Mô hình áp dụng tiêu chí VietGAP nuôi cá rô phi thương phẩm, đạt ATVSTP theo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm

Hải Dương là một tỉnh có truyền thống về nuôi trồng thủy sản, có năng suất, sản lượng cá nước ngọt đứng đầu các tỉnh Đồng bằng sông Hồng; ứng dụng nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật về con giống mới trong đó tiêu biểu là đối tượng chủ lực cá rô phi, sử dụng thức ăn công nghiệp trong nuôi cá.

Mô hình áp dụng tiêu chí VietGAP nuôi cá rô phi thương phẩm, đạt ATVSTP theo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm

Diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh năm 2016 là 10.965 ha, trong đó diện tích nuôi cá rô phi là 3.255 ha, sản lượng bình quân toàn tỉnh đạt 69.073 tấn trong đó cá rô phi đạt 13.011 tấn; năm 2017 diện tích nuôi thủy sản là 11.187 ha, diện tích nuôi cá rô phi là 2.910 ha, tổng sản lượng là 71.371 tấn trong đó sản lượng nuôi đạt 69.662 tấn. Việc sản xuất sản phẩm thủy sản (cá Rô phi) an toàn được chứng nhận VietGAP vừa giúp cho người tiêu dùng có được sản phẩm tốt đảm bảo an toàn chất lượng, vừa giúp cho người nông dân có kiến thức sản xuất sản phẩm thủy sản an toàn, tăng thêm thu nhập. Qua thực tế triển khai cho thấy người sản xuất vẫn chưa thực sự quan tâm với sản xuất cá Rô phi sạch VietGAP do thị trường đầu ra của sản phẩm chưa được tiếp nhận sản phẩm một cách đúng nghĩa cả về giá và mức độ tiêu thụ. Mặt khác, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa hình thành được hệ thống phân phối sản phẩm thủy sản an toàn có uy tín trên thị trường, sản phẩm đầu ra bấp bênh, chi phí cho thủ tục chứng nhận sản phẩm an toàn quá cao đối với cá nhân người sản xuất do đó chưa thu hút được người sản xuất tham gia sản xuất an toàn theo quy trình VietGAP.

Để giải quyết thực trạng này thì việc tổ chức sản xuất sản phẩm thủy sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chứng minh được nguồn gốc, đảm bảo chất lượng sản phẩm và tìm được đầu ra cho sản phẩm sẽ thúc đẩy sản xuất phát triển. Đó là một quy trình theo một chuỗi liên tục vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất vừa đem đến cho người tiêu dùng các sản phẩm an toàn có lợi cho sức khỏe, mang tới lợi ích cho cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống. Năm 2017, được sự cho phép của UBND tỉnh, kỹ sư Hoàng Hữu Hưng, Chi cục Thủy sản tỉnh đã xây dựng mô hình áp dụng tiêu chí VietGAP nuôi cá rô phi thương phẩm đạt an toàn vệ sinh thực phẩm theo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, phù hợp với điều kiện tỉnh Hải Dương. Nhằm áp dụng tiêu chí VietGAP xây dựng mô hình nuôi cá rô phi thương phẩm đạt an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Xây dựng mối liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm đối với sản phẩm cá rô phi đạt an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ban chủ nhiệm đề tài lựa chọn vùng nuôi thủy sản tập trung của hai xã Tam Kỳ và Đại Đức (Kim Thành) làm địa điểm thực hiện mô hình nuôi thủy sản theo tiêu chí VietGAP, khuyến khích các hộ nuôi trồng thủy sản có đủ khả năng, điều kiện áp dụng kỹ thuật vào nuôi trồng đăng ký tham gia nuôi trong mô hình; kết quả có 06 có tổng diện tích là 20,34 ha, diện tích một ao nuôi cá thương phẩm của các hộ có diện tích từ 2.400 – 10.000 m2, hình dạng ao đều là hình chữ nhật với số lượng con giống rô phi là 200.000 con.

