Những vấn đề chung (Số 05-2023) 2023-11-14 09:10:52

Côn Sơn - Kiếp Bạc thuộc thành phố Chí Linh (Hải Dương) là một danh thắng và di tích lịch sử đã in dấu trên sử sách từ 7 thế kỷ trước. Đến nay, hàng trăm năm đã qua đi với biết bao biến cố, Côn Sơn vẫn giữ được màu sắc thanh xuân, tươi mát, u tịch trong màu xanh kỳ diệu của núi rừng và vẫn là điểm du lịch hàng năm thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách thập phương đến tham quan, chiêm ngưỡng…

Năm 1384, Côn Sơn đã được Nguyễn Phi Khanh (thân sinh của Nguyễn Trãi) miêu tả nơi đây như một cảnh thần tiên “Khói đầu non, ráng ngoài đảo, gấm vóc phô bày. Hoa dọc suối, cỏ ven rừng, biếc hồng phấp phới. Bóng mát để nghỉ, chỗ vắng để ngồi, mùi thơm để ngửi, sắc đẹp để xem. Phàm những hình ảnh trong mát, tiếng suối reo xa vời mà hư không, sâu thẳm mà yên lặng, hợp với tai mắt và tâm hồn con người ở đây đều có cả…”.

Sau đó trong bài thơ Bàica Côn Sơn (Côn Sơn ca) của anh hùng dân tộc Nguyễn Trãiđã miêu tả suối Côn Sơn bằng những câu thơ lục bát như sau:

Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai

Côn Sơn có đá rêu phơi
Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm

Giữa rừng thông mọc như nêm...

Bài thơ nổi tiếng đi cùng với một địa danh nổi tiếng đương nhiên không thể tách rời tác giả: Nguyễn Trãi (1380-1442) hiệu là Ức Trai - vị anh hùng dân tộc, nhà chính trị lỗi lạc, nhà quân sự thiên tài, nhà văn, nhà thơ.

Sinh thời Nguyễn Trãi, dù bị giặc Minh quản thúc giam lỏng trong thành Đông Quan hay mười năm kháng chiến gian khổ cùng Lê Lợi, cả trong giấc chiêm bao ông luôntưởng nhớ về núi nhà - Côn Sơn.

Suối Côn Sơn có chiều dài khoảng 5 km, chảy từ bắc xuống nam, uốn lượn từ phải qua trái, là khe suối nằm giữa núi Ngũ Nhạc và núi Côn Sơn và chảy về hồ Côn Sơ ở hạ lưu suối. Qua đókhông chỉ tạo nên cảnh quan ngoạn mục, mà từ lâu dòng suối được coi như nguồn mạch của sự sống, của tâm linh, tưởng không bao giờ bị vơi cạn.Dưới lòng suối chỉ thấy phơi ra những hòn đá mấp mô, hòn to hòn nhỏ đều tròn nhẵn.

Suối Côn Sơn cũng là điểm dừng chân của không ít khách du lịch. Dòng suối này rì rào chảy quanh năm suốt tháng. Bên suối có hai tảng đá sỏi kết lớn tương đối bằng phẳng - gọi là Thạch Bàn (còn gọi là hòn đá năm gian). Tương truyền Nguyễn Trãi thường ngồi đây ngắm cảnh, làm thơ và suy tư việc nước.

Suối Côn Sơn có chiều dài khoảng 5 km nằm giữa khu vực núi Côn Sơn và núi Ngũ Nhạc, sau đó chảy về hồ Côn Sơn. Trước kia, suối chảy quanh năm nhưng gần đây do biến đổi về địa chất, môi trường, nguồn nước suy giảm nên dòng suối không được duy trì thường xuyên. Hiện nay, suối hầu như không có dòng chảy vào mùa khô. Còn vào mùa mưa, chỉ khi mưa lớn mới có dòng chảy.

Theo khảo sát của các nhà khoa học, dòng suối Côn Sơn đã bị suy giảm nhiều trong khoảng 20 năm trở lại đây, hiện ngày càng trở nên khan hiếm, đặc biệt vào mùa khô… dòng suối Côn Sơn trở lên khô cạn, chỉ khi vào mùa mưa với những trận mưa lớn mới xuất hiện dòng suối.

Nguyên nhân chủ yếu khiến suy giảm nguồn nước ở suối Côn Sơn, trước hết do mực nước ngầm suy giảm khoảng 40 m ở các vùng xung quanh dãy núi Côn Sơn, núi Ngũ Nhạc. Theo khảo sát của Viện Khoa học địa chất khoáng sản, lượng mưa trung bình năm không có nhiều khác biệt, nhưng khảo sát thực địa cho thấy, độ sâu của các giếng khoan trong những năm qua ngày càng tăng. Nếu như năm 1993 chỉ cần khoan sâu 20 m hiện nay có nơi phải khoan sâu tới hơn 70 m mới có nước.

Ngoài ra, với sức ép gia tăng dân số địa phương, sự phát triển của công, nông nghiệp nên người dân đã sử dụng nguồn nước ngầm nhiều hơn cho tưới tiêu và sinh hoạt, phần nào khiến mực nước ngầm bị hạ thấp. Mặt khác, những đứt gãy về địa chất cũng tạo nên các bậc thác có độ cao 2 - 3 m đã khống chế sự hình thành suối.

Bên cạnh đó, có nguyên nhân do thảm phủ thực vật suy giảm 17% so với giai đoạn trước ảnh hưởng đến việc không đủ giữ và cung cấp nước ngầm cho toàn bộ khu vực.

Để duy trì dòng chảy suối mà vẫn giữ được nguyên gốc của cảnh quan, môi trường di tích, về lâu dài, Viện Thủy công (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) đã thực hiện đề tài cấp quốc gia “Nghiên cứu đề xuất giải pháp duy trì dòng chảy cho suối Côn Sơn thuộc khu di tích đền thờ Nguyễn Trãi, tỉnh Hải Dương” đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt đưa vào thực hiện từ năm 2020 do Tiến sỹ Phan Trường Giang chủ trì thực hiện. Nhằm đánh giá thực trạng và nguyên nhân suy kiệt dòng chảy suối Côn Sơn; Đề xuất giái pháp khả thi, bền vững, để có thể duy trì dòng chảy trên suối; xây dựng mô hình cấp nước cho suối nhằm duy trì dòng chảy tối thiểu 5 lít/giây trên suối Côn Sơn.

Đề tài đã đề xuất các nhóm giải pháp về lâu dài cũng như trước mắt, đồng thời khảo sát, thiết kế kỹ thuật hệ thống tạo dòng chảy tuần hoàn trên suối Côn Sơn. Tại Hội thảo, đại diện nhóm nghiên cứu đề tài đã đề xuất 03 phương án mới ngoài 01 phương án đã được phê duyệt đặt hàng để đưa ra một mô hình tối ưu cấp nước cho suối Côn Sơn

Với  phương án 1 là bơm nước từ hồ Côn Sơn lên bể Phòng cháy chữa cháy với lưu lượng cấp 10 lít/giây để đạt tối thiểu dòng chảy trên suối tối thiểu 5 lít/giây; phương án 2, bơm nước từ hồ Côn Sơn lên bể Phòng cháy chữa cháy với lưu lượng 20 lít/giây để đạt được dòng chảy trên suối khoảng 10 lít/giây. Phương án 3 là thi công xây dựng Ao điều tiết ở thượng nguồn và bơm nước từ hồ Côn Sơn lên Ao điều tiết với lưu lượng 20 lít/giây để đạt được dòng chảy trên suối khoảng 20 lít/giây (có thể lớn hơn), chiều dài dòng chảy trong khu di tích được duy trì là 935 m.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Quân cho rằng với phương án 3 là thi công xây dựng Ao điều tiết ở thượng nguồn và bơm nước từ hồ Côn Sơn lên có ưu điểm là chỉ cần đầu tư một lần; Máy bơm đặt ngoài khu di tích nên không gây tiếng ồn làm ảnh hưởng không gian tôn nghiêm của di tích; Nguồn cấp nước ổn định từ hồ Côn Sơn; Ao điều tiết tạo thêm cảnh quan trong di tích.

Tuy nhiên, nhược điểm của phương án là việc phát sinh thêm kinh phí lớn, mất diện tích rừng tạm thời, vĩnh viễn để làm đường và làm ao điều tiết, công tác thi công, vận hành, quản lý trạm bơm sẽ khó khăn hơn do vị trí đặt trạm bơm ngoài khu di tích…

Việc tạo dòng chảy của suối Côn Sơn đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của người dân nhất là trong 2 dịp lễ hội mùa Thu và mùa Xuân hàng năm, đồng thời tạo sức sống mới, khôi phục nguồn nước mãi mãi cho suối Côn Sơn.

Bài của Đoàn Thị Xoa

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 5 ra tháng 10 năm 2023

 

 

 

 

 

 

 

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.