Huyện Kinh Môn duy trì và phát triển nông thôn mới

Huyện Kinh Môn là huyện nằm trong vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, mảnh đất “Địa linh nhân kiệt”, có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời, là nơi hội tụ, giao thoa, đan xen nhiều giá trị truyền thống lịch sử văn hóa, hàm chứa lưu giữ những nét văn hóa cổ xưa mà các nhà khảo cổ học đã tìm thấy như tại Nhẫm Dương thuộc xã Duy Tân dấu tích động vật Voi Răng Kiếm - Gấu Tre thời kỳ Cách Tân; tìm thấy các loại rìu, giáo, mai, qua, chuông, vòng trang sức, thạp… đều là các loại di vật điển hình của văn hóa Đông Sơn nổi tiếng người Việt cổ cách ngày nay khoảng 2500 năm. Tại hang Dê, hang Giữa (thị trấn Minh Tân) đã tìm thấy cốt người, các công cụ sản xuất bằng đá mài như rìu, bôn, cuốc có vai, đồ gốm thô…

Huyện Kinh Môn duy trì và phát triển nông thôn mới

Trải qua thời gian, biến cố, thăng trầm của lịch sử, đến nay huyện Kinh Môn còn lưu giữ 172 di tích, trong đó có 15 di tích cấp Quốc gia, 15 di tích cấp tỉnh… và 1 quần thể di tích lịch sử danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể gồm 3 di tích “An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương”, ngoài ra trên địa bàn còn nhiều di tích, hang động đang lưu giữ nguyên giá trị về danh thắng, khảo cổ học về giá trị lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc. Là huyện miền nũi nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Hải Dương có địa giới hành chính tiếp giáp của 2 tỉnh lớn như: Quảng Ninh, Hải Phòng, có Quốc lộ 17 B đi qua nối liền quốc lộ 5 với quốc lộ 18 là 2 tuyến giao thông quan trọng của quốc gia và vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc.

Huyện Kinh Môn trước đây là một huyện thuần nông của tỉnh, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, sông ngòi chia cắt, đi lại khó khăn; kinh tế phát triển chậm, kết cấu hạ tầng vừa thiếu, vừa yếu. Kể từ khi tái lập đến nay cùng với sự phát triển của đất nước. Huyện Kinh Môn phát triển theo mô hình kinh tế tổng hợp công nghiệp-nông nghiệp và dịch vụ. Toàn huyện có trên 1.500 doanh nghiệp, trong đó có một số doanh nghiệp lớn như công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch, xi măng Phúc Sơn, Thép Hòa Phát…đã và đang thu hút lao động vào làm việc tạo thu nhập cho lao động trong và ngoài huyện. Hiện tại đang xây dựng nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương với tổng vốn đầu tư 2,258 tỷ USD, tổng công suất 1.200 MW, sản lượng điện 7,8 kwh/năm dự kiến đến năm 2020 đi vào hoạt động. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch tích cực, tăng  tỷ trọng  công nghiệp dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Giá trị công nghiệp hàng năm đóng góp chiếm 30%  giá trị công nghiệp chung của tỉnh. Dịch vụ từng bước phát triển đáp ứng theo sát nhu cầu thị trường. Năm 2014, thị trấn Kinh Môn được mở rộng được công nhận đô thị loại IV; năm 2016 khu di tích An Phụ - Kinh Chủ - Nhẫm Dương được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt; năm 2017 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; hệ thống bia ma nhai Động Kinh Chủ công nhận là Bảo vật Quốc gia. Đây là những điều kiện thuận lợi, cơ hội cho huyện Kinh Môn tiếp tục có những bước phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2017 tổng giá trị sản xuất đạt gần 40 tỷ nghìn đồng, đạt 106,4% kế hoạch, tăng 17,1% so với năm 2016. Trong đó, giá trị sản xuất nông lâm thủy sản đạt 2047,4 tỷ đồng, đạt 100,25 kế hoạch, tăng 2,2%; Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 34.264 tỷ đồng, đạt 107,4% kế hoạch, tăng 18,2%; Giá trị sản xuất dịch vụ đạt 2.902 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch, tăng 16,1%; thu nhập bình quân đầu người đạt 46,5 triệu đồng/người/năm 2017, tăng 6,5 triệu đồng so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 3,79%; hộ cận nghèo còn 2,9%. Toàn huyện có 103/112 = 92% làng khu dân cư đạt danh hiệu làng văn hóa; tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa đạt 94,5%.

Phong trào “xây dựng làng, khu dân cư văn hóa”, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc được nhân dân duy trì thực hiện. Toàn huyện có 103/112 = 92% đạt danh hiệu làng, khu dân cư văn hóa; tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu văn hóa 94,5%. Toàn huyện có 67/90 = 74,44% trường đạt chuẩn. Thực hiện tốt chương trình y tế quốc gia, đề án, dự án y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, khám chữa bệnh trên địa bàn, có 25/25=100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2020. Chất lượng khám, chữa bệnh ngày một nâng lên, Bệnh viện đa khoa Kinh Môn được công nhận hạng II; tỷ số giới tính khi sinh là 118,5 bé trai/100 bé gái, giảm 0,1 điểm phần trăm so với năm 2016; hàng năm tạo việc làm mới cho trên 2.500 lao động trở lên; tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,79%; hộ cận nghèo còn 2,9%; Công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng quân sự địa phương luôn được vững chắc, thực hiện tốt công tác phòng thủ cấp huyện.

