Khoa học quản lý (số 1-2018) 2018-02-17 12:40:59

Huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương có gần 4.000 ha cây ăn quả, chủ yếu là các loại cây vải, nhãn, ổi, cam, bưởi. Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên và trình độ kỹ thuật thâm canh, một số loại cây ăn quả của huyện Thanh Hà đã trở thành cây trồng thế mạnh, đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân, trong đó đặc biệt là vải thiều Thanh Hà và bưởi đào Thanh Hồng.

Theo ông Đào Văn Liêm, Chủ tịch UBND xã Thanh Hồng, cây bưởi đào được trồng ở cả 3 thôn là: Tiên Kiều, Nhan Bầu, Lập Lễ của xã Thanh Hồng với tổng diện tích trên 100 ha, trong đó tập trung chủ yếu tại thôn Lập Lễ với hơn 70% diện tích. Năm 2015 và 2016 là những năm liên tiếp bưởi đào Thanh Hồng mất mùa khiến người trồng bưởi không khỏi hoang mang, lo lắng. Sang năm 2017, cây bưởi đào đã có sự khởi sắc, năng suất bưởi đào tăng từ 9 tạ/ha (2015) lên 4 tấn/ha (2017). Tổng sản lượng thu hoạch bưởi đào của toàn xã tăng từ 90.000 tấn lên 480.000 tấn/ha. Mùa thu hoạch bưởi đào từ tháng 7 đến hết tháng 10 âm lịch hàng năm. Thời điểm thu hoạch đầu vụ, bưởi đào bán được giá từ 20.000 đồng/quả còn vào thời điểm chính vụ, giá bán bưởi đào đạt 14.000 - 18.000 đồng/quả. Thị trường tiêu thị bưởi đào Thanh Hồng là các địa phương trong tỉnh Hải Dương và một số thị trường tỉnh ngoài như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.

Bưởi đào Thanh Hồng có chất lượng thơm ngon lại cho thu hoạch từ vụ sớm nên rất được giá bán. Ông Ngô Hồng Quảng ở thôn Lập Lễ xã Thanh Hồng là một hộ sản xuất điển hình ở địa phương với kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc nên quả bưởi trong vườn nhà ông Quảng luôn có mẫu mã và chất lượng vượt trội so với các gia đình khác trong thôn nên thương lái rất ưa chuộng và ưu tiên đặt mua. Cây bưởi đào trong vườn nhà ông lâu năm nhất cũng đã trên 20 năm. Những năm được mùa, vườn bưởi đào của gia đình ông có cây cho thu hoạch trên 1.000 quả, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hai năm trước đây, vườn bưởi đào của gia đình ông cũng chung tình trạng mất mùa của địa phương nên sản lượng thu hoạch thấp. Năm nay, năng suất bưởi đào đã cao hơn, 45 cây bưởi đào của gia đình ông cho thu hoạch khoảng 9.000 quả. Với giá bán dao động khoảng 16.000 - 17.000 đồng/quả, vườn bưởi đào của gia đình ông cho thu nhập khoảng trên 100 triệu đồng. Còn đối với gia đình anh Phạm Văn Dung ở thôn Lập Lễ, trên diện tích 1 mẫu vườn với trên 100 gốc bưởi đào Thanh Hồng, anh thu hoạch được hơn 1 vạn quả. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh có nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng.

Bên cạnh nguồn thu nhập từ thu hoạch quả, mấy năm gần đây người trồng bưởi đào Thanh Hồng còn có thêm một nguồn thu từ nhân giống cây bưởi đào với mức thu hàng chục triệu đồng mỗi năm. Tại vườn trồng bưởi của gia đình ông Quảng, lượng cây giống chiết cành đều là hàng đặt của khách hàng ở tỉnh Quảng Ninh, Sơn La và trong tỉnh Hải Dương. Ông luôn lựa chọn cành giống từ những cây mẹ khỏe mạnh, cho năng suất quả tốt để nhân giống, cung cấp cho các hộ dân. Ngoài ra, ông Quảng còn trồng gừng, quất, ổi xen canh với vườn bưởi đào, vừa để che phủ mặt đất ngăn cỏ dại, vừa tăng thu nhập cho gia đình để lấy ngắn nuôi dài. Ông cho biết, thu hoạch gừng từ vườn trồng bưởi xen canh cho năng suất 8 - 10 tạ/sào, với giá bán dao động từ 10.000 - 18.000 đồng/kg, trồng gừng cho thu nhập 8 - 10 triệu đồng/sào.

Mặc dù là giống cây được đưa từ nơi khác về trồng, song do hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, cây bưởi đào đã bén duyên với người dân Thanh Hồng, trở thành cây trồng của địa phương với những nét đặc trưng đó là bưởi đến kỳ thu hoạch có màu vàng nhạt, trong cùi và múi có màu hồng đặc trưng, khi ăn có vị ngọt dịu và ít hạt. Theo kết quả nghiên cứu đề tài khoa học công nghệ do Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì thực hiện, bưởi đào Thanh Hồng là loại cây trồng có khả năng sinh trưởng tốt, chống chịu sâu bệnh cao, năng suất cao ổn định, độ đồng đều quả cao, thích hợp với sản xuất hàng hóa. Vì vậy, tỉnh Hải Dương đã công nhận 10 cây bưởi đào ở thôn Lập Lễ là cây đầu dòng, cho phép khai thác mắt ghép và chiết cành phục vụ nhân giống sản xuất. Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương cũng đã hỗ trợ địa phương đăng ký nhãn hiệu tập thể cho bưởi đào Thanh Hồng. Hội Nông dân xã đã thống nhất nội dung quy chế về kỹ thuật trồng, chăm bón, quản lý nhãn hiệu tập thể để hướng dẫn cho các hộ trồng bưởi thực hiện.

Nhờ những ưu thế về chất lượng sản phẩm, năm 2017, bưởi đào Thanh Hồng lần đầu tiên được Công ty TNHH Một thành viên Rau củ quả an toàn Thanh Hà đưa vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị BigC khắp miền Bắc. Sản lượng tiêu thụ trung bình khoảng 1 tạ/ngày, đến nay Công ty đã đưa hơn 3 tấn bưởi đào Thanh Hồng vào siêu thị, với mức giá tương đương với giá bán ngoài thị trường. Ngoài ra, bưởi đào Thanh Hồng rất được ưa chuộng và được tiêu thụ thuận lợi tại các thị trường trong tỉnh Hải Dương và các tỉnh Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh. Là loại cây ăn quả lâu năm, cây bưởi đào cũng đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh một cách khoa học để tạo được sản phẩm có chất lượng ngon, mẫu mã đẹp và an toàn cho người tiêu dùng.
Bài của Nguyễn Thị Ánh
đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 1 ra tháng 2/2018

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.