Khoa học quản lý (số 01-2023) -0001-11-30 07:06:30

Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN)với quan điểm đưa KH&CN thực sự là động lực then chốt cho phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trong cả nước. Nghị quyết Đại hộiĐảng toàn quốc lần thứXIII đã xác định đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển KHCNvà đổi mới sáng tạo là một trong các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược của giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến 2045.

Việc nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào sản xuất có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo ra nhiều sản phẩm mới có năng suất, chất lượng, mẫu mã đẹp, đồng thời giảm cường độ lao động, chi phí và giá thành sản phẩm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh. Tỉnh Hải Dương đãphát huy tiềm năng, thế mạnh trongnghiên cứu, ứng dụng KH&CN phối hợp cóhiệu quả với các trường ĐH, CĐ, HV, viện nghiên cứu để đặt hàng, tuyển chọn các nhiệm vụ KH&CN nhằm chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và y dược.

Từ năm 2020 đến nay, đã triển khai 106 đề tài, dự án khoa học, trong đó: lĩnh vực khoa học nông nghiệp 67 đề tài, dự án, chiếm 63,2%; lĩnh vực khoa học xã hội 14 đề tài, chiếm 13,2%; lĩnh vực khoa học y, dược 15 đề tài, chiếm 14,2%; lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ 9 đề tài, chiếm 8,5% và lĩnh vực khoa học tự nhiên 01 đề tài, chiếm 0,9%. Các đề tài, dự án KH&CNtừ khâu tuyển chọn đến khi nghiệm thu đánh giá đều bám sát tiêu chí có tính ứng dụng cao, từng bước đổi mới phù hợp với thực tiễn, góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Nhiều dự án, đề tài đã lựa chọn những công nghệ tiên tiến phù hợp với địa phương, DN để đầu tư,một số dự án tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học tự nhiên

Nghiên cứu ứng dụng thành công công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động quản lý nhà nước và đã nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong các lĩnh vực quản lý hạ tầng giao thông, quản lý đào tạo, huấn luyện bắn súng và mô phỏng địa hình; quản lý tài nguyên môi trường và biến đổi khí hậu như đề tài sử dụng Atlas đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Hải Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và đánh giá hiện trạng ô nhiễm kim loại nặng trong đất và một số biện pháp quản lý, cải tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp; sản xuất và ứng dụng màng phủ sinh học tự phân hủy phục vụ sản xuất rau màu; nghiên cứu, thử nghiệm, hoàn thiện công thức và quy trình kỹ thuật bảo quản kéo dài thời hạn sử dụng của bánh Gai Ninh Giang từ 3 ngày lên 7 ngày trong điều kiện bình thường, đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm và giữ hương vị đặc trưng. Điều tra hiện trạng, đánh giá khả năng ảnh hưởng của sinh vật ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh Hải Dương và xây dựng các biện pháp và quy trình kiểm soát việc lây lan, phát triển của loài ngoại lai xâm hại góp phần hỗ trợ ngành nông nghiệp quản lý, quy hoạch sản xuất an toàn, phát triển bềnvững.

Trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp

Đối với lĩnh vực trồng trọt: Nhiều kỹ thuật tiến bộ về giống, biện pháp canh tác đã được đưa vào trong sản xuất nông nghiệp góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với xây dựng và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm có tiềm năng thế mạnh như lúa lai TH 6-6, Hồng Đức 9 và M1-NĐ, HD 11, Gia Lộc 37, BC 15 - 02 kháng đạo ôn, SHPT 3, Hương Bình, nếp Hương, Bắc Thịnh, Gia Lộc 516, TBR 225 kháng bạc lá...; Lạc L29, khoai Ngọc môn Thanh Miện, khoai tây KT7, Bliss, cà chua T 15, ngô đường lai, ngô nếp tím giàu Anthocyanin VNUA 141 và ngô nếp trắng VNUA 69, dưa hấu ruột vàng và dưa hấu lai, nghệ N8; táo VC 01, VC0 4, bưởi da xanh, na dứa Đài Loan, hồng xiêm ruột đỏ, vải PH40...);  các quy trình tiến bộ, biện pháp kỹ thuật tiên tiến, công nghệ mới được áp dụng như ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa từ khâu làm đất, sản xuất mạ khay, cấy bằng máy đến khâu thu hoạch, ứng dụng“gói kỹ thuật canh tác tiên tiến” trong sản xuất lúa; các giải pháp KHCN để tuyển chọn giống hành chịu nhiệt mới theo mục tiêu năng suất cao, chất lượng tốt và chịu nhiệt độ cao để trồng trái vụ, nhân giống hành bằng phương pháp nuôi cấy mô để tạo nguồn giống sạch bệnh; kỹ thuật để phòng, chống tổng hợp sâu bệnh hại chính trên cây rau màu, cây ăn quả; ứng dụng thành công các chế phẩm sinh học trong sản xuất rau màu; sản xuất an toàn sản phẩm nông nghiệp theo hướng VietGAP, hữu cơ; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong nhân giống, sản xuất, bảo quản, tiêu thụ cây rau màu như cải bắp, cải ăn lá, các loại nấm ăn và nấm dược liệu; hoa lan Hồ Điệp, dưa thơm các loại; xây dựng mô hình và phát triển vùng một số cây dược liệu có hiệu quả kinh tế như đinh lăng, nghệ vàng, thiên môn đông, kim ngân hoa...; giải pháp phục hồi, bảo tồn và quản lý bền vững tài nguyên rừng khu Di tích Côn Sơn và rừng dẻ tự nhiên trên địa bàn TP. Chí Linh; thực hiện cải tạo, phát triển và quản lý hệ thống cây xanh, hoa đô thị cho TP. Hải Dương…; ứng dụng tiến bộ KHCN phục tráng, bảo tồn, phát triển các nguồn gen bản địa, tạo giá trị khác biệt phục vụ cho phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc sản của tỉnh như nếp Quýt Kim Thành, nếp cái hoa vàng Kinh Môn, bưởi Tân Thắng, vải tổ Thanh Hà, dưa chuột gai, khoai sọ Miễu Sơn…

