Thông tin SHTT 2009-06-24 17:48:20

Nếp cái hoa vàng là một trong những giống lúa đặc sản cổ truyền của các tỉnh phía Bắc Việt nam. Gạo nếp cái hoa vàng từ ngàn xưa đã được nhân dân Việt Nam sử dụng làm nguyên liệu để chế biến các món ăn đặc biệt trong những ngày lễ hội và tết cổ truyền (xôi, bánh trưng và các loại bánh khác, rượu...).Tại huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương cây lúa nếp cái hoa vàng đã được trồng từ lâu đời và là được xếp vào cây đặc sản của huyện,

với diện tích gieo cấy khoảng 500ha/năm và năng suất đạt 3,5 tấn /ha, sản lượng mỗi năm khoảng gần 2 nghìn tấn, gạo nếp hoa vàng nơi đây ai đã ăn một lần thì nhớ mãi cái hương thơm, cái đậm đà, độ dẻo, độ mọng mà ráo của hạt cơm khi chín... ít có loại gạo nếp nào sánh được còn người làng ruợu Phú Lộc nói rằng rượu được nấu bằng nếp cái hoa vàng Kinh Môn là ngon nhất.

Tiền năng kinh tế của sản xuất lúa nếp cái hoa vàng là lớn, những năm gần đây giá thóc nếp cái hoa vàng tăng cao. Từ năm 2004 đến năm 2008 giá thóc nếp cái hoa vàng đã tăng thêm khoảng 7000 - 8000 đ/kg thóc (giá 14000đ/kg thóc), trong khi các loại thóc khác tăng lên chỉ khoảng 1000 - 2000 đ/kg. Sự chênh lệch giá này đã làm cho việc sản xuất lúa nếp cái hoa vàng có thu nhập cao hơn so sản xuất giống lúa khác từ 200.000 - 300.000đ/sào Bắc bộ.
Tuy với những đặc điểm ưu thế vượt trội về chất lượng, nhưng sản phẩm nếp cái hoa vàng vẫn bị đánh đồng với các sản phẩm khác, hiện trên thị trường sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn được bày bán không có bao bì, nhãn hiệu do vậy người tiêu dùng không nhận biết đúng sản phẩm này; mặt khác sản phẩm Gạo nếp cái hoa vàng do nhiều hộ nông dân tham gia sản xuất, chưa có tổ chức quản lý chung nên rất khó tham gia được các kênh phân phối chuyên nghiệp làm hạn chế việc tiêu thụ loại sản phẩm đặc sản này.
Việc tạo dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể ‘'Gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn'' là cần thiết sẽ góp phần quản lý tốt chất lượng sản phẩm gạo nếp hoa vàng Kinh Môn, giúp cho người tiêu dùng tiếp cận được sản phẩm đúng tiêu chuẩn chất lượng như họ mong muốn, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, từ đó thúc đẩy phát triển sản xuất góp phần khôi phục và phát triển lại nghề trồng lúa nếp cái hoa vàng - một nghề truyền thống của người nông dân Kinh Môn, Hải Dương.
Chính vì vậy, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương đăng ký chủ trì dự án ‘'Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn cho sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng của huyện Kinh Môn tỉnh Hải Dương''( thuộc chương trình hỗ trợ tài sản trí tuệ doanh nghiệp do trung ương trực tiếp quản lý năm 2010), với những mục tiêu và nội dung chính sau:
Mục tiêu chung của dự án:
Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể ‘'Gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn'' cho sản phẩm nếp cái hoa vàng của huyện Kinh Môn tỉnh Hải Dương nhằm quản lý tốt hơn chất lượng của sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng huyện Kinh Môn, nâng cao hiệu quả thu nhập cho người sản xuất và giữ gìn, phát huy giá trị của sản phẩm.
