Hải Dương: Tăng cường phòng chống bệnh Cúm A(H5N1) trên gia cầm và ở người

Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và của các nước, từ đầu tháng 01/2020 đến nay, thế giới đã ghi nhận nhiều ổ dịch bệnh Cúm gia cầm (CGC) tại 11 quốc gia và vùng lãnh thổ: Chủng vi rút CGC A/H5N1 tại Ấn Độ; A/H5N1 tại Trung Quốc (ngày 01/02/2020, ổ dịch được phát hiện tại một trang trại ở quận Song Thành, thành phố Thiệu Dương, tỉnh Hồ Nam; trang trại có 7.850 con gà và 4.500 con trong số này đã chết vì bị CGC; giới chức địa phương đã tiêu hủy 17.828 con gia cầm sau khi dịch bùng phát); A/H5N6 tại Nigeria; A/H5N8 tại Cộng hòa Séc, Đức, Hungary, Ba Lan, Rumania, Slovakia, Nam Phi; tại Đài Loan cũng ghi nhận các ổ dịch CGC A/H5N2 và A/H5N5. Nguy cơ bệnh lây lan giữa các nước rất cao. 

Hải Dương: Tăng cường phòng chống bệnh Cúm A(H5N1) trên gia cầm và ở người

Tại Việt Nam, theo báo cáo của các địa phương, năm 2019, bệnh CGC xảy ra tại 70 hộ chăn nuôi, 44 xã, 41 huyện thuộc 24 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy trên 133.000 con gia cầm; từ đầu tháng 01/2020 đến nay, cả nước có 01 ổ dịch CGC A/H5N6 chưa qua 30 ngày tại tỉnh Quảng Ninh; kết quả chủ động lấy mẫu giám sát tại 26 tỉnh, thành phố (với tổng cộng 3.966 mẫu gộp của 19.830 con gia cầm đã được xét nghiệm). Kết quả, tỷ lệ dương tính với vi rút cúm A là 37,72%, trong đó có dương tính với vi rút cúm A/H5N1 là 1,19%; A/H5N6 là 1,82%. Mặt khác, hiện nay tổng đàn gia cầm rất lớn (467 triệu con); điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi; nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ phục vụ các lễ hội đầu năm tăng cao; việc tổ chức tiêm vắc xin CGC cho đàn gia cầm đạt tỷ lệ thấp tại một số địa phương, nhất là đối với chăn nuôi gia cầm nông hộ.

Trên địa bàn tỉnh ta, từ năm 2014 - 2019 đã xảy ra 06 ổ dịch Cúm gia cầm làm ốm, chết, tiêu hủy 769 con gia cầm (541 con gà, 228 con ngan89 con ngỗng). Kết quả giám sát sự lưu hành vi rút Cúm gia cầm năm 2018 và năm 2019 trên địa bàn tỉnh phát hiện 1,12% mẫu dương tính vi rút cúm gia cầm H5N1; có 4,16% mẫu dương tính vi rút cúm gia cầm H5N6; đặc biệt chủng các chủng cúm nguy hiểm là A/H5 và A/H9 lưu hành là rất cao (khoảng 25% số mẫu lấy tại các chợ và các địa phương) tiềm ẩn nguy cơ vi rút xâm nhập, tái bùng phát gây bệnh ở đàn gia cầm. Do đó, nguy cơ dịch bệnh CGC xuất hiện, lây lan rất cao và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh cúm A(H5N1) bùng phát trên gia cầm và nguy cơ lây sang người, không để xảy ra hiện tượng dịch chồng dịch trong bối cảnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona (nCoV) trên người đang xảy ra.

Tỉnh Hải Dương đãtriển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch động vật, không được chủ quan, lơ là đối với sự tái phát của dịch bệnh. Tổ chức giám sát chặt chẽ dịch bệnh Cúm A/H5N1 và các chủng vi rút nguy hiểm khác đến tận hộ chăn nuôi, kiểm tra, rà soát nắm chắc tình hình chăn nuôi; kịp thời phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch, không để dịch bệnh Cúm gia cầm và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây sang người khác; Ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý.

Hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch, tiêm phòng vắc xin CGC cho đàn gia cầm; Tổ chức tiêm vắc xin CGC phòng bệnh cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ tối thiểu trên 80% tổng đàn có nguy cơ và thuộc đối tượng tiêm phòng và 100% đàn gia cầm giống ngay sau khi Kế hoạch về phòng, chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2020 - 2025 được UBND tỉnh phê duyệt ban hành và hướng dẫn của Chi cục Thú y tỉnh.

Tổ chức triển khai chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm bệnh Cúm gia cầm để kịp thời cảnh báo, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, sử dụng có hiệu quả các loại vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm. Tăng cường công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, việc kiểm tra, kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm;kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y động vật, sản phẩm động vật lưu thông, tiêu thụ trên thị trường nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan qua con đường vận chuyển; đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của Luật Thú y.Phối hợp với ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm dịch nhằm hạn chế tới mức thấp nhất việc gia cầm và các sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch lưu thông trên thị trường.

Tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật tuân thủ các quy định của pháp luật; tác hại và những biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia súc, gia cầm; nhất là bệnh Cúm gia cầm và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây sang người để mọi người nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh, thực hiện khai báo kịp thời khi phát hiện có gia súc, gia cầm ốm chết bất thường, không rõ nguyên nhân.

Hải Ninh


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây