Lĩnh vực XHNV 2008-12-26 17:36:15

ĐỀ TÀI PHONG TỤC, TẬP QUÁN VÀ LỄ HỘI TIÊU BIỂU Ở TỈNH HẢI DƯƠNG

Chủ nhiệm đề tài: Cử nhân Trần Ngọc Minh, Phó giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin.

Cơ quan chủ trì và thực hiện: Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh Hải Dương.

Thời gian thực hiện: Năm 2000 - 2001.

Đề tài đã được tổng kết.

I. MỤC TIÊU

Khảo sát các khu vực cộng đồng cư dân và các lễ hội tiêu biểu của tỉnh; tìm hiểu, ghi chép các phong tục, tập quán; xác định các thuần phong mỹ tục, các giá trị văn hoá tốt đẹp để bảo tồn và phát huy. Tuyên truyền vận động nhân dân từng bước loại bỏ những hủ tục ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Nghiên cứu về phong tục, tập quán điển hình của tỉnh.

- Thành phố Hải Dương là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, quân sự của tỉnh Hải Dương và được công nhận là thành phố loại 3 trực thuộc tỉnh năm 1997 với 11 phường, 02 xã. Phong tục tập quán của thành phố đang kế thừa và phát huy những thuần phong, mỹ tục trong nhiều thế kỷ qua của tỉnh Hải Dương. Dân cư đa số theo đạo Phật, tín ngưỡng truyền thống thờ tổ tiên và người có công với nước. Chỉ có khoảng 3% theo Công giáo và một số ít theo đạo Tin lành.

- Xã Hoàng Hoa Thám là xã miền núi thuộc huyện Chí Linh, năm 2000 dân số 2.482 người, gồm 6 dân tộc: Kinh, Hoa, Tày, Cao Lan, Sán Dìu và Khơ-me. Các dân tộc thiểu số đã giao lưu kinh tế, văn hoá, xã hội với người Kinh và các dân tộc anh em khác để cùng phát triển, có nhiều phong tục, tập quán tương đồng với người Kinh. Tuy nhiên mỗi dân tộc thiểu số ở đây còn lưu lại một số phong tục tập quán riêng đặc trưng.

- Làng Vạn Yên thuộc xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh. Nơi đây để lại nhiều dấu ấn và giai thoại lịch sử. Đây là vùng tiếp giáp trấn Kinh Bắc xưa, vùng cửa sông, sơn cước. Hơn thế nơi đây là hương Vạn Kiếp, nơi Trần Hưng Đạo đóng đại bản doanh chống Nguyên Mông xâm lược, sau đó ông lập vương phủ sống tại đây cho tới khi qua đời năm 1300. Vạn Yên nay có Đền Kiếp Bạc thờ đức Thánh Trần.

- Làng Thượng Chiểu thuộc xã Tân Dân, huyện Kinh Môn. Đây là một xã của khu đảo Kinh Môn, nơi có tập đoàn núi đá vôi, nhiều hang động, sông ngòi như màng nhện. Thượng Chiểu có lịch sử lâu đời, có dấu vết văn hoá Đông Sơn, nhiều hang động có cảnh quan kỳ thú.

- Xã Thanh Hồng là một trong số 6 xã khu đảo Hà Đông thuộc huyện Thanh Hà, được khai phá, lập thành làng cách ngày nay khoảng 1000 năm, là vùng đất cổ của tỉnh Hải Dương, là một trong những nơi có vải thiều đặc sản nổi tiếng.

- Thôn Hội Xuyên là một trong số 6 thôn thuộc thị trấn Gia Lộc, nơi có chợ Cuối là chợ vùng quê lớn và nổi tiếng nhất tỉnh và có nhiều di tích lịch sử, văn hoá có giá trị. Hội Xuyên là quê hương của Nguyễn Chế Nghĩa, danh tướng thời Trần. Di tích thờ ông đã được xếp hạng quốc gia. Ngày 27 tháng 8 âm lịch là ngày mất của ông cũng là ngày hội truyền thống của địa phương.

- Bến Trại nằm ở phía Nam huyện Thanh Miện thuộc xã Tiền Phong ở vị trí tiếp giáp của ba tỉnh: Hải Dương, Thái Bình và Hưng Yên. Bến Trại từ lâu đã như là một thị tứ ở một bến sông, đầu thế kỷ XX còn có tên gọi là Bồng Trang Trại. Bến Trại trước đây mọc lên một phố nhỏ người Hoa, chủ yếu buôn bán gạo. Họ xây dựng 2 cầu tầu bằng gỗ lim. Người Hoa còn xây dựng một cổng lớn gọi là Cổng Tùng và một Hội quán. Hàng năm có 2 kỳ lễ hội: ngày 20 tháng giêng và ngày 16 tháng 11 âm lịch.

