Lĩnh vực XHNV 2008-12-26 18:00:30

ĐỀ TÀI SỰ XÂM NHẬP, PHÁT TRIỂN CỦA CÁC "TÀ ĐẠO", "ĐẠO LẠ" TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH, NHỮNG VẤN ĐỀ XÃ HỘI CẦN QUAN TÂM

Chủ nhiệm đề tài: Cử nhân Nguyễn Văn Quang, Phó Ban trường trực, Ban Tôn giáo tỉnh Hải Dương.

 

 Cơ quan chủ trì, thực hiện: Ban Tôn giáo tỉnh Hải Dương.

Thời gian thực hiện: Năm 2002.

Kết quả nghiệm thu, xếp loại: Khá.

I. MỤC TIÊU

- Thống kê về số lượng, làm rõ thực chất, phạm vi ảnh hưởng, quá trình xâm nhập, phát triển, nguyên nhân phát sinh, tin theo các "Đạo lạ", "Tà đạo" và những tác động của nó tới tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa - xã hội trên địa bàn tỉnh.

- Dự báo xu hướng phát triển, đề xuất các giải pháp tuyên truyền, vận động, ngăn chặn xử lý các "Đạo lạ", "Tà đạo", nhằm góp phần đảm bảo các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo lành mạnh hợp pháp, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội ở các địa phương và trong toàn tỉnh.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Tình hình "Đạo lạ", "Tà đạo" trên địa bàn tỉnh (1991-2002).

Đề tài thu thập và tổng hợp thực trạng các vấn đề liên quan đến "Đạo lạ", "Tà đạo" ở tỉnh Hải Dương từ năm 1991 - 2002 có 9  "Tà đạo" và 01 "Đạo lạ" xâm nhập và hoạt động, đó là:

- "Ngọc Phật Hồ Chí Minh", còn gọi là "Nguyễn Thanh Minh vì tình dân tộc".

- "Long hoa di lặc", còn gọi là "Long hoa tam muội".

- "Đạo quần tiên", còn gọi là "Đạo tam tổ thánh hiền".

- "Đạo thiên nhiên", còn gọi là "Đạo cổng trời".

- "Hội Phật thiện".

- "Đạo quang minh tu đức", còn gọi là "Hội cao minh".

- "Hội phật mẫu".

- "Đạo hoa vàng", còn gọi là "Đạo chân không".

- "Hội Phật trời vua cha hoàng", còn gọi là "Hội tu gia".

Các "Tà đạo", "Đạo lạ" đã lan truyền tới 144 điểm, thôn, khu dân cư (trong đó Tà đạo 123 điểm, thôn, khu dân cư), thuộc 95 xã (trong đó Tà đạo 78 xã) ở 12 huyện, thành phố (trong đó Đạo lạ có ở 7 huyện). Các đạo lạ, tà đạo lúc cao điểm đã lôi kéo 5.039 người tin theo, hiện nay còn 8 loại tà đạo với 720 người vẫn tin theo và hoạt động trái phép. Trong đó có ảnh hưởng rộng nhất trên địa bàn tỉnh là "Long hoa di lặc" đã lan truyền tới 8 huyện, thành phố; tà đạo có số người tham gia đông nhất là "Ngọc Phật Hồ Chí Minh" với 2.262 người tin theo. Tà đạo sáng tác và phát hành nhiều kinh sách, tài liệu là "Ngọc Phật Hồ Chí Minh". Đáng chú ý là "Hội Phật mẫu", "Hội phật thiện", "Hội Phật trời vua cha hoàng" là những tà đạo phát sinh nội sinh (trong tỉnh) nhưng có ảnh hưởng, lan truyền hoặc có hoạt động mở rộng ra trên địa bàn tỉnh.

 Đề tài đã điều tra về tuổi đời, nghề nghiệp, kinh tế gia đình, đời sống xã hội, sự phát triển của đất nước, các sinh hoạt của tôn giáo, lý do theo "Đạo", mong muốn của những người theo đạo. Tổng số người được khảo sát là 154 người (nam: 38 người, bằng 28%, nữ: 114 người bằng 75%). Trong đó số người tin theo đạo lạ là 126 người, số người theo đạo lạ (đạo Tin lành hoạt động trái phép) là 28 người.

2. Quan niệm, tín ngưỡng, kinh sách và sự thâm nhập, lan truyền của đạo cũng như phương thức tuyên truyền, hoạt động của 09 đạo lạ, tà đạo.

- Ở tỉnh Hải Dương đạo lạ, tà đạo xuất hiện nhiều tại các huyện: Chí Linh, Tứ Kỳ, Kinh Môn, Kim Thành, Ninh Giang, sau đó lan rộng đến các huyện trong toàn tỉnh.

- Đạo "Ngọc Phật Hồ Chí Minh", lợi dụng uy tín của lãnh tụ và người có công với đất nước để tôn thờ nhằm thu hút mọi người tin theo, thậm chí có sự dối lừa qua việc thay bìa ghi tên người công đức ủng hộ xây dựng đền đài liệt sỹ bằng bìa ghi danh người tham gia đạo để kích thích, dẫn dụ, đánh lừa người khác theo đạo của mình.

