Thông tin SHTT 2009-06-23 18:05:55

  Để nâng cao giá trị hàng hóa của đặc sản vải thiều Thanh Hà, trong hai năm (2006-2007), Sở Khoa học và Công nghệ cùng các cấp, các ngành có liên quan đã tiến hành rất nhiều công việc để hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký xác lập quyền SHCN chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Thanh Hà như: Chứng minh tính đặc thù và danh tiếng của vải thiều Thanh Hà; Xác định các yếu tố đặc trư¬ng của điều kiện tự nhiên tạo nên tính chất đặc thù của vải thiều Thanh Hà.Xác định quy trình sản xuất, tập quán canh tác cây vải thiều ở địa ph¬ương. Xác định diện tích khu vực trồng vải thiều t¬ương ứng với chỉ dẫn địa lý; Xây dựng quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý vải thiều Thanh Hà; Lập hồ sơ pháp lý, nộp đơn xác lập quyền SHCN chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Thanh Hà tại Cục SHTT.

Ngày 25/5/2007 Cục Sở hữu trí tuệ đã có Quyết định số 353/QĐ-SHTT cấp ''Giấy chứng nhận đăng lý chỉ dẫn địa lý Thanh Hà'' số 009 cho vải thiều Thanh Hà. Quy mô bảo hộ: 25 xã của huyện Thanh Hà có diện tích vải thiều 6.774 ha
Việc xác lập quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý " Thanh Hà" cho sản phẩm quả vải thiều của huyện Thanh Hà có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế - xã hội đối với người dân Thanh Hà: đã chứng minh tính chất và chất lượng đặc thù của đặc sản vải thiều được trồng trên đất Thanh Hà góp phần tăng giá trị gia tăng của sản phẩm quả vải thiều của huyện Thanh Hà, giữ gìn và phát triển danh tiếng một sản phẩm truyền thống của tỉnh nhà; Chỉ dẫn địa lý được nhà nước bảo hộ đó góp phần chống lại các hành vi lợi dụng danh nghĩa Thanh Hà để bán sản phẩm vải nơi khác, ...
Tuy nhiên để chỉ dẫn địa lý ‘'Thanh Hà'' thực sự trở thành tài sản trí tuệ cho người sản xuất và kinh doanh vải thiều thì không phải là chuyện dễ.
Cái khó đầu tiên phải kể đến đó là xuất phát từ nguyên nhân chủ quan của người dân sản xuất và kinh doanh vải thiều Thanh Hà, hình như việc khai thác, phát triển giá trị trí tuệ này được coi là việc của các cấp chính quyền, nên mặc dù đã hình thành Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà, là bước khởi đầu cho việc hình thành một tổ chức quản lý, khai thác, phát triển tài sản vô hình này, nhưng cũng ít được người dân quan tâm do vậy mặc dù thành lập được gần 4 năm đến nay mới có 150 hội viên và quản lý 49 ha vải trên gần 7000 ha vải thiều của huyện; việc đóng hội phí để duy trì hoạt động kiểm soát chất lượng hầu như không có; các hoạt động quảng bá tuyên truyền cho thương hiệu này hầu như của các cấp các ngành trong tỉnh và một số tổ chức nước ngoài tài trợ; thậm chí khi Nhãn hiệu, lô gô gắn liền với chỉ dẫn địa lý Thanh Hà là dấu hiệu để người tiêu dùng nhận biết phân biệt đã được bảo hộ nhưng chính những thành viên trong hiệp hội không phải ai cũng gắn lên sản phẩm để cho người tiêu thụ nhận biết. Họ chỉ trách người tiêu dùng không tinh mắt để mua vải chính hiệu, làm đánh đồng giá trị vải thiều Thanh Hà với những vải thiều địa phương khác; họ không muốn bỏ ra một chi phí nhỏ nào để đầu tư để bồi đắp cho tài sản vô hình này. Chính vì vậy việc củng cố và phát triển Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều đủ năng lực thực hiện được vai trò quản lý, sử dụng và khai thác chỉ dẫn địa lý, từng bước nâng cao giá trị thương hiệu vải thiều Thanh Hà là việc làm không thể chậm trễ.
Cái khó thứ hai đó là hệ thống văn bản quản lý chỉ dẫn địa lý này còn thiếu và chưa thực sự hoàn thiện. Ngay bây giờ các cấp các ngành cần hỗ trợ Hiệp hội non yếu xây dựng hệ thống các văn bản phục vụ công tác quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm vải thiều mang chỉ dẫn địa lý Thanh Hà:Hoàn thiện quy chế về quản lý chỉ dẫn địa lý; quy định chung về tổ chức hệ thống quản lý; quy trình đánh giá, giám sát chất lượng sản phẩm; Xây dựng quy trình trao quyền và thu hồi quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý; Hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất vải thiều mang chỉ dẫn địa lý Thanh Hà(cách thức thực hiện trong từng công đoạn sản xuất, kinh doanh, cơ chế giám sát); Xây dựng quy định về tem nhãn, bao bì sản phẩm vải thiều Thanh Hà.....
Cái khó thứ 3 phải kể đến đó là việc tạo lập ngành hàng tiêu thụ vải thiều Thanh Hà không ổn định, với thời vụ thu hoạch rất ngắn lại đúng vào mùa thu hoạch của rất nhiều loại trái cây nên việc tiêu thụ đã khó lại càng khó thêm; gần như các hợp đồng mua bán cũng như đối tác không ổn định; bao nhiêu dự án đầu tư chế biến nông sản được ưu đãi nhưng giờ phút này vẫn để vải thiều chờ đến mòn mỏi.
Để khai thác và phát triển giá trị tài sản trí tuệ chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Thanh Hà, thì ngoài việc gỡ vướng 3 khó trên thì các cấp uỷ đảng từ huyện đến xã và các hộ nông dân trong vùng chỉ dẫn địa lý cần tranh thủ sự hỗ trợ của các ngành, các cấp ở Trung ương, địa phương và các nhà khoa học làm tốt một số công việc: tiếp tục xây dựng quy hoạch và phát triển vùng chuyên canh cây vải thiều một cách bền vững, phù hợp với nhu cầu và định hướng phát triển thị trường trong tương lai. Gắn quy hoạch vùng trồng vải thiều với việc phát triển mô hình du lịch sinh thái miệt vườn; Xây dựng, hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác nhằm ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tiếp tục đầu tư nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng vải thiều Thanh Hà, xứng đáng với đặc sản xứ Đông. Các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ với huyện Thanh Hà trong công tác quản lý, giám sát về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm một cách nghiêm ngặt đối với sản phẩm vải thiều được gắn nhãn chỉ dẫn địa lý, đảm bảo giữ vững uy tín sản phẩm đã được cấp văn bằng chỉ dẫn địa lý. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chỉ dẫn địa lý trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước nhằm quảng bá thương hiệu và mở rộng thị trường cho sản phẩm vải thiều Thanh Hà. Gắn chiến lược sản xuất vải thiều với chiến lược thương mại hoá sản phẩm, đồng thời phát triển công nghiệp chế biến nhằm giải quyết kịp thời đầu ra cho sản phẩm vải thiều của địa phương.
Bài và ảnh Trần Thị Thuận

 

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.