Xử lí ẩm mốc bằng cách cắt mạch hồ vữa chân tường Trong điều kiện môi trường, khí hậu đặc thù của Việt Nam, nhà ở không thể tránh khỏi việc bị ẩm mốc, đặc biệt những khu vực thường xuyên có nước như bồn rửa, bếp, sẽ dễ bị ẩm và sinh mùi,…Vậy cần làm gì để chống ẩm mốc hiệu quả?
Theo chuyên viên Đỗ Kim Trung, trước tiên, bạn không nên dùng hóa chất chống ẩm mốc vì sẽ gây hại cho chính bạn và những người trong gia đình. Hãy tận dụng những ngày nắng đẹp để làm vệ sinh và diệt vi khuẩn, vi trùng, nấm mốc cho những vật dụng trong nhà.
Nguyên nhân gây ẩm mốc:
Do bản chất của hồ vữa xi măng xốp, mền, nên tính hấp thụ nước tự nhiên cao, và cứ theo nguyên tắc “bấc đèn dầu”, hồ vữa hút nước và lan theo mạch lên trên, cho đến khi không thể hút lên được nữa, thông thường chúng làm ẩm chân tường khoảng 50cm đến 1mét, kể từ cốt nền ẩm, và lớp hồ vữa này càng cũ thì độ thấm càng mạnh.
Do không được đánh giá đúng tính quan trọng của việc chống thấm, nên không được tính đến trong thiết kế và hiển nhiên không có biện pháp thi công chống thấm ngay trước khi hoàn thiện công trình.
Do điều kiện thời tiết nồm, độ ẩm cao khiến nhà bạn bị hiện tượng "chảy mồ hôi" dẫn đến việc ẩm mốc cho nhà. Cụ thể là trong các ngôi nhà có nền men, kính đều bị ướt và trơn trượt, quần áo giặt rất lâu khô, chăn màn khi sờ vào đều có cảm giác dính ướt. Nếu trời ẩm hơn nữa, các bức tường sơn cũng ướt nhẫy, cầu thang đá granito sẽ trơn trượt, rất dễ bị ngã.
Cách chống ẩm mốc hiệu quả:
Chống ẩm mốc cho nền nhà
Lúc dự định làm nhà, từ bề mặt sàn, bạn nên bảo thợ đào sâu xuống khoảng 15 cm, rải đá răm lên, dùng xi măng trát phẳng, để khô. Sau đó, bạn vẩy lên mặt sàn 1 lớp nhựa đường, rồi phủ lên một lớp giấy dầu. Làm như vậy nhiều lần. Chờ cho nhựa đường kết dính các tấm giấy dầu lại, bạn hãy trát xi măng hoặc lát đá hoa lên. Cách này sẽ ngăn không cho sàn nhà bị ẩm.
Một phương pháp hiệu quả khác để chống nồm là dùng các giải pháp cấu tạo thích hợp để giải quyết kỹ yêu cầu cách nhiệt nhằm nâng nhiệt độ mặt sàn cao hơn nhiệt độ điểm sương của không khí một cách nhanh chóng, tức thời, đồng thời cách lượng nước được mao dẫn từ lòng đất lên, thoát được nước ngưng tụ trong kết cấu sàn.
Chống ẩm mốc cho đồ dùng trong nhà
Quần áo, gối, mùng mền: ít nhất 10 ngày, bạn nên phơi chúng dưới ánh nắng, loại nệm không phơi trực tiếp dưới nắng được thì dựng lên và hút bụi. Đồng thời nên hút bụi dưới gầm giường và bật quạt cho thông khí. Mỗi tuần nên giặt bao gối, mỗi tháng nên giặt mền và drap ít nhất một lần. Mỗi tháng nên hút bụi cho màn cửa và vào ngày nắng đẹp nên mở toang các cửa để đón ánh nắng vào nhà.
Tủ, kệ: những vật dụng này thường được làm bằng chất liệu dễ bị mốc như ván ép, gỗ… nên khi lau bụi bằng khăn ẩm, thì cầm theo một khăn khô để lau lại ngay; mở thêm quạt trong lúc lau để hơi ẩm không lưu lại trên đồ vật.
Ngăn tủ quần áo: là nơi rất dễ bị nấm mốc. Vì vậy, bạn nên đặt vỏ cam, vỏ bưởi phơi khô hoặc túi hoa khô vào ngăn tủ quần áo, ngăn bàn gỗ, tủ gỗ để khử mùi nấm mốc.
Bồn rửa: cần được lau chùi thường xuyên và giữ cho khô ráo.
Chén bát: trước khi cất vào tủ cần phải để ráo nước và lau thật khô. Mỗi tuần nên vệ sinh các ngăn tủ bếp bằng cách lau ẩm và lau khô lại ngay, khi lau, nên mở quạt và mở cửa tủ bếp cho thoáng khí.
Chống ẩm mốc cho tường
Khi tường bị ẩm mốc, bạn có thể áp dụng biện pháp cắt nước mạch hồ vữa chân tường, các bước xử lý tuần tự thực hiện như sau: Đục tạo rãnh, quét một lớp vữa gốc xi măng, đây là loại vữa có tính năng độc đáo, nó có thể phát triển ninh kết trong các mao dẫn, các khe hở nhỏ, nhờ sự kích hoạt của nước, hay hơi ẩm. Sau đó trám lại bằng một hỗn hợp vữa, cát, xi măng được trộn thêm một liều lượng phụ gia nhất định, tạo nên một loại vữa có cường độ mà nước không có khả năng thẩm thấu qua được.
Loại vữa hỗn hợp trên được trát trực tiếp lên bề mặt tưòng gạch, nhằm loại bỏ hoàn toàn những chỗ rỗng do thiếu vữa, nó đảm bảo rằng bề mặt đã bược phủ kín, có độ dầy khoảng 0,5cm. Quét 1 lớp vật liệu chống thấm gốc xi măng (công nghệ phát triển mạng tinh thể), nhằm củng cố và đảm bảo rằng độ bền của hạng mục xử lý là vĩnh cửu.
Theo Vietq.vn