- Xã Tân Trào thuộc huyện Thanh Miện là một vùng quê văn hiến, nơi có nhiều người đỗ đạt đại khoa, trong đó có dòng họ Trần 4 đời đỗ tiến sỹ, người đỗ đầu tiên là cụ Trần Văn Hoán, sau khi qua đời được tôn là Thành hoàng.

- Thị trấn Nam Sách thuộc huyện Nam Sách là địa danh ghi nhận sớm trong lịch sử dân tộc và Nam Sách là huyện có có số tiến sỹ nho học nhiều nhất nước tính theo đơn vị huyện (125 người), riêng thị trấn Nam Sách có 1 trạng nguyên, 1 bảng nhãn, 6 hoàng giáp, 9 đồng tiến sỹ. Thị trấn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá lâu đời của huyện.

- Quý Cao là một thôn thuộc xã Nguyên Giáp, ở vị trí cực Nam của huyện Tứ Kỳ, nằm ở ngã ba sông Thái Bình và sông Luộc, là nơi tiếp giáp của 3 tỉnh Hải Dương, Hải Phòng và Thái Bình. Quý Cao có nhiều nét văn hoá chung của khu Nam huyện Tứ Kỳ. Đa số người dân ở đây theo đạo Phật, một số theo Công giáo.

- Xứ đạo Kẻ Sặt, thuộc huyện Bình Giang là một trung tâm tôn giáo và kinh tế lớn của tỉnh, giữ vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế và tôn giáo của địa phương. Thiên chúa giáo du nhập vào đây khoảng năm 1523, năm 1630 lập thành giáo xứ. Trước ngày miền Bắc được giải phóng, Kẻ Sặt có 1.000 dân và là vùng Công giáo toàn tòng. Cuộc sống hàng ngày của giáo dân từng việc đều có quy ước cụ thể và thực hiện theo quy ước nghiêm chỉnh.

- Thị trấn Ninh Giang thuộc huyện Ninh Giang là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá thế kỷ XV. Ninh Giang từng là lỵ sở của phủ Hạ Hồng, thị xã trong kháng chiến chống Pháp. Đầu thế kỷ XX đây là một trung tâm xuất khẩu gạo lớn ở Bắc kỳ, nơi sản sinh đặc sản bánh gai nổi tiếng. Thị trấn có tới 11 cơ sở tín ngưỡng và tôn giáo, trong đó có 1 nhà thờ Công giáo, 1 nhà thờ Tin lành. Phong tục tập quán ở đây không khác mấy ở thành phố Hải Dương và vùng lân cận.

2. Nghiên cứu về lễ hội tiêu biểu của tỉnh.

- Lễ hội đền Kiếp Bạc, xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh: bắt nguồn từ kỷ niệm ngày mất của Trần Hưng Đạo, ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý (1300). Lễ hội xưa bắt đầu từ ngày 16/8 đến ngày 20/8 âm lịch. Nay đã khác, hội bắt đầu sớm hơn và kết thúc muộn hơn, tuy nhiên trọng hội vẫn là ngày 18/8 âm lịch. Nay khách không chỉ đến Kiếp Bạc vào ngày hội mà quanh năm suốt tháng khách thập phương về chiêm bái với số lượng ngày càng đông. Đền Kiếp Bạc còn có ngày lễ thứ hai vào ngày 28/9 âm lịch, ngày mất của Thiên Thành công chúa, phu nhân của Đại vương, nhưng ngày này không thành hội mà chỉ có hai làng sở tại tổ chức tế lễ và một số đoàn khách xa. Đền được Nhà nước xếp hạng di tích đặc biệt quan trọng.

- Lễ hội Côn Sơn, xã Cộng Hoà, huyện Chí Linh: Côn Sơn là di tích danh thắng được lịch sử ghi nhận tử 7 thế kỷ trước. Đây là chốn Phật tổ của thiền phái Trúc Lâm Việt Nam, nơi quan đại tư đồ Trần Nguyên Đán dựng Thanh Hư Động vào thời Long Khánh (1373-1377), nơi Nguyễn Trãi sống thời niên thiếu và những năm cuối đời. Khu di tích được Nhà nước xếp hạng đặc biệt quan trọng.

