Tổng giá trị sản lượng nông nghiệp của Nhật Bản giảm từ 11.7 nghìn tỷ Yên vào năm 1960 xuống còn 8.2 nghìn tỷ Yên vào năm 2011. Vai trò của nông nghiệp trong kinh tế Nhật Bản ngày càng giảm (đóng góp của kinh tế nông nghiệp Nhật Bản vào GDP giảm từ 9% vào năm 1960 xuống còn 1% vào năm 2005) nhưng số người tham gia vào hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản lại có xu hướng tăng lên. Hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản, hiện nay có gần 10 triệu thành viên, không chỉ là tổ chức kinh tế mà đã trở thành tổ chức chính trị - xã hội, bảo vệ quyền lợi của đa số nông dân Nhật Bản, chẳng hạn có thể gây áp lực, phản đối việc chính phủ Nhật tham gia vào hợp tác Liên Thái Bình Dương – TPP.
Hệ thống quyền lực
Ra đời từ thế kỷ 19, hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản đặc trưng bởi việc thực hiện đa nhiệm vụ. Một hợp tác xã cấp địa phương có thể kinh doanh hàng loạt các dịch vụ kinh tế-xã hội như: cung cấp nguyên liệu đầu vào, tổ chức thị trường đầu ra, cho vay tín dụng, cung cấp dịch vụ bảo hiểm, phân phối hàng tiêu dùng, cung cấp dịch vụ y tế, đi lại, nhà ở… và thậm chí là một trung tâm cộng đồng cho các hoạt động văn hóa. Ảnh hưởng của hợp tác xã nông nghiệp bao trùm lên toàn bộ cuộc sống sinh hoạt thường ngày của nông dân Nhật Bản. Trong hơn một thế kỉ, trải qua nhiều lần thay đổi cấu trúc hoạt động nhưng các hợp tác xã ở địa phương vẫn đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo dựng cộng đồng và thúc đẩy sự gắn kết giữa những người nông dân.
Tuy nhiên, các hợp tác xã địa phương không đủ nguồn lực và kinh phí để thực hiện các hoạt động marketing (lãi từ dịch vụ tín dụng và bảo hiểm cũng không đủ để bù vào các chi phí cho thương mại). Chính vì vậy, Nhật Bản đã cấu trúc lại hệ thống hợp tác xã của mình gồm ba bậc, bao gồm: cấp địa phương, cấp tỉnh và cấp quốc gia. Trong đó, các hợp tác xã địa phương là những hợp tác xã đa nhiệm vụ nói trên và các liên minh hợp tác xã cấp tỉnh và cấp quốc gia chỉ chuyên sâu vào một lĩnh vực kinh doanh như marketing-thương mại hoặc tín dụng hoặc bảo hiểm hay phúc lợi xã hội. Các liên minh hợp tác xã quốc gia có “sức mạnh” tương đương với những tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản: Ngân hàng của Liên minh Hợp tác xã Quốc gia (JA) là ngân hàng lớn nhất Nhật Bản trong lĩnh vực tín dụng và cho vay, Zeh-noh (liên minh hợp tác xã quốc gia trong lĩnh vực marketing, mua bán và sản xuất) là công ty thương mại lớn nhất Nhật Bản hay Zenkyoren (liên minh hợp tác xã trong lĩnh vực bảo hiểm) cũng là một trong hai công ty bảo hiểm lớn nhất Nhật Bản nếu tính trên số hợp đồng dài hạn… Chính nhờ tầm ảnh hưởng kinh tế của các liên minh hợp tác xã mà nông dân Nhật Bản (đặc biệt là những người đến từ các hộ kinh doanh nhỏ và vừa) có tiếng nói chính trị mạnh mẽ.
Chính phủ Nhật Bản từng giới hạn điều kiện thành viên của hợp tác xã chỉ là những người hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và đặc biệt hạn chế các công ty hay tập đoàn tham gia vai trò lãnh đạo (họ không được nắm quá 50% cổ phần trong một công ty sản xuất nông nghiệp). Chính vì vậy, hợp tác xã Nhật Bản đã trở thành một hệ thống độc quyền, kiểm soát toàn bộ nền nông nghiệp Nhật Bản. Không thể phủ nhận rằng, với những dịch vụ mà nó mang lại cho nông dân, đặc biệt là hỗ trợ vay vốn, bảo hiểm và toàn bộ khâu sản xuất từ đầu vào đến đầu ra của nông sản nên hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản vẫn thu hút nhiều người tham gia làm thành viên mặc dù vai trò của nền nông nghiệp Nhật Bản đang ngày càng giảm sút khi nông sản nội địa phải chịu cạnh tranh gay gắt với nông sản nhập khẩu khi nước này tham gia vào WTO và TPP.