Để đảm bảo các hộ tham gia mô hình thực hiện được các kỹ thuậtnuôi cá rô phi theo tiêu chíVietGAPđảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm,bảo vệ môi trường bền vữnggóp phần nâng cao nhận thức và thay đổi thói quen trong nuôi trồng thủy sảncủa các hộ dân tham gia trong mô hình, Ban chủ nhiệm đề tài tổ chức 02 lớp tập huấn cho hộ nuôi thủy sản,hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng,phòng trị bệnh,quản lý theo đúng quy trình VietGAPtrước khi triển khai mô hình, góp phần đảm bảo tính minh bạch truy nguyên nguồn gốc cho sản phẩmsản xuất ra. Các hộ tham gia nuôi cá rô phi trong mô hìnhđược cấp phát sổ Nhật ký sản xuất theo quy định, hướng dẫn ghi chép hộ nuôivềnguyên tắc trong nuôi cá rô phiđảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm,đảm bảo môi trường bền vữngtránh quá trình tồn dưkháng sinh, kim loại nặng trong thịt cá thương phẩm và môi trường nước nuôithủy sảnthông qua các hoạt động cấp, thải nước ao, kiểm soát sử dụng thuốc, chế phẩm xử lý nước….Biết cách ghi chép nhật ký trong quá trình nuôiđảm bảo đầy đủ thông tin theo quy định nhằm phục vụ công tác quản lý và truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm khi có khiếu nạivề sản phẩm; trong một vụ nuôi cá hộ nuôi phải thực hiện ghi năm loại sổ nhật ký theo dõi các hoạt động như: sổ theo dõi nhập các giống ghi ngày tháng nhập cá, số lượng từng loài cá nhập, số của ao thả cá; sổ xuất nhập kho thức ăn ghi ngày tháng nhập kho, loại thức ăn nhập, số lượng nhập, hạn sử dụng, xuất kho; sổ nhật ký nuôi cá rô phi theo VietGAP ghi diện tích ao nuôi, độ sâu, đối tượng cá nuôi, số lượng, kích cỡ cá, loại thức ăn, lượng thức ăn cho cá ăn hàng ngày, tổng lượng thức ăn một vụ, kích cỡ và sản lượng cá thu hoạch; sổ xuất nhập kho thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học ghi ngày tháng nhập, tên loại thuốc, hóa chất nhập, đơn vị tính, số lượng nhập; sổ thu gom xử lý rác thải ghi ngày tháng, danh mục chất thải, đơn vị tính, số lượng, phương án xử lý, nơi tiếp nhận.

Để đánh giá sản phẩm cá nuôi của các hộ trong mô hình đạt tiêu chí vietGAP đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Ban chủ nhiệm đề tài đã ký hợp đồng với Trung tâm Chứng nhận phù hợp (Tổng cục Tiêu chuẩn -Đo lường chất lượng) tổ chức đánh giá chứng nhận; việc đánh giá chứng nhận sản phẩm theo tiêu chí VietGAP lần đầu được thực hiện khi sản phẩm bắt đầu cho thu hoạch. Hoạt động đánh giá chứng nhận sản phẩm cho mô hình nuôi cá theo tiêu chí VietGAP bao gồm: Kiểm tra Quyết định quy hoạch vùng nuôi, Quyết định quyền sử dụng đất, ao các hộ tham gia đề tài, kiểm tra thực địa đối với vùng nuôi cá, biển báo chỉ giới vùng nuôi, danh sách các hộ tham gia, mã số các hộ, biển báo số ao của từng hộ, biển báo chỉ giới nhà kho, nhà bảo vệ, tủ thuốc, nhà vệ sinh, thùng đựng rác, an toàn hệ thống đường điện; hoạt động vệ sinh xung quanh ao nuôi, quy trình thực hành nuôi cá theo tiêu chí VietGAP, hoạt động ghi chép nhật ký của từng hộ dân. Kiểm tra chất lượng môi trường nước ao nuôi thông qua kết quả của Trung tâm Quan trắc môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương), kiểm tra mẫu phân tích chất lượng sản phẩm an toàn vệ sinh theo tiêu chí VietGAP và an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế, do Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 1 phân tích.

Đoàn đánh giá đã ghi nhận kết quả đạt được của các hộ tham gia trong đề tài, chỉ ra những thiếu xót cần khắc phục như chưa có cảnh báo nguy hiểm tại trụ điện ở ngoài ao, sắp xếp tủ thuốc chưa đúng theo hướng dẫn ( những hạn chế đã được khắc phục ngay sau đó); Kết quả phân tích chất lượng sản phẩm cá của mô hình HTX dịch vụ thủy sản liên chung Tam Kỳ - Đại Đức đều đảm bảo các  tiêu chí không phát hiện mối nguy mất an toàn theo tiêu chí VietGAP cả về dư lượng kháng sinh và kim loại nặng ( Kết quả phân tích ở phần phụ lục).

Ban chủ nhiệm đề tài kết hợp cùng với Ban Giám đốc hợp tác xã chủ động thương thảo với một số công ty (Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ thủy sản Đức Huy, Công ty TNHH sản xuất và Thương mại Quỳnh Anh HD); qua quá trình thương thảo, đánh giá năng lực thực tế Ban chủ nhiệm đề tài và Ban Giám đốc HTX dịch vụ thủy sản liên chung Tam Kỳ - Đại Đức đã chọn Công ty TNHH sản xuất và Thương mại Quỳnh Anh HD ký hợp đồng tiêu thụ 100% sản lượng sản phẩm cho đề tài trụ sở tại thôn Lê Hà, xã Thanh Quang, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, chức năng của Công ty cung cấp thức ăn chăn nuôi, thủy sản; thu mua, phân phối sản phẩm chăn nuôi, thủy sản đi các tỉnh lân cận và trong tỉnh.