Hội mùa xuân bắt nguồn từ kỷ niệm ngày mất của Trúc Lâm đệ tam tổ Huyền Quang vào ngày 22 tháng Giêng âm lịch. Hội mùa thu bắt nguồn từ kỷ niệm ngày mất của Nguyễn Trãi (ngày 16 tháng Tám âm lịch). Hội mùa xuân có từ sau khi Huyền Quang qua đời (năm 1334), hiện nay hội mùa xuân kéo dài hết tháng Giêng nhưng trọng hội vẫn vào ngày 18. Hội mùa thu hình thành từ năm 1962, thực sự trở thành hội lớn từ năm 1980 khi Nguyễn Trãi được tôn vinh Danh nhân văn hoá thế giới. Hội mùa thu trùng với hội Kiếp Bạc, đây là một thứ hội kép, hội liên danh Côn Sơn - Kiếp Bạc bởi 2 khu di tích chỉ cách nhau khoảng 6 km và đường đi thuận tiện.

- Lễ hội chùa Minh Khánh, thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Hà: Chùa có từ cuối thế kỷ XIII, được trùng tu, tôn tạo nhiều lần, đến đầu thế kỷ XX đã có 84 gian gồm: tam quan, tiền đường, tam bảo, điện Phật, nhà tăng, nhà khách, hành lang. Chùa thờ Phật và thờ Trần Nhân Tông. Chùa có kiến trúc đẹp nên được Toàn quyền Đông Dương quyết định xếp hạng ngày 26/5/1925. Hội chùa Minh khánh bắt nguồn từ kỷ niệm ngày mất của Trần Nhân Tông (ngày 1 tháng 11 âm lịch).

- Hội pháo đất xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ: Trong các trò chơi dân gian, pháo đất có lịch sử khá sớm, tồn tại trên phạm vi rộng ở đồng bằng Bắc bộ. Tại xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ, trò chơi pháo đất được toàn dân hưởng ứng và trở thành lễ hội mùa xuân hàng năm gắn liền với hội chùa Đông Dương. Trò chơi pháo đất hiện có ở các xã Minh Đức, Quang Khải (Tứ Kỳ), Nghĩa An, Ứng Hoè, Bồ Dương, Kiến Quốc (Ninh Giang). Các xã này thường tổ chức đấu giao hữu nhưng sôi nổi nhất vẫn là xã Minh Đức.

- Lễ hội đền Cuối, thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc: Đền Cối Xuyên nôm gọi là đền Cuối thờ Nguyễn Chế Nghĩa một danh tướng thời Trần. Hội đền bắt nguồn từ kỷ niệm ngày mất của Nguyễn Chế Nghĩa ngày 27/8 âm lịch. Hội diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 26 đến ngày 28/8 âm lịch. Trong ngày hội ba làng Đại Liễu, Hội Xuyên, Vĩnh Dụ đều tổ chức rước kiệu vào bãi Bái Quan để tế lễ, hôm sau lại rước về làng. Trong những ngày hội, có nhiều loại cỗ cúng Đại vương. Làng có 12 giáp, mỗi giáp làm một cỗ. Hội còn có các trò chơi dân gian như đấu vật, đánh thó hay còn gọi là đánh gậy.

- Lễ hội chùa Muống, xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành: Chùa Muống tên tự là Quang Khánh tự ở tả ngạn sông Văn Úc. Chùa được xây dựng rất sớm, đến thời Trần do sư Tuệ Nhẫn, một môn đệ của thiền phái Trúc Lâm chủ trì xây dựng hoành tráng. Đến thời Nguyễn chùa có 120 gian, 32 tháp, hàng trăm pho tượng cổ và nhiều bia ký có giá trị. Do chiến tranh chùa bị tàn phá hoàn toàn, hoà bình lập lại ở miền Bắc chùa được xây lại một phần, riêng các tháp còn nguyên. Hội chùa Muống bắt nguồn từ kỷ niệm ngày mất của sư Tuệ Nhẫn và được tổ chức từ thế kỷ XIV, mang 2 yếu tố Thần và Phật. Thông lệ hội tổ chức từ ngày 24 đến ngày 27 tháng Giêng hàng năm.

