Lĩnh vực XHNV 2008-12-26 17:57:42

ĐỀ TÀI ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP KẾT HỢP PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VỚI QUỐC PHÒNG - AN NINH THỜI KỲ CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG

Chủ nhiệm đề tài: Đại tá Trần Công Cửu, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hải Dương.

 

Cơ quan chủ trì thực hiện: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hải Dương.

Thời gian thực hiện: Từ tháng 3/2002 đến tháng 3/2003.

Kết quả nghiệm thu, xếp loại: Xuất sắc.

I. MỤC TIÊU

Tổng kết thực tiễn, đánh giá thực trạng kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh trong những năm qua trên địa bàn tỉnh; Đề ra những nội dung và giải pháp thực hiện kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, góp phần xây dựng Hải Dương giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng - an ninh.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Thực trạng phát triển kinh tế - xã hội kết hợp củng cố quốc phòng - an ninh của tỉnh Hải Dương.

1.1. Thực trạng kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh trong các ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn tỉnh:

Năm 2002 tổng sản phẩm GDP đạt 6.159 tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2001. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Tuy nhiên ngành công nghiệp chưa có khả năng sản xuất các chủng loại hàng phục vụ quốc phòng - an ninh có yêu cầu kỹ thuật cao như súng bộ binh và các phương tiện kỹ thuật khác. Các xí nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa có quy chế cụ thể khi cần huy động cho quốc phòng, đến nay mới có 1/35 cơ sở và 2 công ty cổ phần xây dựng đội tự vệ. Việc phân bố các khu công nghiệp chưa đồng đều trên phạm vi toàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở thành phố Hải Dương và trục đường giao thông chính, số rất ít ở khu vực phía Nam của tỉnh.

Sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn tiếp tục phát triển. Phong trào đô thị hoá nông thôn đã hình thành các bờ tường xây bao quanh làng thay cho những luỹ tre làng, tác động đến thế trận quốc phòng ở nông thôn. Hệ thống giao thông thủy, bộ được xây dựng và nâng cấp đạt chất lượng tốt. Tuy nhiên, mạng lưới giao thông nông thôn và tuyến huyện mặt đường hẹp, tải trọng cầu thấp, việc cơ động của các loại xe chuyên dùng quân sự khó khăn. Sự hình thành các thị tứ theo trục đường giao thông tác động đến bố trí thế trận quốc phòng - an ninh của tỉnh. Hệ thống bưu chính viễn thông phát triển nhanh theo hướng hiện đại hoá phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh của tỉnh.

Qua khảo sát 16 cơ sở, gồm 7 doanh nghiệp quốc doanh và 9 doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, công ty TNHH và cơ sở sản xuất đều mạnh dạn đầu tư vốn, đa dạng hoá ngành nghề, sản xuất kinh doanh có lãi, hoàn thành nghĩa vụ với nhà nước. Hình thành nên các cơ sở có tính "lưỡng dụng", phục vụ quốc phòng khi cần thiết. Tuy nhiên, trình độ sản xuất còn thấp, khả năng huy động cho quốc phòng đối với xí nghiệp quốc doanh thuận lợi hơn các cơ sở ngoài quốc doanh.

Đối với thành phố Hải Dương, các huyện Nam Sách, Chí Linh, Kinh Môn, Cẩm Giàng, Kim Thành (nơi có trục giao thông chính) đang hình thành các khu công nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên một số cơ sở sản xuất gần với mục tiêu cần bảo vệ như cầu cống, đầu mối giao thông, tác động đến thế trận phòng thủ trên địa bàn trọng điểm. Việc khai thác khoáng sản đảm bảo yêu cầu sản xuất, nhưng làm thay đổi địa hình không có lợi cho quốc phòng - an ninh. Đến nay chưa có công trình ngầm trên địa bàn thành phố đáp ứng yêu cầu quốc phòng - an ninh trong điều kiện mới.

1.2. Thực trạng trong lĩnh vực xã hội:

- Về giáo dục: Những năm gần đây chất lượng giáo dục quốc phòng trong các trường phổ thông đã được nâng lên, có sự hướng nghiệp cho học sinh phổ thông trung học hiểu biết về các trường sỹ quan trong quân đội, vì vậy số học sinh thi vào các trường quân sự ngày càng tăng.

 - Về y tế: Việc chăm sóc sức khoẻ cộng đồng được cải thiện, các cơ sở y tế từ trạm xá cấp xã đến bệnh viện cấp tỉnh đã được củng cố, phát triển, đội ngũ y, bác sỹ ngày càng tăng cả về số lượng, chất lượng. Tuy nhiên ở các tuyến cơ sở còn nhiều khó khăn, nhất là trang thiết bị y tế, cơ sở tuyến xã chỉ có thể tiếp nhận 6 - 12 ca và thực hiện sơ cứu ban đầu trước khi chuyển lên cấp trên.

