Lĩnh vực XHNV 2008-12-26 17:06:57

ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU, ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP VÀ NỘI DUNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ XÃ, PHƯỜNG TRONG QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN CÔNG NGHIỆP HOÁ - HIỆN ĐẠI HOÁ NÔNG NGHIỆP VÀ NÔNG THÔN TỈNH HẢI DƯƠNG  

Chủ nhiệm đề tài: Th.S Phạm Văn Thẩm, Giám đốc Trường Chính trị tỉnh Hải Dương.

Cơ quan chủ trì: Trường Chính trị tỉnh Hải Dương.

Thời gian thực hiện: 6/1997 - 6/1999.

Kết quả nghiệm thu xếp loại: Đạt.

I. MỤC TIÊU

Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp cơ sở có đủ năng lực đáp ứng những yêu cầu của nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt có đủ năng lực và phẩm chất ngang tầm với sự nhu cầu của nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Thực trạng đào tạo bồi dưỡng cán bộ của Trường Chính trị tỉnh Hải Dương trong hai năm 1997-1998.

1.1. Đội ngũ cán bộ quản lý và giảng dạy.

- Về số lượng: đội ngũ giáo viên của trường còn thiếu nhiều, hiện tại trường có 26 giáo viên.

- Một số bộ môn bị hẫng hụt về sự kế tục đội ngũ giáo viên giữa các độ tuổi. Số giảng viên mới phần lớn là sinh viên mới tốt nghiệp đại học, chưa kinh qua hoạt động thực tiễn, nhất là thực tiễn giảng dạy. Việc rèn luyện bản lĩnh, trước hết là bản lĩnh chính trị được đặt ra như một công việc vừa cơ bản, lâu dài, vừa cấp thiết.

- Về cơ cấu: số giảng viên được đào tạo chuyên sâu của một số môn như Chủ nghĩa xã hội khoa học, Xây dựng Đảng, Nhà nước và Pháp luật còn ít, thậm chí có bộ môn chỉ có 1 người, bộ môn Chính trị học chưa có giảng viên.

- Trường cần tiếp nhận thêm giảng viên hoặc đào tạo lại để đáp ứng yêu cầu giảng dạy.

1.2. Cơ sở vật chất.

Cơ sở vật chất không tương xứng với vị trí và yêu cầu nhiệm vụ của Trường Chính trị trong giai đoạn hiện nay.

Tình trạng cơ sở vật chất của trường xuống cấp nghiêm trọng. Phần lớn nhà đều xây dựng cách đây gần 30 năm, không phù hợp với giai đoạn hiện nay. Trang thiết bị rất nghèo nàn, lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu dạy học, ăn ở, đi lại của giảng viên, cán bộ công nhân viên và học viên.

1.3. Về số lượng và chất lượng học viên.

Đối tượng đào tạo của Trường Chính trị tỉnh, theo Quyết định số 88/QĐ-TW ngày 5/9/1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Hướng dẫn số 07/TC-TW ngày 28/7/1995 của Ban Tổ chức Trung ương rất phong phú và đa dạng.

Do phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có yêu cầu cụ thể của từng ngành, từng cơ sở nên việc chiêu sinh phải thực hiện theo từng lớp và học viên trong một lớp có nhiều trình độ học vấn, chuyên môn trình độ chính trị khác nhau.

- Ngoài các học viên là cán bộ công chức, một bộ phận đông hơn là cán bộ xã, phường, thị trấn có những đặc điểm riêng biệt như: tính ổn định thấp, phụ thuộc vào sự tín nhiệm của quần chúng, mỗi khoá có thể thay đổi từ 30 - 40%, thu nhập không ổn định, tâm lý tiểu nông, tiểu thị dân còn nặng nề... nên khó có sự tập trung cao, khó duy trì thường xuyên trạng thái tích cực trong học tập, còn nhiều học viên bỏ học.

Một đặc điểm đáng quan tâm là: Không ít học viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, ngành còn có biểu hiện tiêu cực trong học tập, hoặc ỷ thế lãnh đạo không chú ý đến học tập.

1.4. Hình thức đào tạo, bồi dưỡng.

Hình thức đào tạo chủ yếu hiện nay ở Trường Chính trị tỉnh Hải Dương là đào tạo tại chức. Mỗi tháng học viên tập trung một tuần, không chỉ đào tạo tại trường mà còn có nhiều lớp mở tại các huyện. Mỗi lớp của một huyện, thành phố thường có từ 65 đến 120 học viên.

Đối với hình thức đào tạo trên, nhà trường đã nhận thấy còn nhiều hạn chế:

- Khó thực hiện quy trình giảng dạy, học tập.