Mục tiêu cụ thể:
- Xác lập quyền bảo hộ nhãn hiệu tập thể "Gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn'' đối với sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
- Xây dựng hệ thống văn bản phục vụ cho việc quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể ‘'Gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn''.
- Xây dựng và triển khai mô hình tổ chức quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể "Gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn'' hoạt động có hiệu quả.
- Xây dựng phương án quảng bá và tiếp cận thị trường nhằm nâng cao giá trị nếp cái hoa vàng Kinh Môn.
Nội dung của dự án:
1. Xây dựng cơ sở dữ liệu cho việc lập hồ sơ đăng ký xác lập quyền nhãn hiệu tập thể "Gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn".
1.1 Điều tra, khảo sát, thu thập thông tin tài liệu về sản phẩm và vùng dự án.
- Khảo sát, thu thập tài liệu về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và văn hoá của huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
- Xác định đặc tính sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn:
+ Xác định chất lượng về cảm quan nếp cái hoa vàng
+ Xác định chất lượng lý, hoá của sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn. Để có bản mô tả định lượng đặc tính sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn (phân tích các chỉ tiêu hoá lý như mùi thơm, hàm lượng Protein, gluxit, li pít, hàm lượng một số axit amin, hàm lượng tinh bột, hàm lượng amyloza, nhiệt độ hóa hồ...).
- Khảo sát, điều tra và khoanh vùng bản đồ của vùng hiện trồng và vùng tiềm năng sản xuất lúa nếp cái hoa vàng của huyện Kinh Môn.
- Thu thập các tài liệu thứ cấp liên quan đến sản phẩm và vùng dự án.
1.2. Thiết kế lô gô - dấu hiệu nhận diện nhãn hiệu tập thể Gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn.
- Thiết kế nhãn hiệu tập thể.
- Thiết kế tem, nhãn mác để gắn cho sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể "Gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn''.
2. Xây dựng mô hình tổ chức quản lý nhãn hiệu tập thể "Gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn".
2.1. Kiện toàn tổ chức chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể Gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn:
Nhằm giúp Hiệp hội có đủ khả năng và năng lực là chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể Gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn dự án tư vấn và hỗ trợ để Hiệp hội củng cố các hoạt động của mình như về quản lý, xây dựng kế hoạch sản xuất, tài chính, kiểm tra, kiểm soát,...gồm các bước:
- Củng cố, kiện toàn hiệp hội: nhân sự lãnh đạo, phát triển hội viên thông qua đại hội;
- Thống nhất về quy chế hoạt động, cơ cấu bộ phận chức năng của hiệp hội;
- Phân công trách nhiệm thành viên trong hiệp hội
- Thống nhất các hoạt động về xây dựng nhãn hiệu tập thể với BCN dự án
2.2. Xây dựng mô hình tổ chức quản lý nhãn hiệu tập thể Gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn:
- Thành phần tham gia mô hình:
+ Chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể Gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn: Hiệp hội sản xuất và thương mại nếp cái hoa vàng Kinh Môn. Hiệp hội sẽ đứng ra để cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể cho các đơn vị sử dụng.
+ Các đơn vị sử dụng sẽ bao gồm: Các hộ thành viên, Tổ thương mại, cửa hàng, doanh nghiệp.
+ Đơn vị kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu tập thể: Là thành viên của Hiệp hội, có chức năng kiểm tra chéo lẫn nhau.
3. Xây dựng và hoàn thiện các văn bản, tài liệu phục vụ công tác quản lý nhãn hiệu tập thể ‘'Gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn''.
3.1 Xây dựng quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể ‘'Gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn'':
- Nghiên cứu và xây dựng Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể "Gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn". Quy chế quy định về việc quản lý chất lượng sản phẩm, việc sử dụng nhãn hiệu tập thể, quy định xử phạt,...
- Tổ chức hội nghị chuyên gia, gồm các hộ nông dân, thương gia, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn để hoàn chỉnh quy chế này.
3.2 Xây dựng quy trình cấp, thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể ‘'Gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn''.
