Nghiên cứu phát triển công nghệ là một trong những giải pháp quan trọng để nâng sức cạnh tranh của hàng hóa. Chính vì vậy, nhiều chương KH&CN cấp nhà nước đã được triển khai với mục đích này. Tuy nhiên đằng sau đó vẫn còn không ít những băn khoăn, trăn trở.
Những kết quả đáng ghi nhận
Chương trình nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm xuất khẩu chủ lực (chương trình KC.06/06-10), được triển khai từ năm 2006, đến nay đã có nhiều công nghệ được ứng dụng đại trà và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó có thể kể đến mô hình sản xuất chè an toàn và công nghệ chế biến chè Vàng và chè Phổ Nhĩ. Từ khi triển khai giống mới, kỹ thuật canh tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại 7 tỉnh miền núi phía Bắc, năng suất chè đã tăng 1,5-2 lần, đặc biệt giá chè nguyên liệu tăng 1,5-3 lần do chất lượng tốt. Tính về hiệu quả của việc áp dụng trong khuôn khổ 1.000ha của dự án đã thu thêm 24 tỷ đồng so với công nghệ cũ, ổn định việc làm và có thu nhập cao hơn trước đây cho 4.000 lao động… Hay công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm hầu Thái Bình Dương đã tạo tiền đề quan trọng cho một nghề nuôi mới và nuôi động vật không có xuất xứ Việt Nam. Hiện nay, nông dân vùng Hải Phòng (Cát Bà) và Quảng Ninh (Vân Đồn) đang triển khai nuôi và dự kiến đầu năm 2011 sẽ cho sản lượng 20.000 tấn, trị giá 400 tỷ đồng. Sản lượng này sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới vì thị trường trong và ngoài nước có nhu cầu rất lớn trong khi số lượng các nước không còn diện tích nuôi có thể tăng thêm.
Sau 4 năm thực hiện chương trình nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học (KC.04/04-10) cũng mang lại những kết quả nổi bật. Các quy trình sử dụng tế bào gốc tự thân để điều trị cho các bệnh nhân suy tim nặng, bệnh nhân ung thư máu và bệnh nhân bỏng giác mạc… đã mang lại hy vọng cho những người mắc phải các căn bệnh nan y với chi phí thấp hơn rất nhiều khi ra nước ngoài điều trị. Hay việc tạo ra được các sản phẩm nấm có chất lượng cao đã đáp ứng nhu cầu trong nước, làm giảm tối đa quá trình nhập khẩu sản phẩm từ Trung Quốc. Hiện nay, các quy trình sản xuất giống và nuôi trồng nấm đã được ứng dụng triển khai ở Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, sản lượng đạt được ban đầu hơn 45 nghìn tấn nấm tươi các loại. Hoặc như hệ thống xử lý nước thải thực phẩm công suất 300m3/ngày đêm có khả năng xử lý nước thải có mức độ ô nhiễm cao với trình độ khoa học tương đương với các nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc…
Bên cạnh đó, từ tháng 5/2007, chương trình nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ tự động hóa (KC.03/06-10) được khởi động. Đến nay, đã triển khai 24 đề tài dự án, tạo ra được 80 chủng loại sản phẩm dạng máy móc, thiết bị và hệ thống tự động hóa như hệ thống tự động giám sát SCADA phục vụ an toàn lao động trong khai thác hầm lò với các máy đo nồng độ khí mê tan, khí CO2… giá thành chỉ bằng 40-50% giá nhập ngoại; Hệ thống tự động hóa giám sát video và điều khiển từ xa trên cơ sở công nghệ cao có sử dụng Linux đã được áp dụng phục vụ giám sát và điều hành giao thông đường bộ tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình và nhiều cơ sở sát hạch lái xe mang lại hiệu quả cao, trong khi hệ thống tương tự được các hãng của Mỹ chào bán với giá trên 5 triệu USD…
Những “trăn trở”
TS. Phạm Hữu Giục, Phó Chủ nhiệm Chương trình KC.06/06-10 chia sẻ, quá trình nghiên cứu phát triển công nghệ là một quá trình liên tục, vấn đề này nối tiếp vấn đề kia. Có rất nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu tới 10-15 năm, thế nhưng, chúng ta lại cắt đoạn thành các kế hoạch 5 năm và thế là tất cả các chương trình phải dừng lại khi kế hoạch 5 năm kết thúc, cho dù nhiều đề tài chỉ cần thêm ít thời gian là hoàn thành trọn vẹn. Chưa kể, trong quá trình thực hiện chỉ cần đối tác nước ngoài thay đổi cách thức hợp tác, hay một thời vụ gặp trục trặc về thời tiết là mất khoảng 6-12 tháng đã hạn chế lớn về chất lượng nghiên cứu.
GS. TSKH Trần Duy Quý, chủ nhiệm chương trình KC.04/06-10 cũng cho rằng nên tiếp tục cho phép các đề tài ở giai đoạn trước chưa hoàn thành đến sản phẩm cuối cùng được làm để đi đến sản phẩm cuối cùng phục vụ cho sản xuất. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý và mô hình hoạt động của chương trình cho phù hợp với tình hình hiện nay, cụ thể là giảm bớt một số thủ tục về đấu thầu các đề tài, dự án, thanh quyết toán kinh phí, các thủ tục đấu thầu hóa chất, thiết bị máy móc. Đồng thời, đẩy mạnh các dự án sản xuất thực nghiệm gắn với doanh nghiệp để làm ra các sản phẩm có tính ứng dụng và giá trị cao hơn. Ngoài ra, bên cạnh việc duy trì hình thức đấu thầu, nên mạnh dạn giao cho các tổ chức có đủ năng lực về cơ sở vật chất và con người để thực hiện các nhiệm vụ có tính chất đột phá của chương trình theo hình thức giao thẳng.
Ông Giục cho biết thêm: Trong vài thập niên tới, gia tăng xuất khẩu hàng hóa vẫn là xu thế tất yếu mà nền kinh tế Việt Nam phải hướng tới. Tất nhiên, nếu cứ xuất khẩu nguyên liệu và hàng hóa kém cạnh tranh như hiện nay thì điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta xuất khẩu sự “nhọc nhằn” để người khác hưởng lợi. Muốn thay đổi, không có con đường nào khác ngoài việc nghiên cứu phát triển công nghệ và phải công nghệ do chính chúng ta nghiên cứu, tạo ra hay cải tiến…
Vì vậy, những năm tới, trong lĩnh vực nông nghiệp, cần tiếp tục nâng cao năng suất, tạo sự ổn định và bền vững cho các thương hiệu hàng xuất khẩu của Việt Nam; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế; gia tăng tỷ lệ chế biến, giảm dần việc xuất nguyên liệu thô; đa dạng các mặt hàng xuất khẩu. Đối với lĩnh vực công nghiệp, vẫn tiếp tục tìm kiếm, ứng dụng các công nghệ sản xuất vật tư, nguyên vật liệu; các công nghệ trực tiếp hay gián tiếp phục vụ sản xuất hàng công nghiệp xuất khẩu. Phấn đấu giảm tỷ lệ nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị và cả công nghệ để gia công hàng hóa.
(NASATI)