- Học viên thường phải lên lớp nghe giảng suốt tuần (trên 10 buổi/tuần) nên mệt mỏi, khó tập trung.

- Quản lý lớp học rất khó khăn, số lượng học viên thường không bảo đảm, cá biệt có buổi lên lớp vắng tới 30%, giờ giấc thường xuyên bị cắt xén.

- Khó tạo ra được phong trào thi đua giữa các lớp, không tổ chức được các hoạt động mang tính đặc thù của nhà trường.

- Cơ sở vật chất của các lớp mở ở tuyến huyện thường thiếu thốn.

- Việc đi lại của giảng viên rất vất vả.

- Công tác học tập thông qua các buổi hội thảo trao đổi trực tiếp giữa các học viên và giảng viên chưa được cởi mở.

- Hình thức tổ chức thi, kiểm tra, nhất là viết tiểu luận cuối khoá đã được thực hiện nhưng vẫn còn mới mẻ đối với Trường Chính trị tỉnh, cần phải xem xét.

2. Một số giải pháp về công tác cán bộ, nội dung chương trình và hình thức đào tạo bồi dưỡng cán bộ cấp xã.

2.1. Giải pháp công tác cán bộ để góp phần thực hiện công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hải Dương.

Để có giải pháp cụ thể về công tác cán bộ của tỉnh, nhất là đối với cơ sở cần quán triệt các quan điểm về xây dựng đội ngũ cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII, cụ thể là:

- Xây dựng đội ngũ cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ phải trên cơ sở quán triệt quan điểm giai cấp công nhân của Đảng, đồng thời phát huy truyền thống yêu nước và đoàn kết dân tộc.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ phải gắn với xây dựng tổ chức và đổi mới cơ chế chính sách.

- Thông qua hoạt động thực tiễn và phong trào cách mạng của nhân dân nâng cao trình độ dân trí để tuyển lựa, giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ.

2.2. Đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng cán bộ cơ sở.

a. Cải tiến, đổi mới hình thức đào tạo.

- Duy trì hình thức đào tạo tại chức, tổ chức lớp tại trung tâm các huyện, đáp ứng tốt nhất nhu cầu đào tạo cán bộ cho cơ sở.

- Hình thức tập trung dài hạn (14 đến 18 tháng) để đào tạo cán bộ dự nguồn. Đối tượng chiêu sinh là lực lượng đảng viên, đoàn viên ưu tú có khả năng phát triển tốt được xã, huyện đưa vào quy hoạch và cử đi học.

- Hình thức tập trung ngắn hạn (10 tháng). Đối tượng chiêu sinh là những người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng nằm trong quy hoạch cán bộ dự nguồn của xã, huyện và các ngành.

b. Hoàn chỉnh và tổ chức thực hiện quy chế tuyển sinh, quy chế học viên, quy chế giảng viên và các chế độ, chính sách đối với Trường Chính trị tỉnh.

c. Đầu tư kinh phí và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật tương xứng với vai trò, nhiệm vụ của Trường Chính trị tỉnh, khắc phục được tình trạng xuống cấp, thiếu thốn và lạc hậu như hiện nay. Trước hết ưu tiên đầu tư xây dựng một thư viện đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, giảng dạy, học tập của trường.

d. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên đáp ứng yêu cầu của chương trình trung học chính trị.

- Hàng năm cần thực hiện đào tạo lại đối với đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ giảng dạy, bổ sung kiến thức mới, hiện đại và nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ, phục vụ cho yêu cầu cải tiến phương pháp giảng dạy và nâng cao chất lượng đào tạo.

- Tuyển chọn bổ sung vào đào tạo giảng viên, phần lớn sẽ là sinh viên mới tốt nghiệp đại học, trẻ, khoẻ, kiến thức hiện đại, có triển vọng phát triển tốt, tạo điều kiện thâm nhập thực tế thời gian từ 2 đến 4 năm có thể trở thành giảng viên có trình độ tốt, vững vàng trên bục giảng.

- Cán bộ cần có kế hoạch nghiên cứu thực tế để có thêm kiến thức minh họa trong bài giảng phong phú hơn.

e. Thực hiện chặt chẽ quy trình đào tạo và cải tiến phương pháp giảng dạy, học tập. Thực hiện quy trình đào tạo là có tính bắt buộc đối với cả người dạy và người học, cần có sự kiểm tra chặt chẽ, nghiêm khắc và công bằng, chính xác.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Đề tài đã được vận dụng vào việc đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh.

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.