- Nghiên cứu và xây dựng quy trình cấp, thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể ‘'Gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn''.
- Tài liệu hướng dẫn, hệ thống sổ sách, biểu mẫu:
3.3.Quy trình kỹ thuật áp dụng cho sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn mang nhãn hiệu tập thể.
- Nghiên cứu và xây dựng quy trình kỹ thuật trong sản xuất, chế biến,bảo quản... gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn. Quy trình quy định các khâu bắt buộc người sản xuất phải tuân thủ để đảm bảo chất lượng như giống, chân đất, bón phân, tươi tiêu, thuốc bảo vệ, thực vật, phơi thóc, chế biến, bảo quản sau chế biến..; biện pháp xử lý vi phạm
- Hệ thống sổ sách, biểu mẫu theo dõi các khâu sản xuất, chế biến,bảo quản.
- Tổ chức hội nghị chuyên gia gồm các hộ nông dân, thương nhân, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn để hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật này.
3.4. Quy định về tem, nhãn, bao bì sản phẩm.
Nghiên cứu và xây dựng quy định về tem, nhãn và bao bì sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể "Gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn", thông tin nhà sản xuất, nguồn gốc truy suất... biện pháp xử lý vi phạm
3.5. Hệ thống theo dõi thông tin phản hồi việc tuân thủ quy trình kỹ thuật và thương mại của thành viên sử dụng nhãn hiệu tập thể.
Hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý thông tin về sản xuất và kết quả hoạt động thương mại. Cụ thể là xây dựng các định mức tiêu chí quản lý cho hiệp hội như: quy chế quản lý sản lượng sản xuất, định mức sản lượng /ha. Đây là cơ sở để Hiệp hội quản lý trong sản xuất của các thành viên..
4. Lập hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể "Gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn" để nộp Cục Sở hữu trí tuệ.
- Các tài liệu nộp đơn theo yêu cầu về đăng ký nhãn hiệu tập thể, bao gồm:
+ Thống nhất việc xác định tổ chức có quyền nộp đơn: Hiệp hội sản xuất và thương mại nếp cái hoa vàng Kinh Môn.
+ Tờ khai đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể ‘'Gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn''.
+ Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể Gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn.
+ Tài liệu xác nhận việc cho phép đăng ký và sử dụng nhãn hiệu tập ‘'Gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn''.
+ Mẫu nhãn hiệu.
+ Bản mô tả chất lượng sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn.
- Nộp và theo đuổi đơn.
5. Xây dựng các phương án thiết lập, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm mang ; khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể Gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn:
5.1. Nghiên cứu ngành hàng gạo nếp cái hoa vàng:
- Khảo sát, nghiên cứu cấu trúc thị trường và quan hệ trong thương mại của các tác nhân ngành hàng gạo nếp cái hoa vàng tại thị trường Hải Dương, Hải phòng và Hà Nội.
- Đánh giá nhu cầu tiêu dùng gạo nếp cái hoa vàng, yêu cầu và đòi hỏi của thị trường về nhãn mác, chất lượng của sản phẩm.
- Xây dựng phương án thiết lập, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm gạo nếp hoa vàng Kinh Môn mang nhãn hiệu tập thể: xác định kênh hàng, thị trường tiềm năng, yêu cầu chất lượng sản phẩm đối với từng thị trường.
5.2. Xây dựng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm cho Hiệp hội
Tổ chức thử nghiệm các kênh hàng tiêu thụ sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng mang nhãn hiệu tập thể của Hiệp hội:
- Giới thiệu sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể ra thị trường nhằm thu thập ý kiến phản hồi của người tiêu dùng về chất lượng, mẫu mã và giá cả của sản phẩm thông qua các hình thức như tham gia các hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm.
- Thử nghiệm việc bán sản phẩm ra một số thị trường các thành phố lớn Hà Nội, Hải Phòng,... thông qua việc ký kết hợp đồng tiêu thụ với các siêu thị, công ty thương mại, tập đoàn phân phối, cửa hàng,...
