Nông nghiệp 2024-03-22 09:37:17

Hải Dương là tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng với đất đai màu mỡ do sông Kinh Thầy và sông Thái Bình bồi đắp mang lại khá nhiều tiềm năng để phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong những năm qua, tỉnh Hải Dương đã luôn quan tâm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất giống cũng như tìm các giải pháp giúp bà con nông dân tiếp cận những giống tiến bộ khoa học kỹ thuật mới có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh có hiệu quả tăng hiệu quả kinh tế. Các giống mới được đưa vào ứng dụng thực tiễn như lúa, ngô, dưa chuột, dưa hấu,...

Ngô là cây hoa màu được trồng với diện tích lớn tại Hải Dương chủ yếu phục vụ nhu cầu làm hàng quà nội tỉnh và cung cấp cho các địa phương lân cận. Năm 2020 diện tích trồng ngô toàn tỉnh đạt 3.649 ha, năm 2021 là 3.639 ha trong đó diện tích lớn nhất tại huyện Gia Lộc (677 ha), sau đó đến Kim Thành (543 ha), Thanh Miện (495 ha), Ninh Giang (416 ha),Tứ kỳ (372 ha), Cẩm Giàng (338 ha), Chí Linh (325 ha), Nam Sách (284 ha), Kinh Môn (65 ha), một số diện tích nhỏ ở Thanh Hà (38 ha), Bình Giang (37 ha), TP. Hải Dương (49 ha). …

Các giống ngô đường đang trồng chính ở Hải Dương là Việt thái, Golden cob,...Với 3 thời vụ chính là vụ xuân, thu đông và vụ đông. Ngô đường tỉnh Hải Dương chủ yếu được thương lái thu mua, tiêu thụ nội tỉnh và một số tỉnh lân cận như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội.... Giá ngô đường trồng tại Hải Dương dao động từ 6.000 – 10.000 đồng/kg, ngô đường được thu tươi, chất lượng tốt, được vận chuyển kịp thời đến nơi tiêu thụ tại Hải Dương và các vùng lân cận.

Trong nhiều năm qua, Trung tâm Ứng dụng Khoa học, công nghệ và Khảo nghiệm giống đã khảo nghiệm một số giống cây trồng mới được xây dựng và áp dụng trên địa bàn tỉnh Hải Dương cho hiệu quả kinh tế cao. Qua nghiên cứu và tìm hiểu về một số giống ngô mới. Trung tâm đã nhận thấy giống ngô đường Thái Ngọt số 2 là giống ngô đường có có tiềm năng năng suất, chất lượng cao,khả năng chống chịu tốt, tỉ lệ bắp loại 1 cao, là một giống có tiềm năng phát triển, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và có thể phục vụ các nhà máy chế biến ngô xuất khẩu, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất, giống đã được công nhận sản xuất thử; với nhiều ưu điểm, giống ngô đường Thái Ngọt số 2 đang được sản xuất thử ở nhiều nơi. Đặc biệt, giống ngô Thái Ngọt Số 2 bắp to, hạt có màu vàng, kháng sâu bệnh tốt, dễ thích ứng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt và khí hậu của địa phương. Bộ lá xanh đậm bền cho tới khi thu hoạch, thân lá sau khi thu hoạch thích hợp sử dụng làm thức ăn cho trâu, bò. Giống ngô đường lai Thái Ngọt Số 2 đã được trồng khảo nghiệm cơ bản và khảo nghiệm sản xuất từ vụ đông 2017 đến nay tại một số tỉnh phía Bắc (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thanh Hóa), duyên hải Nam Trung Bộ (Quảng Nam, Quảng Ngãi và Phú Yên), Tây nguyên và Nam Bộ (Bà Rịa Vũng Tàu, Đăk Lăk, Gia Lai, Cẩm Mỹ - Đồng Nai và Đồng Tháp). Kết quả cho tính đồng nhất và tính ổn định cao, năng suất và chất lượng tốt.

Vì vậy, với mục tiêu đánh giá khả năng thích ứng của giống ngô đường lai Thái Ngọt số 2 với điều kiện sinh thái tỉnh Hải Dương, nhằm bổ sung và làm đa dạng các giống ngô ngọt đang trồng trên địa bàn tỉnh,Trung tâm Ứng dụng Khoa học, công nghệ và Khảo nghiệm đề xuất thực hiện đề tài:“Xây dựng mô hình sản xuất thương phẩmngô đường lai Thái ngọt số 2 trên địa bàntỉnhHải Dương”.

Bà Nguyễn Thị Thuỷ, chủ nhiệm đề tài cho biết: thời gian xây dựng mô hình trong 2 năm là vụ thu đông 2023 và vụ xuân 2024 với quy mô: 20 ha; 10ha/1vụ. Giống đối chứng: giống ngô ngọt Golden Cob do đây là giống ngô đang trồng phổ biến tại các địa phương triển khai.Quy trình áp dụng theo Quy trình kỹ thuật của Công ty TNHH HANA.

Để thực hiện đề tài, Ban chủ nhiệm đã tiến hành khảo sát các địa điểm tại các huyện, TP sau: Tứ Kỳ, Gia Lộc, Kim Thành, Nam Sách, Cẩm Giàng, Thanh Miện, Chí Linh. Sau khi khảo sát, Ban chủ nhiệm đã lựa chọn được 2 địa phương có điều kiện thích hợp để xây dựng mô hình sản xuất ngô đường Thái ngọt số 2 là xã Định Sơn, huyện Cẩm Giàng và phường Tân Dân, thị xã Chí Linh. Trung tâm cũng đã tiến hành tập huấn được 04 lớp (02 lớp/1vụ) cho 200 lượt hộ nông dân tham gia mô hình. Tại các buổi tập huấn, các hộ dân tiếp thu được quy trình kỹ thuật để trồng ngô có hiệu quả.

Bắt đầu từ tháng 8 và đầu tháng 9 năm nay, các chuyên gia của Đề tài đã về 2 địa phương của thị xã Chí Linh và huyện Cẩm Giàng để giao giống ngô đảm bảo chất lượng giống và số lượng để thực hiện mô hình với quy mô 20 ha (10ha/1vụ), năng suất trung bình đạt từ 14 tấn/ha. Trong quá trình sản xuất, Ban chủ nhiệm đề tài thường xuyên cử chuyên gia về hướng dẫn, đánh giá, theo dõi được các đặc điểm nông sinh học trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển của giống trên đồng ruộng.

Ông Phạm Trung Chính nông dân xã Định Sơn, huyện Cẩm Giàng có chia sẻ: Năm nay những người nông dân chúng tôi rất vui vì được tập huấn và được các cán bộ kĩ thuật chuyển giao giống ngô mới. Chúng tôi tin tưởng là với giống ngô này sẽ đạt năng suất và chất lượng tốt, có thể giúp người dân làm giàu trên chính quê hương của mình.

Đề tài “Xây dựng mô hình sản xuất thương phẩm ngô đường lai Thái ngọt số 2 trên địa bàn tỉnh Hải Dương” được thực hiện trong vụ thu đông năm 2023 và vụ xuân năm 2024” thành công sẽ góp phần làm cho các giống cây trồng được sản xuất tại Hải Dương thêm phong phú, đa dạng. Sau khi xây dựng mô hình sản xuất thành công. Ban chủ nhiệm để tài sẽ xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuấtthương phẩm ngô đường lai Thái ngọt số 2phù hợp với điều kiện canh tác của tỉnh Hải Dươngvà phổ biến rộng tới các hộ dânở các địa phương khác trong tỉnh.

Nguyễn Thị My 

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.