- Đạo "Hoa vàng" dùng thuyết "Tứ diệu đế", sinh tử luân hồi, thuyết nhân quả nghiệp báo... Đạo này làm ảnh hưởng rất lớn đến nếp sống văn hoá, truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam, làm tan vỡ hạnh phúc, gây đau khổ cho không ít gia đình, tạo ra một lớp người làm giàu bất chính và một số người mượn danh đi khất thực ở các địa phương.

- Đạo "Long hoa di lặc" thường dùng các bài viết mê tín dị đoan, gây hoang mang đe dọa dân chúng, "nếu ai theo thì phúc đẳng hà sa, ai không theo sẽ bị chết dịch". 

- Đạo 'Thiên nhiên" đạo theo chiếu chỉ của thiên đình, thờ thiên đình và lập 3 đền thờ "người trời". Đạo này mang nặng yếu tố mê tín dị đoan, tổ chức hoạt động trái phép cần được chính quyền xử lý và xoá bỏ kiên quyết và triệt để.

- "Hội Phật trời vua cha hoàng", tụ tập học kinh ăn uống sinh hoạt tập trung, đồng thời kết hợp bốc thuốc chữa bệnh. Một số người nghe theo là do bản thân hoặc thân nhân có bệnh hoặc nghe tin đồn hoặc giới thiệu mà tìm đến. Hội này thực chất mang nặng yếu tố mê tín dị đoan, tổ chức hoạt động trái phép, cần được xoá bỏ.

- "Hội Phật mẫu", "Hội Phật thiện", "Hội quang minh tu đức", "Đạo quần tiên" thờ ảnh "Tam tổ thánh hiền", quy định cụ thể nhất của cầu tiên là không đốt hương khi cầu cúng và khi chết chỉ hung táng 1 lần mà không cải cát. Nhánh tà đạo"Quần tiên" truyền vào Hải Dương đến địa bàn của 3 thôn thuộc 2 xã Tây Kỳ và Văn Tố, huyện Tứ Kỳ. Lúc cao điểm có 26 người tin theo, người theo đạo mẫu thường ăn chay, thực hành đọc, suy ngẫm các quyển kinh.

3. Nhận xét: "Hội", "Đạo".

- Tất cả "Hội","Đạo" nêu trên dựa theo một tôn giáo truyền thống (chủ yếu là đạo Phật) hay một tín ngưỡng truyền thống, từ đó cải biên, thêm bớt một vài nội dung quan niệm và hình thức thờ phụng... rồi xưng "Đạo", lập "Hội", tuyên truyền lôi kéo một số quần chúng tin theo.

- Các "Hội","Đạo" trên đều được lập ra và tổ chức hoạt động trái với chính sách pháp luật của nhà nước có ảnh hưởng xấu tới văn hoá và tín ngưỡng tôn giáo, cần phải xử lý, xoá bỏ. Các "Hội", "Đạo" tuyên truyền chống mê tín dị đoan, nhưng thực tế hoạt động "kinh sách" lại có nhiều yếu tố mê tín dị đoan, phản khoa học.

- Có dấu hiệu trục lợi về kinh tế trong việc tổ chức, hoạt động của các "Hội","Đạo".

- Đạo lạ: Trên địa bàn tỉnh trong những năm 1998 - 2002 có 3 hệ phái Tin lành mới xâm nhập, hoạt động trái phép: Bắp tít tư gia, Tin lành cơ đốc phục lâm, Ngũ tuần.  Các nhóm đều tổ chức nhóm lễ tại một nơi cố định là nhà ở của các nhóm trưởng, ngoài ra còn tổ chức hát thánh ca, tổ chức cho vay chơi họ theo nhóm, tổ chức thăm, giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, phương châm của nhóm là lâu dài, dấn thân và lặng lẽ.

4. Công tác quản lý Nhà nước đối với các đạo lạ, tà đạo.

- Qua điều tra, khảo sát và tiếp cận thực tế tại các địa bàn có "đạo lạ", "tà đạo" cho thấy đại bộ phận các đạo lạ, tà đạo khi xâm nhập vào địa bàn tỉnh tổ chức tuyên truyền hoạt động sau một thời gian (có nơi hàng tuần, có nơi hàng tháng, thậm chí có nơi cả một năm sau) chính quyền, cơ quan chức năng mới phát hiện và xử lý.

- Các hình thức, biện pháp xử lý đã được áp dụng gồm:

* Lập biên bản giải tán việc tụ tập sinh hoạt, hoạt động "đạo" trái phép: 45 lần.

* Lập biên bản cảnh cáo, trục xuất khỏi địa bàn đối với người từ địa phương khác đến tuyên truyền "đạo" trái phép: 3 trường hợp, và một số biện pháp mang tính chất cưỡng chế.

5. Dự báo nguyên nhân phát sinh, phát triển; những tác động của đạo lạ, tà đạo và những vấn đề xã hội cần quan tâm.

- Sự lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo của một số cá nhân hòng trục lợi về kinh tế hoặc gây thanh thế cá nhân; âm mưu, thủ đoạn của thế lực thù địch lợi dụng việc truyền đạo, phát triển tôn giáo để tạo ra sự mất ổn định tình hình nhằm mục tiêu chống phá chủ nghĩa xã hội ở nước ta là một trong những nguyên nhân phát sinh, phát triển các tà đạo.

- Những tác động về kinh tế của tà đạo, đạo lạ nó ảnh hưởng tác động tiêu cực về mọi mặt cụ thể là: vi phạm pháp luật của nhà nước và quy định của địa phương, làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội; làm thay đổi xáo trộn về nếp sống và một số tập quán truyền thống; xâm phạm về tài sản, tiền của, vật chất thời gian lao động, thậm chí xâm phạm cả nhân phẩm của con người; tác động xấu đến đoàn kết dân cư, đoàn kết giữa những người có tín ngưỡng tôn giáo khác nhau.

- Hầu hết các tà đạo đều mang nặng yếu tố mê tín dị đoan làm mê hoặc con người.

- Về tư tưởng: sự truyền bá đức tin nhảm nhí cùng với cách thờ cúng nặng mê tín dị đoan góp phần làm cho tâm lý xã hội nghiêng về phía hữu thần, lấn át chủ nghĩa vô thần khoa học trong bộ phận dân cư, nhất là giới nữ ở nông thôn.

- Về góc độ an ninh, an toàn xã hội: các đạo lạ, tà đạo xuất hiện và hoạt động là vi phạm pháp luật hiện hành, gây rối trật tự an ninh ở một số địa phương, xâm phạm tài sản của nhân dân, gây nên cái chết sớm (do bệnh mà không dùng thuốc).

6. Một số giải pháp ngăn chặn, xử lý các Đạo lạ, Tà đạo.

- Các ngành, các cơ quan chức năng và các đoàn thể cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, giải thích, hướng dẫn nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân để hiểu rõ đâu là chính đạo, tà đạo và thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật.

- Các cấp chính quyền và cơ quan chức năng kiên quyết xử lý những đối tượng là chủ xướng, chủ trì các tà đạo, đạo lạ hoạt động trái phép. Triệt để đình chỉ, xoá bỏ các tà đạo, đạo lạ xâm nhập hoạt động trái quy định của địa phương. Ngăn chặn các hoạt động trái pháp luật của các đạo lạ, tà đạo.

- Tăng cường phát huy vai trò, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương, cơ sở. Làm tốt công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu, khai báo tạm trú, tạm vắng và quản lý các sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng, hướng các hoạt động tín ngưỡng theo thuần phong mỹ tục của các địa phương và phù hợp với pháp luật.

- Các cấp, các ngành chăm lo đời sống kinh tế, văn hoá của nhân dân, đẩy mạnh phong trào xây dựng làng, khu dân cư văn hoá.

- Các đoàn thể chính trị - xã hội cần tăng cường đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động để tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân vào tổ chức, động viên giáo dục cho họ về truyền thống yêu nước, tích cực tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội, tránh xa những cám dỗ của các hiện tượng xã hội không lành mạnh.

 - Các ngành chức năng và các đoàn thể cần phối hợp giúp đỡ các tôn giáo có pháp nhân hoạt động theo quy định của pháp luật.

- Tuyên truyền cho quần chúng hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thờ Hồ Chủ tịch và các danh nhân, hướng họ vào những hình thức thờ tôn nghiêm, đúng đắn.

 7. Kiến nghị.

 - Các cấp uỷ Đảng, chính quyền cần quan tâm, đầu tư thiết thực hơn nữa cho công tác tôn giáo và việc giải quyết vấn đề tà đạo, đạo lạ; đặc biệt là nâng cao vai trò hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở các địa phương cơ sở.

- Nhà nước có những quy định tiến tới sắc lệnh về vấn đề này, thống nhất toàn quốc trong khi chúng ta chưa có luật về pháp nhân tôn giáo.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

- Đề tài đã tạo cơ sở thuận lợi cả về lý luận và thực tiễn cho công tác tuyên truyền chính sách Tôn giáo của Đảng và Nhà nước cũng như công tác quản lý nhà nước đối với tôn giáo.

- Được sử dụng làm tài liệu tuyên truyền trong các lớp tập huấn và nói chuyện về tôn giáo tín ngưỡng.

- Chính quyền và cơ quan chức năng theo dõi tuyên truyền vận động hạn chế sự phát triển của các tà đạo, đạo lạ; người theo đạo lạ (Tin lành) còn 50 người (năm 2005), các tà đạo "Hoa vàng", "Quang Minh tu Đức" không còn hoạt động; Hội Phật trời vua cha hoàng và "Quần tiên" thu hẹp và hoạt động giảm.

- Sự phân biệt tôn giáo với tín ngưỡng, tà đạo với chính đạo và tôn giáo có pháp nhân với tôn giáo hoạt động trái phép của cán bộ và nhân dân khá hơn.

- Đã có 03 tỉnh tham khảo đề tài cho công tác tôn giáo.

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.