- Xây dựng hệ thống theo dõi, thu thập và phân tích thông tin phản hồi từ khách hàng nhằm giúp Hiệp hội có hướng điều chỉnh cho phù hợp.
- Xây dựng phương án điều chỉnh theo nhu cầu và ý kiến của người tiêu dùng.
5.3 Xây dựng hệ thống phương tiện, điều kiện quảng bá nhãn hiệu tập thể ‘'Gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn''
- Thiết kế hệ thống áp phích, tờ rơi, biển hiệu, băng rôn quảng cáo sản phẩm.
- Thiết kế và duy trì Website giới thiệu sản phẩm
- Tuyên truyền trên thông tin đại chúng.
- Tham gia hội chợ
6. Triển khai thực hiện thí điểm hoạt động quản lý và khai thác nhãn hiệu tập thể Gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn:
6.1. Phổ biến kiến thức cho các đối tượng hưởng lợi từ nhãn hiệu tập thểi ‘'Gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn'':
- Phổ biến quy trình kỹ thuật áp dụng cho sản phẩm nếp cái hoa vàng mang nhãn hiệu tập thể.
- Phổ biến quy trình giám sát chất lượng nội bộ và bên ngoài hiệp hội.
- Phổ biến kiến thức về nhãn hiệu tập thể
- Phổ biến về quy chế quản lý và cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể
6.2. Tổ chức vận hành thử nghiệm hoạt động quản lý nhãn hiệu tập thể gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn
- Vận hành mô hình thử nghiệm trên xã An Phụ với 100 hộ thành viên tham gia (3-5 nhóm): Lựa chọn các hộ sản xuất, kinh doanh phù hợp tham gia mô hình; thành lập bộ phận kiểm soát.
- Tổ chức cấp và trao quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể cho đơn vị tham gia mô hình.
Hiệp hội với tư cách là chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể Gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn sẽ có thẩm quyền cấp và trao quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể cho đơn vị thuộc Hiệp hội mà đảm bảo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể. Những đơn vị nào vi phạm thì bị xử phạt.
- Tổ chức thí điểm việc cấp phát tem tập thể và các phương tiện phục vụ quản lý mô hình. Sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng đảm bảo yêu cầu sẽ được niêm phong và được dán tem tập thể theo mẫu chung thống nhất trong toàn Hiệp hội. Sản lượng dán tem sẽ được theo dõi, giám sát bởi hệ thống giám sát chất lượng nội bộ đảm trách.
- Tổ chức hướng dẫn trực tiếp việc thực hiện quy chế, quy định, quy trình kỹ thuật đã ban hành thong qua các biểu mẫu,hồ sơ....
- Tổ chức các hoạt động kiểm soát và giám sát việc thực hiện các quy trình, quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể. Quá trình kiểm soát được tiến hành từ khâu sản xuất, bảo quản, chế biến và đến cả khâu thương mại.
- Tổ chức tiêu thụ sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn mang nhãn hiệu tập thể
tại mạng lưới đã thiết lập.
- Tổ chức hội nghị khách hàng giới thiệu sản phẩm tới khách hàng tiềm năng.
- Đánh giá hiệu quả mô hình và xây dựng phương án nhân rộng mô hình. Xây dựng hệ thống thu thập thông tin và tổng hợp thông tin về tình hình hoạt động của mô hình.
Hồ sơ dự án đã được nộp lên Cục sở hữu trí tuệ trung tuần tháng 6/2009, hội đồng chuyên môn gồm các chuyên gia, các nhà quản lý sẽ tiến hành thẩm định về nội dung và kinh phí.Hy vọng rằng dự án của sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương sẽ sớm được duyệt để đi vào thực hiện đầu năm 2010.
Trần Thị Thuận

 


Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.