- Lễ hội chùa Trông, xã Hưng Long, huyện Ninh Giang: Chùa Trông nguyên có tên là chùa Tông do Nguyễn Minh Không thiền sư xây dựng từ thời Lý (thế kỷ XI). Chùa thờ Phật và sau khi Nguyễn Minh Không mất được ở đây. Hội chùa Trông bắt nguồn từ kỷ niệm ngày mất của thiền sư Nguyễn Minh Không, hội được tổ chức vào trung tuần tháng 3 âm lịch. Hội thường tổ chức rước, lễ tế và các trò chơi dân gian kéo dài ba, bốn ngày.

- Lễ hội đền Quát, thôn Hạ Bì, xã Yết Kiêu, Gia Lộc: Đền thờ Yết Kiêu một gia nô trung thành của Trần Hưng Đạo, tại tả ngạn sông Đò Đáy. Sau khi Yết Kiêu qua đời được lập đền thờ và tôn làm Thành hoàng. Lễ hội tổ chức ngày mất của ông vào rằm tháng Giêng âm lịch. Lễ hội được tổ chức tại đình làng ngoài phần rước, tế lễ còn có trò chơi dân gian.

- Lễ hội đền Sượt, làng Thanh Cương, phường Thanh Bình, thành phố Hải Dương: được xây dựng từ sau khi Đại vương Vũ Hựu qua đời. Công trình mang dấu ấn kiến trúc thế kỷ XIX. Di tích được Nhà nước xếp hạng năm 1992. Lễ hội đền Sượt được tổ chức vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm nhân kỷ niệm ngày sinh của Đại vương, hội kéo dài tới ngày 20/3. Trong những ngày lễ hội có tục đánh bệt tức đánh hổ.

- Lễ hội chùa Giám, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng: được xây dựng từ thời Lý, đến cuối thế kỷ XVII được tôn tạo. Tuy bị chiến tranh tàn phá nhưng những công trình chính vẫn còn đến nay như: Tiền đường, tam bảo, nhà phẩm. Chùa Giám đã được Nhà nước xếp hạng năm 1974. Chùa Giám, đền Bia, và đền Xưa là ba di tích có quan hệ mật thiết gắn liền với đại danh y Tuệ Tĩnh. Lễ hội chùa Giám là một hình thức kỷ niệm Đại danh y và tổ chức hàng năm vào ba ngày từ ngày 13 - 15/2 âm lịch.

- Lễ hội đình Vạn Niên, thị trấn Nam Sách: thờ Thành hoàng là Nguyễn Quý Minh, người có công trong sự nghiệp bảo vệ đất nước thế kỷ XVII. Đình được xây dựng vào cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII theo kiểu tiền nhất hậu đinh và được xếp hạng quốc gia năm 1992. Lễ hội được tổ chức vào ngày 12 tháng giêng hàng năm. Trong lễ hội có lễ nghi truyền thống và nhiều trò vui, trong đó có trò xông hệ tái hiện lại chiến thắng của tướng quân.

- Lễ hội đền Tranh, xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang: là một ngôi đền lớn thờ nhân vật mang tính huyền thoại, hàng năm có 2 mùa lễ hội lớn vào tháng 2 và tháng 5 âm lịch. Hội tháng 2, trọng hội vào ngày 14, ngày sinh của quan lớn Tuần Tranh. Hội tháng 5, trọng hội vào ngày 20, ngày hoá của đức thánh. Hội đền Tranh ngoài phần lễ còn có tiết mục hát chầu văn.

- Lễ hội xứ đạo Kẻ Sặt, huyện Bình Giang: Mỗi năm giáo xứ có 4 mùa lễ hội: Lễ Giáng sinh vào ngày 25/12; lễ phục sinh vào tháng 2 hoặc tháng 3 tuỳ theo năm nhuận hay không; lễ dâng hoa vào tháng 5, tháng 6; lễ cầu hồn vào ngày 01 tháng 11. Trong 4 lễ của một năm chỉ có lễ giáng sinh là lễ trọng.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh đã: Áp dụng triển khai ghi hình các lễ hội và khôi phục lại một số lễ hội chính ở các khu di tích lịch sử, văn hoá và các lễ hội tiêu biểu như: Hội Đền Kiếp Bạc, Đền Sượt, Chùa Minh Khánh...

- Nâng cao chất lượng quản lý lễ hội và giảm thiểu các hủ tục, tiêu cực.

- Chuyển tải kết quả nghiên cứu phong tục tập quán, lễ hội vào Địa chí Hải Dương và nội dung phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá.

Ông Trần Ngọc Minh, Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh Hải Dương.

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.