 HTX dịch vụ thủy sản liên chung Tam Kỳ -Đại Đức liên kết với Công ty TNHH sản xuất và Thương mại Quỳnh Anh HD với hình thức phối hợp tiêu thụ sản phẩm của nhau; các hộ nuôi cá rô phi trong mô hình sử dụng cám công nghiệp UV do Công ty TNHH sản xuất và Thương mại Quỳnh Anh HD cung cấp thông qua đại lý cấp một (giá ưu đãi 3 -5%); sản phẩm các loài cá của các hộ nuôi trong mô hình của HTX dịch vụ thủy sản liên chung Tam Kỳ - Đại Đức sẽ được Công ty TNHH sản xuất và Thương mại Quỳnh Anh HD ký hợp đồng tiêu thụ 100% sản lượng với giá thỏa thuận.Sản phẩm được tiêu thụ ở chợ đầu mối khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh 50%, chợ đầu mối Thành phố Hải Phòng 30%, chợ TP.Hà Nội 20%. Để truy xuất nguồn gốc sản phẩm được sản xuất trong vùng nuôi theo tiêu chí VietGAP được dễ dàng khi xuất lô hàng cho đơn vị thu mua chủ hộ nuôi ký xác nhận vào sổ giao hàng (ghi số lượng từng loại sản phẩm, số ao, số hộ và mã số trên hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia VN – 200) đồng thời có chữ ký, đóng dấu của Giám đốc hoặc phó Giám đốc HTX dịch vụ thủy sản liên chung Tam Kỳ - Đại Đức (Kim Thành).

Tổng sản lượng cá nuôi của mô hình đạt 135.222 kg, bình quân năng suất đạt 13,52 tấn/ha, Tổng thu về sản lượng cá là 17.747 kg/ha ao nuôi, trong đó rô phi đạt 13.522 kg, ngoài ra là các đối tượng nuôi như cá chép, trắm cỏ, mè, trôi, với giá bán từng loại cá, tổng số tiền thu được là 445.484.400 đồng trừ chi phí thì mỗi ha nuôi cá có lãi dòng là 81.136.600 đồng.

Việc xây dựng thành công mô hình nuôi cá rô phi theo tiêu chí VietGAP đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường bền vững, an sinh xã hội đảm bảo đúng mục tiêu, yêu cầu của đề tài; kết quả triển khai quy mô của đề tài 10 ha, của hộ dân 10,34 ha, tổng là 20,34 ha. Đề tài thực hiện thành công chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa các hộ sản xuất mang tính nhỏ lẻ, phân tán, mạnh ai nấy làm thành nhóm sản xuất có trách nhiệm chia sẻ giúp nhau trong sản xuất, nâng cao trình độ nhận thức và trách nhiệm của người sản xuất trong việc sử dụng thuốc, hóa chất, thức ăn trong nuôi trồng thủy sản, gắn kết người sản xuất với cơ sở, công ty tiêu thụ sản phẩm góp phần vào phát triển sản xuất bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu xã hội, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm; tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người sản xuất. Tổng diện tích là 20,34 ha của 06 hộ nuôi cá tham gia trong đề tài và sản phẩm cá nuôi đảm bảo đúng chất lượng, Sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận theo quyết định số 6860/QĐ-QUACERT ngày 16/11 2017; Mã số chứng nhận VietGAP: VG 188.17.02/VietGAP TS13-05-30 - 0001 ngày 16/11/2017, giấy chứng nhận có giá trị từ 16/11/2017 đến ngày 15/11/2019.

Việc triển khai tổ chức xây dựng mô hình nuôi cá rô phi và tiêu thụ sản phẩm VietGAP đã tìm ra hướng mới phù hợp trong chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hộ nuôi trồng thủy sản thực hiện nuôi cá thực hiện thành công quy trình nuôi theo VietGAP, cho ra sản phẩm đạt an toàn vệ sinh thực phẩm có khả năng phát triển rộng mô hình và đối với các đối tượng thủy sản nuôi khác. Tuy nhiên để đảm bảo tiêu thụ sản phẩm có tính ổn định lâu dài mang lại hiệu quả kinh tế cho hộ nuôi thủy sản đòi hỏi phải có sự gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp hoạt động chuyên doanh trong lĩnh vực thủy sản, doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính, khả năng thu gom và tiêu thụ sản phẩm, mang lại lợi ích cho cả người sản xuất doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Hải Ninh

 

  

 

 

 

 

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây