thuận lợi về điều kiện tự nhiên của một xã cù lao nên bưởi Bạch Đằng phát triển tốt, chất lượng ngon. Hiện bưởi được xem là loài cây chủ lực của xã, đã hình thành vùng trồng tập trung và được xem là loại trái cây đặc sản của tỉnh Bình Dương nói riêng và miền Đông Nam bộ nói chung.
Bà Trần Thị Bích Hồng cho biết, trước đây, khi chưa có bao gói, dán nhãn hiệu... trung bình 10 quả bưởi, nhà vườn bán với giá từ 300.000 đến 350.000. Tuy nhiên, sau khi nhà vườn tham gia dự án "Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể bưởi Bạch Đằng, huyện Tân Uyên", trung bình 10 quả bưởi bán với giá từ 400.000 đến 450.000, cải thiện đáng kể thu nhập cho nông dân, nhiều nông dân trong xã đã làm giàu từ bưởi.
Vườn bưởi nhà ông Dương Văn Minh ở xã Bạch Đằng, huyện Tân Uyên có diện tích khoảng 4.500m2 với 175 gốc bưởi đường lá cam nổi tiếng ngon ngọt. Nhờ áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật nông nghiệp vào chăm sóc nên vườn bưởi nhà ông đạt cả về số lượng lẫn chất lượng. Mỗi cây bưởi vào vụ có từ 70 đến 100 trái, trọng lượng mỗi trái khoảng trên dưới 1,5kg. Tết đến, mỗi chục bưởi có giá cao gấp đôi, thập chí gấp 3 so với ngày thường. Như vậy, mỗi cây bưởi cho thu hoạch đúng dịp tết đạt từ 1,5 đến 2 triệu đồng/cây.
Để giúp nông dân phát huy tiềm lực bưởi Bạch Đằng của địa phương sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể (NHTT), Sở KH&CN tỉnh Bình Dương đã tiến hành 3 lượt tập huấn cho nông dân về các quy định pháp lý xác lập quyền đối với Nhãn hiệu tập thể, quy chế cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng NHTT, các kiến thức về sở hữu trí tuệ, quy chuẩn gắn nhãn và cách thức bảo vệ NHTT; đào tạo mô hình quản lý, khai thác và cơ chế hoạt động của chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể cho 12 kỹ thuật viên là thành viên Ban quản lý, Ban kiểm soát NHTT, tổ chức 2 đợt hội thảo cho 61 đối tượng là các nhà vườn tham gia dự án, nông dân và cán bộ quản lý địa phương.
Đặc biệt, Sở KH&CN cũng đã hoàn thành xây dựng quy trình trồng và chăm sóc cây bưởi Bạch Đằng theo một chu trình khép kín từ chọn giống, chọn đất, mật độ trồng, cách chăm sóc, nhận diện các loại sâu bệnh thường gây hại cho cây bưởi từ đó đưa ra biện pháp phòng trừ sâu bệnh và cuối cùng xác định thời điểm thu hoạch để có năng suất, hiệu quả cao.
Theo Báo Đất Việt

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.