Khoa học và Công nghệ (số 4-2018) -0001-11-30 07:06:30

Nhằm chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về việc sử dụng một số giống lúa mới đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao từ kết quả của các đề tài, dự án khoa học cấp tỉnh, năm 2018 Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học (Trung tâm) tổ chức thực hiện mở rộng mô hình sản xuất tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh.

Mô hình sản xuất giống lúa LTh31 được triển khai với quy mô 60 ha trong 02 vụ xuân và mùa tại các xã Hưng Long huyện Ninh Giang, xã Lê Lợi, huyện Gia Lộc và xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ. LTh31 là giống lúa thơm do Bộ môn Chọn tạo giống lúa chất lượng và đặc sản thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa thuần, Viện cây lương thực và Cây thực phẩm chọn từ tổ hợp lai HT1/IA CUBA 28; giống lúa chịu thâm canh khá, chống chịu khá với bệnh đạo ôn, bạc lá và rầy nâu, dạng hạt thóc trung bình, phẩm chất gạo trắng trong, thơm; gieo cấy được cả hai vụ trong năm ở các tỉnh phía Bắc (xuân muộn, mùa sớm); thời gian sinh trưởng vụ Xuân từ 128 - 130 ngày, vụ Mùa từ 105 -107 ngày; giống lúa có chiều cao cây từ  110 - 115 cm, đẻ nhánh trung bình đạt 5 - 6 bông hữu hiệu/ khóm, cứng cây, chống đổ tốt; năng suất trung bình đạt 65 - 70 tạ/ha.

Mô hình sản xuất thử giống lúa QP-5 ngắn ngày năng suất cao, chất lượng được triển khai thực hiện với quy mô 120 ha trong 02 vụ Xuân và Mùa tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, xã Đại Đức, huyện Kim Thành và xã Hồng Đức, huyện Ninh Giang. Giống QP-5 do GS. TSKH Trần Duy Quý, Trần Duy Dương, Trần Duy Vương và cộng sự chọn tạo, được chọn tạo từ giống ST19 bằng phương pháp xử lý tia gamma nguồn Co60 liều lượng 250Gy trên hạt khô độ ẩm hạt 13% từ 2009.  Giống QP-5 là giống lúa thuần, chất lượng gạo ngon, cảm ôn, dạng khóm chụm, bộ lá đứng màu xanh trung bình, sinh trưởng và phát triển tốt, đẻ nhánh khá, trổ tập trung, thời gian sinh trưởng vụ Xuân từ 130 - 135 ngày, vụ Mùa từ 100 - 105 ngày, chiều cao cây từ 100 - 105 cm; cho năng suất cao, vụ Xuân đạt 70 tạ/ha, vụ Mùa đạt 64 tạ/ha, ít sâu bệnh đặc biệt là khả năng kháng được bệnh đạo ôn trong vụ Xuân.

Căn cứ nhu cầu và khả năng tiếp thu công nghệ, điều kiện sản xuất, khả năng tổ chức thực hiện của cán bộ địa phương, Trung tâm đã phối hợp với địa phương lựa chọn được 06 vùng tại 06 xã triển khai mô hình với quy mô 10 ha/vùng/mô hình/xã, trung bình mỗi một mô hình có từ 80 - 130 hộ nông dân tham gia.

Song cùng với việc lựa chọn vùng sản xuất và các hộ nông dân tham gia mô hình, Trung tâm đã coi trọng công tác tập huấn, phổ biến kiến thức, chuyển giao kỹ thuật thâm canh giống lúa mới cho các hộ nông dân trong và ngoài vùng sản xuất được lựa chọn. Giảng viên lớp tập huấn tập trung phổ biến, hướng dẫn các nội dung: về nguồn gốc, đặc điểm chính của giống lúa áp dụng, kỹ thuật canh tác giống mới, một số yêu cầu chính phải áp dụng nghiêm ngặt theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật trong quá trình thực hiện mô hình. Thông qua các lớp tập huấn chuyển giao, các đại biểu và người dân tham gia đãđược nâng cao nhận thức về việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nói chung, thâm canh giống lúa mới tiến bộ kỹ thuật nói riêng, hiểu biết về phương thức sản xuất lúa tập trung, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh.

Trong quá trình triển khai xây dựng mô hình, tiếp xúc với cán bộ kỹ thuật cơ sở và người nông dân, Trung tâm thấy rằng đa số người nông dân có ý thức tổ chức tốt, ham học hỏi, mạnh dạn, sôi nổi thảo luận và đưa ra những đề xuất giải pháp tốt cho từng nội dung, biện pháp kỹ thuậtsản xuất.Tuy nhiên, cá biệt vẫn còn một số hộ chưa chấp hành và thực hiện tốt quy trình kỹ thuật thâm canh lúa cũng như các yêu cầu kỹ thuật đưa ra trong quá trình sản xuất mà người cán bộ kỹ thuật chỉ đạo. Quá trình triển khai xây dựng mô hình, cán bộ chuyển giao cũng đã nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của bà con nông dân về giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất lúa có khả năng thực hiện tại địa phương, làm tư liệu để đề xuất các nhiệm vụ dịch vụ công khác trong thời gian tới.

Để nâng cao hiệu quả chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ về giống lúa mới vào các địa phương trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, hằng năm cần tiến hành khảo sát để xác định nhu cầu đào tạo, tập huấn, bồi dưỡngkiến thức và thông tin tuyên truyềnvề ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nói chung cũng như tiến bộ kỹ thuật về giống lúa mới nói riêng. Các tổ chức khoa học và công nghệ nên định hướng các tiến bộ kỹ thuật áp dụng có tính phù hợp với điều kiện sản xuất và các vùng sản xuất chuyên canh trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, nhu cầu của thị trường đòi hỏi ngày một cao về sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và an toàn với người sử dụng. Chính vì vậy, người dân tại một số địa phương có nhu cầu đào tạo, tập huấn, bồi dưỡngkiến thức, thông tin tuyên truyềnvà ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ đối với sản xuất lúa theo hướng an toàn nói riêng cũng như sản xuất các sản phẩm rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP, chăn nuôi lợn áp dụng chế biến thức ăn tại chỗ, nuôi cá nước ngọt theo hướng an toàn với việc sử dụng đồng bộ một số chế phẩm sinh học trong xử lý đáy, nước ao nuôi. Ngoài ra, một số nhu cầu khác cũng bước đầu được một số địa phương đề cập: Các biện pháp canh tác tiến bộ, sử dụng các chế phẩm sinh học, sản xuất phân hữu cơ tại chỗ, hệ thống tưới nước tiên tiến, thu hoạch, sơ chế, bảo quản và chế biến sau thu hoạch; sản xuất trong nhà màng áp dụng giống mới, phương pháp canh tác giá thể, khí canh, thủy canh, cung cấp dinh dưỡng tự động, điều khiển tự động hóa, … đối với sản xuất rau, củ, quả.

Nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập ổn định cho người dân tại các địa phương góp phần giữ vững và phát huy kết quả của việc xây dựng thành công nông thôn mới là nhiệm vụ không chỉ của người dân mà còn là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các tổ chức khoa học và công nghệ công lập và toàn xã hội.

 

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.