Ráo riết xử lý doanh nghiệp "đen" tồn đọng
Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49) dự báo, năm 2011, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật (VPPL) về môi trường tiếp tục diễn ra phức tạp và ngày càng nghiêm trọng trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Trong đó, tập trung tại các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, làng nghề, quản lý chất thải nguy hại, khai thác tài nguyên khoáng sản, an toàn vệ sinh thực phẩm, đa dạng sinh học, quản lý môi trường đô thị. Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này ngày một tinh vi hơn, có sự đối phó với các cơ quan chức năng, đòi hỏi lực lượng Công an nhân dân phải áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, huy động lực lượng và phương tiện, tổ chức theo dõi thời gian dài.
Một khó khăn khác trong công tác điều tra, xử lý là nhiều vi phạm có yếu tố nước ngoài, trong một số vụ việc khi xử lý phải cân nhắc vì yếu tố ngoại giao, giải quyết bài toán "phát triển kinh tế - bảo vệ môi trường - công ăn việc làm của người lao động". Nhiều nơi, nhiều lúc việc xử lý còn gặp cản trở, áp lực từ phía các hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ... Trước đó, năm 2010, lực lượng Cảnh sát môi trường đã phát hiện gần 6.000 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Theo điều tra của Trung tâm công nghệ môi trường (ENTEC) tại 350 cơ sở xả thải trực tiếp ra sông Đồng Nai, trong 34 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn có 9 doanh nghiệp chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chiếm 12%. Đây là nguyên nhân chính gây nên sự ô nhiễm nguồn nước cho khu vực xung quanh. Còn trong 11 doanh nghiệp quy mô nhỏ, cơ sở tiểu thủ công nghiệp thì chỉ có đến 7 cơ sở không trang bị hệ thống xử lý nước thải... Những doanh nghiệp điển hình chưa có hệ thống xử lý nước thải như Doanh nghiệp tư nhân Minh Đức, Hoàng Liên, Phong Phú, Minh Tâm A, Khải Phàm, Cơ sở gia công chế biến hàng mộc xuất khẩu Hưng Long, Làng tinh bột mì Trà Cổ... Đó là chưa kể vẫn còn hàng ngàn bệnh viện, cơ sở y tế và khu dân cư đã và đang tiếp tục thải nước thải chưa qua xử lý vào sông Đồng Nai.
Trước thực tế trên, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ban hành quyết định về việc bảo vệ môi trường sông Đồng Nai. Theo đó, từ năm 2011, yêu cầu các cơ quan chức năng hoàn thành việc xử lý triệt để trên 90% các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn 12 tỉnh dọc sông Đồng Nai; ít nhất 60% khu đô thị và 100% khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; thu gom trên 90% chất thải rắn sinh hoạt và xử lý 100% chất thải nguy hại.
Triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển xanh
Không dừng lại đó, năm 2011, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND TPHCM tổ chức tiếp tục chứng nhận Doanh nghiệp xanh cho những doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.
Theo đại diện Ban tổ chức giải thưởng, những doanh nghiệp nào chấp hành tốt việc đầu tư, vận hành thường xuyên hệ thống xử lý chất thải (xử lý nước thải, khí thải, tiếng ồn, chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại nếu có phát sinh trong hoạt động sản xuất); có nghiên cứu, ứng dụng, cải tiến công nghệ tiên tiến; sử dụng nguyên liệu sản xuất có lợi cho môi trường; sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, hỗ trợ nâng cao nhận thức cộng đồng cùng thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường sẽ được chứng nhận. Mặt khác, những doanh nghiệp được chứng nhận doanh nghiệp xanh cũng sẽ được hệ thống siêu thị Co.op trên toàn quốc ưu tiên tiêu thụ sản phẩm.
Ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết thêm, hiện bộ đang xúc tiến chứng nhận nhãn xanh cho các sản phẩm thân thiện môi trường. Đồng thời, hỗ trợ quảng bá rộng rãi sản phẩm này đến cộng đồng để kêu gọi cộng đồng hưởng ứng sử dụng. Riêng tại TPHCM, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, khẳng định, thành phố đang xây dựng chính sách, cơ chế về vốn, khuyến khích về thuế và trợ giá với các hoạt động bảo vệ môi trường.
Có thể nói, với hình thức khen thưởng và xử phạt như trên đã và đang tạo nên thị trường cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp "xanh" và doanh nghiệp "đen". Đã đến lúc, doanh nghiệp "xanh" sẽ không còn phải chịu thiệt thòi vì chi phí sản xuất cao do phải đầu tư cho xử lý môi trường. Còn doanh nghiệp "đen" thì chiếm lợi thế hơn về giá nhờ "ăn" vào chất lượng môi trường sống của cộng đồng.
(Theo Cucmôitrường)