- Năm 2002 giải quyết việc làm cho 2,4 vạn lao động. Trong 5 năm 1997-2002 đã đưa 1.674 hộ với 7.532 nhân khẩu đi xây dựng vùng kinh tế mới. Tuy nhiên, phân bố dân cư không đồng đều đã tác động đến thế trận quốc phòng - an ninh của tỉnh.

1.3. Thực trạng trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh:

- Đã xây dựng chương trình quốc phòng - an ninh, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội.

- Nền quốc phòng và thế trận quốc phòng toàn dân được củng cố ngày càng vững chắc. Hệ thống các văn kiện kế hoạch A, A2, A4 được bổ sung, điều chỉnh. Chất lượng và sức chiến đấu của lực lượng thường trực được nâng lên; dân quân - tự vệ được củng cố và phát triển; lực lượng dự bị động viên đảm bảo xếp đủ 32 đầu mối đơn vị với chất lượng tốt; lực lượng vũ trang luôn vững vàng về tư tưởng. Các hoạt động quốc phòng, quân sự địa phương luôn gắn chặt với lực lượng an ninh nhân dân. Tuy nhiên, việc quản lý giáo dục quốc phòng trong các trường cao đẳng, dạy nghề chưa được chú trọng đúng mức; chất lượng diễn tập quốc phòng - an ninh ở một số cấp cơ sở chưa cao.

- Phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển sâu rộng, các mô hình liên kết bảo vệ, phong trào tự quản, cụm an toàn, làng an toàn về an ninh trật tự... ngày càng có hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, tình hình cơ sở còn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định, một số tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp, trong đó lực lượng thanh niên đang ở độ tuổi làm nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc.

1.4. Đánh giá chung:

* Ưu điểm:

Trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã quan tâm đến việc kết hợp quốc phòng - an ninh. Tích cực đổi mới trang bị, công nghệ sản xuất trong các nhà máy, xí nghiệp; ngoài sản xuất phục vụ kinh tế - xã hội còn có khả năng cung cấp một số mặt hàng phục vụ quốc phòng - an ninh.

Nông thôn ngày một đổi mới, phong trào đô thị hoá nông thôn, kiên cố hoá kênh mương, phát triển giao thông nông thôn... đã gắn với quốc phòng - an ninh, với kế hoạch tác chiến phòng thủ địa phương.

Nền quốc phòng - an ninh, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc. Triển khai chương trình quốc phòng - an ninh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII bước đầu đạt kết quả tốt. Khả năng sẵn sàng chiến đấu và sức mạnh chiến đấu của Quân đội và Công an được nâng lên.

* Những tồn tại:

Nhận thức về kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh ở một số ít cán bộ và nhân dân còn hạn chế, trong tỉnh còn có điểm phức tạp, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhân tố gây mất ổn định.

2. Nội dung giải pháp kết hợp kinh tế với quốc phòng:

 - Xác định nội dung kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh bao gồm: Kết hợp trong quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh trên các vùng, địa bàn, lãnh thổ. Kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh trong các lĩnh vực, ngành trọng điểm. Xây dựng lực lượng và thế trận quốc phòng địa phương. Xây dựng về lực lượng và thế trận an ninh nhân dân.

- Xây dựng các giải pháp kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh trong thời kỳ đổi mới (giai đoạn 2003 - 2020):

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền trong quá trình kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh; Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng nói chung, kiến thức kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh nói riêng đối với các cấp uỷ Đảng, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương; Xây dựng quy hoạch tổng thể và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội kết hợp với quốc phòng - an ninh; Xây dựng tỉnh thành khu vực phòng thủ vững chắc, là điều kiện bảo đảm môi trường ổn định, là nhân tố thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với quốc phòng - an ninh; Xây dựng cơ chế chính sách nhằm bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với củng cố quốc phòng - an ninh của địa phương ngày càng vững mạnh.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Hàng năm, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức hội nghị thảo luận các nội dung nhằm phối hợp trong việc áp dụng kinh tế với quốc phòng ở địa phương. Tuy nhiên, hiện nay việc áp dụng kết quả các giải pháp chưa được tốt, chưa có sự phối hợp giữa Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh với các ngành có liên quan khi xây dựng các công trình dân dụng gắn với phương án phòng thủ của tỉnh.

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.