Đại diện của nông dân Nhật Bản
Hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản là do người dân lập ra và hoạt động vì người nông dân. Những người điều hành hợp tác xã là những người được đào tạo nghiệp vụ bài bản và có kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng phải chịu sự giám sát từ ban giám đốc (hoạt động độc lập, không tham gia điều hành). Tất cả chức vụ này đều do người dân bầu ra một cách dân chủ. Người điều hành chịu áp lực rất lớn từ các thành viên của hợp tác xã: nông dân không phải là người phụ thuộc vào hợp tác xã mà trái lại, sự sống còn của hợp tác xã phải phụ thuộc vào người nông dân. Nói cách khác, hợp tác xã phải bám sát nhu cầu của người nông dân, đưa ra các dịch vụ thiết thực với đời sống của họ. Chính vì vậy, tuy là một tổ chức độc quyền nhưng hoạt động của hợp tác xã Nhật Bản lại khá linh hoạt theo điều kiện kinh tế và nhu cầu của người nông dân. Đầu những năm 2000, hệ thống hợp tác xã Nhật Bản được chuyển dần từ ba bậc xuống hai bậc: các ngân hàng và công ty bảo hiểm của liên minh hợp tác xã cấp tỉnh sẽ được hợp nhất với cấp quốc gia để người nông dân có thể tiếp cận với những khoản vay và những hợp đồng bảo hiểm có giá trị lớn hơn và an toàn hơn trong khi những hợp tác xã địa phương vẫn duy trì tất cả dịch vụ thiết yếu với đời sống nông dân. Bên cạnh đó, gần đây, hợp tác xã Nhật Bản đã mở rộng đối tượng thành viên sang các công ty tư nhân và công ty nước ngoài để chuyên nghiệp hóa các hoạt động thương mại và marketing nhằm thu hút nhiều người trẻ trở lại với hoạt động nông nghiệp.
Hoạt động của hệ thống hợp tác xã Nhật Bản được tổ chức một cách chặt chẽ với những mục tiêu và định hướng rõ ràng. Tất cả các nông sản sản xuất bởi hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản đều đảm bảo một quy chuẩn chất lượng chung (nông nghiệp 3H- Healthy, High quality, High technology - sức khỏe, chất lượng cao, công nghệ cao), được gắn cùng một nhãn hàng – JA và có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Không bó hẹp trong việc hỗ trợ quy trình sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản thúc đẩy tư duy và tầm nhìn của người nông dân Nhật Bản với những mục tiêu: duy trì năng suất, duy trì giá cổ phiếu thực phẩm, quảng bá các chương trình hỗ trợ lương thực, thực phẩm, liên kết với các chương trình hỗ trợ quốc tế, mở rộng các chương trình về an ninh lương thực quốc tế, hỗ trợ kế hoạch hóa gia đình và phúc lợi xã hội, hỗ trợ các nghiên cứu nông nghiệp liên quốc gia, thiết lập hệ thống thương mại nông nghiệp.
Là một tổ chức với 2/3 nông dân tham gia làm thành viên, hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản là đầu mối áp dụng khoa học – kĩ thuật từ khi mới được thành lập. Tổ chức này là địa chỉ để những người dân có thể chia sẻ các thiết bị công nghệ nông nghiệp hiện đại và đắt tiền: với chính sách mỗi vùng một sản phẩm, toàn bộ khu vực sản xuất đều được giám sát bằng camera và các thiết bị cảm ứng. Để làm được điều này, những người nông dân Nhật phải có trình độ nhất định và tinh thần hợp tác cao. Từ khi hợp tác xã là đơn vị công lập, chính phủ Nhật Bản đã chú trọng phát triển dịch vụ tư vấn nông nghiệp, trong đó không chỉ tư vấn, đào tạo về cách ứng dụng khoa học công nghệ mà còn kết hợp tư vấn về chi tiêu, tài chính, tiềm năng của từng giống cây trồng... Đến nay, toàn bộ nông dân Nhật Bản có thể tự cập nhật và chia sẻ các thông tin về giá cả thị trường, cổ phiếu nông nghiệp, thời tiết, khoa học-kỹ thuật… thông qua một nền tảng trực tuyến kết nối những cá nhân, tổ chức nông nghiệp. Các hợp tác xã cũng hợp tác với các trường đại học và thành lập một liên minh gọi là: “Liên đoàn Đại học Hợp tác xã” (NFUCA) với hơn 1.4 triệu thành viên. Trong đó, các sinh viên, giảng viên của các trường vừa là người tiêu thụ nông sản do hợp tác xã sản xuất, đồng thời cũng quảng bá, đào tạo các công nghệ mới và liên kết thực hiện các nghiên cứu ứng dụng.
( Theo Tiasang.com.vn)