Đối với chăn nuôi, thủy sản: Đã ứng dụng các giải pháp kỹ thuật mới trong sản xuất về con giống, tiến bộ về kỹ thuật, quy trình trong chăn nuôi nhiều giống gia súc, gia cầm mới, có giá trị hiệu quả kinh tế cao; xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lợn choai cấp đông xuất khẩu; ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm, chăn nuôi theo hướng thảo dược đối với lợn, gà; mô hình nuôi vịt chuyên trứng Đại Xuyên TC và TsC theo chuỗi giá trị; mô hình bò lai hướng thịt chất lượng cao được tạo ra từ công thức lai giữa giống đực Blanc Bleu Belge (BBB) với cái lai Zebu; mô hình nuôi thỏ NewZealand theo hướng liên kết tiêu thụ sản phẩm, khai thác tối đa sản phẩm từ thỏ. Nghiên cứu, áp dụng đưa một số đối tượng thủy sản mới bên cạnh các đối tượng thủy sản truyền thống như cá ngạnh, tôm đồng, ốc nhồi, trê vàng; ứng dụng kỹ thuật sản xuất giống nhằm cung cấp nguồn giống ổn định, đảm bảo chất lượng; áp dụng công nghệ chế biến sau thu hoạch đối với các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản; mô hình nuôi thủy sản theo mô hình kinh tế tuần hoàn, phương thức nuôi kết hợp mới giúp nâng cao năng suất nuôi thông qua tăng diện tích nuôi, đối tượng nuôi trên cùng một đơn vị diện tích, đối tượng nuôi bổ trợ cho nhau, giúp giảm hệ số thức ăn, cải thiện ô nhiễm môi trường ao nuôi và tăng hiệu quả kinh tế...

Trong lĩnh vực khoa học y, dược

Về lĩnh vực y: Điều tra, nghiên cứu một số bệnh trên địa bàn tỉnh, nghiên cứu quản lý và sử dụng thuốc an toàn hợp lý, áp dụng các kỹ thuật tiến bộ về y học trong phòng bệnh, chẩn đoán và điều trị ở bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện như: nội soi can thiệp thắt vòng cao su trong điều trị và dự phòng chảy máu do vỡ tĩnh mạch thực quản ở bệnh nhân xơ gan, phương pháp can thiệp động mạch vành qua da trong điều trị bệnh nhân hội chứng động mạch vành cấp, ứng dụng phương pháp ELISA, Realtime PCR trong chẩn đoán phát hiện Parvovirus B19 và điều trị bệnh nhân mắc bệnh lý thận...