Đảng bộ huyện Kinh Môn có 58 TCCS đảng trực thuộc Huyện ủy, trong đó có 25 đảng ủy xã thị trấn và 33 TCCS đảng cơ quan, doanh nghiệp, trường học; tổng số có 7.793 đảng viên(tính đến tháng 6/2018), trong đó 4.464 đảng viên được tặng huy hiệu đảng(chiếm 57,28%); tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh hằng năm đạt 79,6%, không có tổ chức đảng yếu kém.

DDến năm 2014 đạt 2 xã, năm 2015 đạt 3 xã, 2016 đạt 14 xã, 2017 đạt 3 xã, tổng 21/21 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đạt 100% và hoàn thành 9/9 tiêu chí cấp huyện. Ngày 08/11/2017, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 1.736/QĐ-TTg công nhận huyện Kinh Môn đạt chuẩn nông thôn mới, là huyện đầu tiên của tỉnh vinh dự được nhận danh hiệu này. Tổng kinh phí huy động xây dựng NTM năm 2011-2017 là 2.823,37 tỷ đồng. Để đạt được kết quả nêu trên huyện đã thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp, trong đó hỗ trợ mỗi xã 2 tỷ đồng để xây dựng NTM; chi 3 tỷ đồng để khắc phục, bảo vệ môi trường nông thôn.

 Đặc biệt huyện chỉ đạo áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng, lựa chọn cây trồng mới, vật nuôi phù hợp với điều kiện của huyện đem lại giá trị kinh tế cao. Kết quả: 2017, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 2.047,4 tỷ đồng, thu nhập trên 1 đơn vị ha diện tích canh tác đạt 197,5 triệu đồng/ha; 4 sản phẩm tiêu biểu của huyện: Gạo nếp cái Hoa Vàng, hành, tỏi, sắn dây[1] được bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, được Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam tôn vinh danh hiệu “thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam” năm 2017, 2018. Các sản phẩm cam Thất Hùng, ổi trồng tập trung với diện tích 64,3ha cho giá trị thu nhập trên 01 tỷ đồng/ha; có 164 trang trại, 600 gia trại chăn nuôi gia xúc, gia cầm và thủy sản. Các giống vật nuôi đạt năng suất chất lượng cao, cung ứng nhu cầu của thị trường thu lại hiệu quả kinh tế cao, như: nuôi con Đà điểu, Dê (tại thị trấn Minh Tân), nuôi Ba Ba (tại xã Hiến Thành, Thái Thịnh…); nuôi cá lồng (xã Minh Hòa, Lê Ninh). Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là 610,6 ha, sản lượng đạt 3.975 tấn/năm.

Hiện nay, huyện đang tập trung chỉ đạo xây dựng, triển khai thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, chỉ đạo các xã xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Kinh Môn lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã đề ra: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế, tỷ trọng giá trị sản xuất chuyển theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ, thương mại và du lịch; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế; quan tâm phát triển nông nghiệp theo mô hình sản xuất tập trung, trang trại, đồi rừng; gắn phát triển kinh tế với xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa; xây dựng nếp sống văn minh đô thị, chăm lo phát triển con người một cách toàn diện, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng huyện Kinh Môn thành thị xã giàu đẹp, văn minh. Nâng cao các tiêu chí xã, huyện nông thôn mới, xây dựng mỗi năm có từ 2-3 xã đạt nông thôn kiểu mẫu; huy động các nguồn lực xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trọng điểm của thị xã, phát triển không gian đô thị theo đúng quy hoạch; thu hút các nguồn lực, đầu tư hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu để phát triển huyện Kinh Môn trở thành thị xã vào năm 2020. Trước mắt kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng cầu Mây, cầu Dinh, cầu Vạn; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án lớn trên địa bàn như: Dự án khu đô thị sinh thái Thành Công, dự án khu dân cư đô thị bắc Phú Thứ; máy nhiệt điện BOT Hải Dương và các dự án có nhu cầu sử dụng đất trên địa bàn huyện. Phát triển nông nghiệp sạch, toàn diện, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất (công nghệ 4.0) để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn, đáp ứng yêu cầu của thị trường; lựa chọn cây trồng, vật nuôi đem lại giá trị kinh tế cao, tạo việc làm, thu nhập cho nhân dân. Tổ chức trùng tu, tôn tạo, nâng cao giá trị các khu di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn; đẩy mạnh quảng bá di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2020 thu nhập đầu người đạt 55 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 3%.

 

Ninh Hải


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập147
  • Hôm nay52,385
  • Tháng hiện tại351,993
  • Tổng lượt truy cập4,667,413
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây