Quản lý công nghệ (Số 05-2023) 2023-11-15 10:27:35

Năm 2022, thời tiết trên địa bàn tỉnh Hải Dương khá thuận lợi do vậy lúa mùa năng suất khá cao so với trung bình nhiều năm; trong đó, cây rau màu sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất, sản lượng rau màu tăng, giá bán cao, dễ tiêu thụ hơn so với CKNT.

Cây vụ đông mang lại hiệu quả kinh tế cao, năng suất cao, chất lượng tốt, ít bị sâu hại. Cơ cấu cây trồng tiếp tục được dịch chuyển theo hướng mở rộng diện tích cây rau màu có giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ. Các tiến bộ kỹ thuật thâm canh tiếp tục được ứng dụng, giúp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất như cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất khoai tây; trồng dưa chuột không sử dụng giàn dóc; mở rộng diện tích sản suất theo VietGAP, GlobalGAP, sản xuất hữu cơ.

Đối với vụ rau màu vụ đông năm 2022 - 2023 toàn tỉnh gieo trồng 22.005 ha cây rau màu các loại, đạt 104,8% kế hoạch (21.000). Trong đó diện tích rau các loại đạt 17.703 ha; ngôn 1.348 ha; cây có củ chất bột 1.569 ha, cây hàng năm khác 1.385 ha. Năng suất các loại cây trồng đều tăng hoặc tương đương so với vụ đông năm 2021-2022. Tổng sản lượng rau vụ đông toàn tỉnh đạt 486.308 tấn, tăng 2.888 tấn so với vụ đông năm trước. Giá trị sản xuất theo giá thực tế  4.622 tỷ đồng, tăng 28 tỷ đồng so với CKNT (4.594 tỷ đồng), bình quân đạt 210 triệu đồng/ha, tăng 4,5 triệu đồng/ha so với vụ đông năm trước (205,5 triệu đồng), cao gấp 2,5 lần so với bình quân chung các tỉnh phía Bắc.

Giải pháp sản xuất vụ đông năm 2023 - 2024

Kế hoạch sản xuất vụ đông, toàn tỉnh gieo trồng 21.000 ha. Trong đó, diện tích rau màu các loại là 18.000 ha, ngô 1.500 ha, cây khác 1.500 ha. Giá trị sản xuất theo giá thực tế đạt 4.500 tỷ đồng, bình quân đạt 215 triệu đồng/ha. Giải pháp tiếp tục duy trì, mở rộng và phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, có thị trường tiêu thụ thuận lợi như vùng hành củ, cà rốt, củ đậu, cải bắp, su hào, cà chua… Tập trung đầu tư nâng cao chất lượng và kiểm soát tốt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc để tăng sản lượng xuất khẩu.

- Đối với cây ngô: Các giống ngô tẻ, thời gian sinh trưởng từ 115 - 125 ngày, gieo trồng trên đất bãi ngoài đê. Các giống ngô nếp, ngô ngọt có thời gian sinh trưởng dưới 80 ngày. Thu hoạch sớm để bán bắp tươi và chế biến. Mở rộng diện tích trồng trên đất 2 lúa, đất rau màu hè thu ở những địa phương có truyền thống trồng ngô. Áp dụng kỹ thuật làm ngô bầu, làm đất tối thiểu, trồng mật độ cao, đặt bầu chỉnh tán lá, trồng lệch vụ, rải vụ để tiêu thụ thuận lợi cho hiệu quả kinh tế cao.

- Đối với hành củ, tỏi: Chọn giống từ các ruộng sạch bệnh và được bảo quản tốt từ vụ trước. Diện tích trồng tập trung chủ yếu tại TX. Kinh Môn, huyện Nam Sách, Kim Thành…

- Cà rốt: Lựa chọn giống chất lượng củ tốt, năng suất cao, phù hợp với thị trường. Diện tích trồng tập trung tại huyện Cẩm Giàng, Nam Sách, TP. Chí Linh.

- Cải bắp, su hào, súp lơ: Lựa chọn các giống chất lượng, có thương hiệu, chống chịu thời tiết tốt, vụ sớm chọn giống chịu nhiệt. Gieo trồng đến hết tháng 12/2023. Diện tích trồng tập trung huyện Kim Thành, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Thanh Miện…

- Cây bí xanh, bí ngô: Lựa chọn giống F1 nhập nội chống chịu sâu bệnh, thời tiết tốt, chất lượng quả tốt, năng suất cao, phù hợp với thị trường. Diện tích trồng tập trung tại huyện Gia Lộc, Cẩm Giàng, Bình Giang, Nam Sách…áp dụng biện pháp làm bầu, trồng xen rạch lúa.

- Cây khoai tây: Sử dụng các giống sạch bệnh, có chứng nhận theo quy định. Diện tích trồng tập trung tại huyện Tứ Kỳ, Ninh Giang, Thanh Miện, Thanh Hà. Trồng tập trung từi 25/10 - 15/11/2023, tốt nhất là trồng từ ngày 01 - 10/11/2023.

Đến nay, tỉnh Hải Dương đã cơ bản trồng xong cây vụ đông sớm, nhanh hơn cùng kỳ năm trước. Nông dân đã trồng hơn 6.500 ha cây vụ đông sớm, tăng gần 1.000 ha so với cùng kỳ và đạt trên 31% kế hoạch gieo trồng toàn vụ. Cây vụ đông sớm thường là các giống cây chịu nhiệt như cải bắp, su hào, su lơ, bí xanh, bí đỏ và một số loại rau ăn lá khác. Cây được trồng trên diện tích rau hè thu hoặc lúa mùa trà sớm đã thu hoạch.

Tỉnh Hải Dương đã hỗ trợ phát triển sản xuất cây vụ đông và các mô hình sản xuất an toàn thuộc Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2023”, chương trình liên kết gắn với tiêu thụ theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Tăng cường liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp và người sản xuất ngay từ đầu vụ, ưu tiên các hộ sản xuất tập trung để tránh dư thừa, rớt giá.

Duy trì và mở rộng các vùng sản xuất rau màu hàng hóa tập trung áp dụng quy trình thực hành nông nghiêp VietGAP, Global GAP, hữu cơ. Nâng cao nhận thức người sản xuất, sơ chế tiêu thụ về quy trình sản xuất an toàn như GAP, HACCP…Đẩy mạnh công tác kiểm tra kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Nghiêm cấm sử dụng, kinh doanh các loại phân bón, thuốc BVTV không có trong danh mục được phép sử dụng và danh mục khuyến cáo cho rau. Tăng cường xúc tiến thương mại đối với nông sản chủ lực của các địa phương. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất rau thực hiện chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, công bố sản phẩm rau an toàn.

Bài của Bảo Ngọc 

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 5 ra tháng 12 năm 2023

 

 

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.