Báo động ô nhiễm ozone
Khoa học đã biết máy photocopy là nguồn phát sinh của rất nhiều ô nhiễm như: chất quang dẫn, bụi mực, mùi, ánh sáng, tia cực tím, tiếng ồn và nhiệt. Đặc biệt, trong quá trình hoạt động, máy phát ra tia UV có tác dụng biến đổi oxy trong không khí thành ozone. Ngoài ra, sự sản sinh ra VOCS cũng là một nguyên nhân làm tăng nồng độ ozone trong các khu vực photocopy.
Để quan trắc nồng độ ozone, nhóm nghiên cứu sử dụng máy đo khí độc (MX2100 - OLDHAM) tại hai vị trí (cửa ra vào và khu vực làm việc) ở độ cao 1,5 m so với mặt đất và cách 0,5 m so với vị trí đặt máy. Có 4 cơ sở được khảo sát: N.T, N.H, T.M và P.T, đều ở quận 5.
Tại các cơ sở, nồng độ ozone tăng lên nhanh chóng khi hoạt động photocopy bắt đầu, cao nhất vào khoảng thời gian 14h30 đến 16h30, sau đó giảm xuống cho đến khi cơ sở ngừng hoạt động. Nồng độ cuối ngày luôn cao hơn nồng độ đầu ngày. Có thể giải thích sự gia tăng này dựa trên sự gia tăng cường độ làm việc, lượng bức xạ và hoạt động giao thông bên ngoài. Khi cường độ làm việc tăng, số lượng máy photocopy hoạt động tăng theo, sinh ra nhiều ozone. Nồng độ ozone tại cơ sở N.Trinh là cao nhất, vì ở đây tập trung một lượng lớn máy photocopy (gồm 21 máy A4 và 1 máy A0). Không gian của cơ sở này khá kín, bố trí máy photocopy một cách dày đặc, chỉ có 2 cửa sổ thông gió, lượng ozone sinh ra lớn và không được khuếch tán nhanh.
Nên dùng cây Trầu Bà để hấp thụ ozone
Cây Hoàng Tâm Diệp, tên thường gọi là cây Trầu Bà, là một loại cây khá phổ biến ở Việt Nam, dễ thích nghi trong mọi môi trường. Loại cây này được đánh giá là có khả năng hấp thụ ozone và một số chất độc khác phát sinh từ máy tính, máy in và máy photocopy. Ozone được các biểu bì lá hấp thụ và chuyển xuống rễ.
Song song với việc quan trắc nồng độ ô nhiễm ozone, nhóm nghiên cứu cũng khảo sát khả năng nói trên của cây Trầu Bà tại các cơ sở photocopy. Họ sử dụng cây khoảng 2 tháng tuổi, mỗi chậu cây có 30 lá còn tươi nguyên. Trong thí nghiệm, chậu cây được che phủ bằng giấy bạc, hạn chế không khí trong buồng trao đổi với đất và rễ trong chậu. Đặt chậu cây vào một cái hộp, được thiết kế nhằm tạo đầy đủ các điều kiện để cây thực hiện các quá trình quang hợp và trao đổi chất. Thí nghiệm được lặp lại với một mô hình có cấu tạo tương tự nhưng không có cây Hoàng Tâm Diệp, để đánh giá khả năng phân hủy của ozone bởi các yếu tố khác.
Nồng độ tạo ra ban đầu của ozone đợc tạo ra trong mô hình là 4,63 mg/m3. Kết quả: nồng độ này giảm theo thời gian, điều này chứng tỏ cây Hoàng Tâm Diệp có khả năng hấp thụ ozone. Việc hấp thụ của ozone tăng theo thời gian, tăng nhanh ở khoảng 1h đến 8h và tăng nhẹ ở khoảng 8h đến 3 ngày. Vì sau 3 ngày thì lượng ozone trong mô hình còn quá ít nên lượng hấp thụ cũng sẽ giảm theo. Hiệu suất hấp thụ ozone sau 3 ngày là 78,9%. Dựa vào thực nghiệm cho thấy cây Hoàng Tâm Diệp có khả năng cao trong việc hấp thụ ozone. Chính vì vậy, có thể sử dụng nó như một biện pháp nhằm giảm thiểu nồng độ ozone trong khu vực làm việc của các cơ sở photocopy.
Với hiệu suất 74,8% trong thời gian tiếp xúc một ngày, giả sử trồng cây Hoàng Tâm Diệp tại các cơ sở photocopy với số lượng 1 cây/máy, thì có thể làm giảm nồng độ ozone trung bình gần bằng QCVN 05:2009/BTNMT (quy định nồng độ ozone trung bình 24h là 0,08 mg/m3). Thậm chí nồng độ ozone tại cơ sở P.T đã giảm xuống dưới mức quy định.
Nguồn ST