Ảnh minh hoạ Đây là một trong những điểm mới của Luật KHCN 2013 nhằm góp phần tăng tính tự chủ, giúp giảm tải thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi để các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu.
Tháo gỡ vướng mắc về tài chính
Lâu nay, giới khoa học luôn than phiền về việc đầu tư kinh phí dàn trải, manh mún với thủ tục tài chính rườm rà trong khi những nhà quản lý lại cho rằng, rất khó có thể đầu tư nhiều hơn khi chất lượng nghiên cứu chưa đạt hiệu quả. Nhiều chuyên gia nhận định rằng, quản lý tài chính thiếu hiệu quả là nguyên nhân dẫn tới chất lượng của nhiều nghiên cứu khoa học còn thấp.
Để kiểm soát các khoản chi tiêu dành cho KHCN, bảo đảm ngân sách chi đúng mục đích, không ít thông tư liên tịch giữa Bộ KH-CN và Bộ Tài chính được ban hành. Theo đó, các khoản chi thường được chia thành hạng mục rất chi tiết, có định mức cụ thể. Chẳng hạn, chi cho một chuyên đề thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn tối đa là 12 triệu đồng trong khi ngành kỹ thuật là 30 triệu đồng. Tuy nhiên, việc phân chia như vậy rất bất hợp lý bởi nghiên cứu khoa học là lao động đặc biệt, khó đong đếm và định giá cụ thể. Cho tới nay, vẫn chưa có một hệ thống định mức kinh tế, kỹ thuật đầy đủ làm căn cứ để tính toán chi phí thực hiện đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu.
Vẫn biết, việc giải ngân ngân sách luôn gắn liền với những quy định cứng nhắc đòi hỏi các tổ chức phải đệ trình chi tiết song điều này lại không phù hợp với nghiên cứu khoa học. Bởi thực tế, có những nghiên cứu khoa học kéo dài tới vài năm, phải điều chỉnh nguồn tài chính để chi cho nhiều hạng mục phát sinh, dễ tạo ra những sản phẩm dở dang. Ngoài ra, số lượng các thủ tục, giấy tờ cần thiết cho việc chứng minh các khoản chi hợp lệ rất nhiều, không chỉ gây tốn kém về vật chất mà còn khiến các nhà khoa học tốn thời gian cho công việc không mang tính chuyên môn này.
Mặt khác, có những nội dung chi như thuê các chuyên gia trong nước và nước ngoài, chi đăng ký sáng chế hoặc công bố quốc tế… không nằm trong danh mục được thanh toán, quyết toán đã buộc các nhà khoa học phải chia đề tài nghiên cứu thành rất nhiều chuyên đề quyết toán được với kho bạc. Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng, đây là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng các đề tài nghiên cứu còn thấp. Hơn nữa, dễ dẫn tới tình trạng nhiều công trình ra đời không sát thực tiễn sau khi nghiệm thu chỉ lưu trữ trong ngăn kéo.
Để tháo gỡ những vướng mắc trên, Luật KHCN 2013 ra đời với cơ chế khoán chi đối với nhiệm vụ khoa học, đã tìm được sự dung hòa vừa thể hiện được tính chủ động, linh hoạt của các nhà khoa học trong việc thực hiện chi tiêu vừa góp phần tăng khả năng kiểm soát của nhà quản lý tài chính trong việc bảo đảm chi đúng mục đích và tiết kiệm. Phương thức khoán cũng góp phần lược bớt những thủ tục hành chính rườm rà, tạo môi trường thuận lợi nhất cho các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu. Đây có thể xem là một bước đi mới để đưa nền khoa học và công nghệ phát triển.
Bảo đảm cơ chế khoán chi hiệu quả
Khoán chi cho các nhiệm vụ KHCN đến sản phẩm cuối cùng là một trong những giải pháp đổi mới đồng bộ cơ chế tài chính, góp phần tiết kiệm chi phí đầu vào, nâng cao chất lượng của các sản phẩm nghiên cứu. Vậy làm sao để bảo đảm cơ chế khoán chi này đạt hiệu quả?
Một số ý kiến cho rằng, cùng với việc không áp dụng các nội dung và định mức quá chi tiết, cứng nhắc, gây phiền hà, lãng phí; cần nâng cao hơn nữa quyền tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu hay của chủ nhiệm đề tài, chương trình. Quan trọng là chỉ nên áp dụng cơ chế khoán chi với những điều kiện xác định, muốn thực hiện được điều đó, theo PGs. Ts Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), cần thiết lập một hội đồng khoa học, hội đồng thẩm định kinh phí có đủ năng lực và trách nhiệm. Một khi thành lập được hội đồng có uy tín, chất lượng thì kết quả đầu ra cũng như các chi phí hợp lý tự khắc sẽ đạt được.
Hơn nữa, nếu cơ chế khoán chi đối với đề tài nghiên cứu khoa học không đi kèm với chất lượng công tác xét duyệt đề tài, nghiệm thu đề tài sẽ dễ dẫn tới sự buông lỏng quản lý, tạo kẽ hở cho việc thất thoát kinh phí mà không mang lại hiệu quả trong nghiên cứu. Rõ ràng để quản lý tốt việc khoán chi cần phải thắt chặt cả đầu ra và đầu vào, nghĩa là đề tài, dự án nghiên cứu khoa học sẽ được hội đồng thẩm định đánh giá, sau đó trình lên cơ quan quản lý, nếu được phê duyệt, kinh phí thực hiện sẽ khoán ngay cho các nhà khoa học. Khi sản phẩm hoàn thành, cần có hội đồng thẩm định đánh giá sản phẩm có đáp ứng các tiêu chí như cam kết ban đầu hay không.
Tuy nhiên, cũng ý kiến cho rằng, nghiên cứu KHCN là hoạt động mang tính rủi ro, đôi khi có sự chênh lệch về yêu cầu của người đặt hàng với kết quả nghiên cứu, do đó, kiểm soát sản phẩm cuối cùng là chưa đủ mà cần giám sát cả quá trình nghiên cứu. Có thể giám sát qua hội thảo công khai với sự tham gia của cơ quan đặt hàng, cơ quan sử dụng kết quả nghiên cứu, cộng đồng khoa học và các phương tiện thông tin đại chúng. Điều này không chỉ góp phần giảm thủ tục hành chính mà còn bảo đảm sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các nhà khoa học cả về tài chính lẫn nội dung đề tài nghiên cứu.
Minh bạch trong khoán chi sản phẩm nghiên cứu khoa học cũng là mục tiêu quan trọng được đặt ra. Theo đó, các bộ chủ quản phải đưa ra được những tiêu chí cụ thể khi giao đề tài và công khai quá trình thực khoán để giới khoa học tự giám sát và phản biện lẫn nhau bởi nếu chỉ có thanh tra tài chính và thanh tra khoa học thực hiện thì nhiệm vụ này sẽ rất khó đạt hiệu quả cao.
Nguồn tin: Đại biểu Nhân dân