Về lĩnh vực dược: Đã nghiên cứu, sưu tầm, thử nghiệm và áp dụng rộng các bài thuốc cổ truyền chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân; nghiên cứu và phát triển các phương pháp kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền trong chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh như  nghiên cứu quy trình chiết xuất dầu béo từ hạt tía tô và sản xuất viên nang mềm hỗ trợ điều trị rối loạn chuyển hóa lipid máu, chiết xuất cao giàu hàm lượng lignans từ diệp hạ châu đắng, sản xuất thuốc “Cao lỏng tiêu viêm HD” tại Bệnh viện Y học cổ truyền, phát triển một số sản phẩm dược liệu mới như bào chế viên nang cứng từ dược liệu tỏi có tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ tế bào gan, sản xuất viên nang cứng hỗ trợ điều trị bệnh GOUT từ cây lá lốt (Piper Lolot.C.DC), phát triển sản phẩm hỗ trợ hạ đường huyết và tăng cường miễn dịch từ đông trùng hạ thảo, sản xuất cốm vi sinh từ hai chủng lợi khuẩn Bacillus subtilis và Bacillus clausii phân lập trên địa bàn tỉnh, dung dịch xịt hỗ trợ điều trị tổn thương da từ nano bạc và một số dược liệu; mô hình trồng, sơ chế dược liệu kim ngân hoa, diệp hạ châu, diệp hạ châu đắng, ké đầu ngựa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm sẽ là tiền đề cho việc hình thành vùng dược liệu theo GACP - WHO...

Việc thực hiện cơ chế, chính sách về KHCN và phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC đã có nhiều đổi mới trong công tác đặt hàng, đăng ký, tuyển chọn xác định đưa vào kế hoạch KHCN trong năm. Các chính sách từng bước khuyến khích các DN phát huy các giá trị tài sản trí tuệ của sản phẩm, khuyến khích các doanh nghiệp KHCN đầu tư nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất, kinh doanh và chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, xác lập và phát triển tài sản trí tuệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, tài sản trí tuệ.

Những vấn đề đặt ra hiện nay đối với hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển KHCNvà đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh         

Để theo kịp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay. Cần phải nhìn nhận một cách khách quan những đóng góp của lĩnh vực KH&CNvào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn ở mức khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương. Một số kết quả nghiên cứu, ứng dụng vẫn chưa đạt như kỳ vọng, còn bộc lộ những bất cập, chưa có sự đột phárõ rệt, tính nhân rộng chưa cao... Nguyên nhân chủ yếu có thể nhận thấy trong quá trình triển khai các hoạt động KH&CNchưa có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cấp, các ngành trong tỉnh; giữa nhu cầu thực tiễn và gắn với kết quả nghiên cứu. Ngoài ra còn có sự bất cập ngay từ việc đề xuất các nhiệm vụ KH&CNđược coi là khâu quan trọng, nhưng nhiều đề xuất nhiệm vụ chất lượng không cao, hàm lượng KH&CNthấp, chưa có tính mới,đột phá, sáng tạo. Trong khi đó cơ chế quản lý tài chính, đấu thầu, định mức chi, thanh quyết toán vẫn còn bó hẹp do các quy định của nhà nước, chưa tạo sự chủ động cho các chủ nhiệm dự án, đề tài trong quá trình triển khaidẫn đến có nhiệm vụ chậm tiến độ, thiếu đi tính thời sự khi thực hiện các nhiệm vụ KH&CN.   

Để nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KHCN thời gian tới cần phải: (1) Cần có nhiều đề xuất của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhất là các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh nhằm tăng cường tính đột phá, đổi mới, sáng tạo, sát với yêu cầu thực tế của tỉnh. (2) Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý tài chính, định mức chi, sử dụng vốn ngân sách nhà nước để hỗ trợ; cùng với có cơ chế đủ mạnh và chấp nhận rủi ro để huy động nguồn vốn của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân cùng tham gia. (3) Tập trung lựa chọn các dự án, mô hình có quy mô lớn, có tính đột phá, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. (4) Tăng cường công tác phối hợp quản lý, giám sát, kiểm tra, đánh giá của các sở, ngành, địa phương. (5) Từng bước công khai, minh bạch trong công tác theo dõi, quản lý, đánh giá, nghiệm thu và đảm bảo kết hợp giữa nghiên cứu, ứng dụng và triển khai ra diện rộng có hiệu quả. (6) Quan tâm lĩnh vực sản xuất nông nghiệp gắn với chuyển giao công nghệ mới tiên tiến, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, hiệu quả kinh tế, nâng cao giá trị gia tăng; đảm bảo năng suất, chất lượng các sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. (7) Quan tâm có cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ đối với các dự án có hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp gắn với xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm được tạo ra;ưu tiên phát triển giống cho các sản phẩm chủ lực và đặc sản, lợi thế của tỉnh. (8) Ứng dụng CNSH, nghiên cứu bảo tồn các nguồn gen cây trồng, vật nuôi, chuyển giao mô hình vật nuôi, thủy sản, vi sinh vật đưa vào thực tiễn sản xuất, hoàn thiện quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP. Xây dựng cơ chế kiểm soát, kiểm định chất lượng và sản phẩm khoa học gắn với phát triển bền vững.

Bài của TS Nguyễn Đình Bộ, PGĐ Sở KHCN

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương số 1 ra tháng 6 năm 2023

 

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.