Hiệu quả từ nuôi thủy sản giống mới

Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi thủy sản giống mới, mỗi năm gia đình chị Thất thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Hiệu quả từ nuôi thủy sản giống mới

Năm nay là năm thứ 3 nuôi cá rô đầu vuông của gia đình chị Phạm Thị Thất, thôn Tân Thành, xã Tân Phong, huyện Ninh Giang. Chị Thất cho biết: cá rô đầu vuông là một trong những giống thủy sản mới được các hộ nông dân nuôi trong vài năm gần đây. Cá rô đầu vuông có thể nuôi 2 lứa mỗi năm. Sau khoảng 4 tháng nuôi, trọng lượng cá đạt 5-6 con/kg. Thời gian nuôi 5 tháng, cá có thể đạt trọng lượng lên tới 2 con/kg. Tuy nhiên, người nuôi thường thu hoạch khi cá đạt 5-6 con/kg do cá càng lớn thì tỷ lệ tiêu tốn thức ăn càng nhiều trong khi tỷ lệ lớn chậm lại, dẫn đến lãi thấp. Năm 2011, chị Thất nuôi cá rô đầu vuông trên diện tích 6 sào ao. Do được giá bán nên sau 2 tháng nuôi, gia đình chị đã thu hoạch được 2,8 tấn cá. Với giá bán 54.000 đồng/kg, lứa cá rô đầu vuông cho thu nhập hơn 150 triệu đồng.
Nói về kinh nghiệm nuôi cá rô đầu vuông, chị Thất cho biết: đây là loại cá có tỷ lệ hao hụt thấp. Với số lượng cá thả 1 vạn con/1 sào ao thì sau 4 – 5 tháng có thể cho thu hoạch 1,2 tấn cá. Tuy nhiên, giá bán cá rô đầu vuông trên thị trường thường xuyên biến động. Thời điểm giá bán cao nhất là sau Tết, có thể lên tới 57 – 58 nghìn đồng/kg; còn khi cá vào mùa vụ thu hoạch rộ, người nuôi cá bị ép giá bán chỉ còn 27 – 30 nghìn đồng/kg. Mặc dù vậy, với những hộ nuôi cá có kỹ thuật, cá đạt trọng lượng đều và giữ được ổn định đầu con thì giá bán trên vẫn đảm bảo người nuôi có lãi. Theo hạch toán của gia đình chị, chi phí cá giống, thức ăn, thuốc phòng bệnh khi nuôi cá rô đầu vuông là 23.000 đồng/kg cá. Bởi vậy, sau 3 năm nuôi cá rô đầu vuông, gia đình chị vẫn gắn bó với loại vật nuôi này.
Chị Thất cho biết, nghề nuôi cá tuy cho thu nhập khá hơn so với cấy lúa, trồng rau màu nhưng cũng đòi hỏi người nuôi phải biết và áp dụng khoa học kỹ thuật mới có thể gắn bó với nghề. Năm đầu tiên nuôi cá rô đầu vuông do chưa có kỹ thuật về giống cá mới, gia đình chị thả 1 vạn cá giống, thu về chỉ được chưa đầy 2 tạ cá thương phẩm. Chị coi đó là khoản "học phí" để tìm hiểu và trải nghiệm thực tế về giống cá mới ở địa phương mình. Ngoài ra, chị còn tự tìm hiểu thông tin về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản thông qua sách báo và tham gia các lớp dạy nghề nuôi trồng thủy sản do Hội Nông dân tỉnh tổ chức tại xã Tân Phong. Chị còn tự học hỏi về kỹ thuật ấp nở trứng cá rô đầu vuông ngay tại ao nuôi để giảm chi phí mua cá giống. Hiện tại, chị đang nuôi 25 vạn cá rô đầu vuông, dự kiến thu hoạch vào tháng 10 này.
Bên cạnh việc nuôi cá rô đầu vuông, gia đình chị Thất còn xây ao nuôi ba ba tại vùng đất chuyển đổi. Vì ba ba là loài vật nuôi mới ở địa phương nên gia đình chị phải lặn lội tìm mua giống và học hỏi kinh nghiệm nuôi ba ba. Theo chị Thất, nuôi ba ba có chi phí giống khá cao nhưng nguồn thức ăn cho ba ba lại đơn giản. Gia đình chị thường sử dụng thức ăn chính cho ba ba là ốc bươu vàng và cá tạp (cá rô phi) được thu hoạch ngay tại ao nuôi ba ba, nhờ đó có thể tiết kiệm chi phí thức ăn. Tuy nhiên, ba ba là loài thủy sản có thời gian nuôi dài, thường sau 3 năm mới cho thu hoạch. Năm đầu tiên chị nuôi ba ba Đài Loan, đã cho thu hoạch 1 lứa vào năm 2011 với số lượng 1.000 con. Sau 3 năm, trọng lượng ba ba đạt 1-1,2kg/con, chị bán với giá 220.000 – 250.000 đồng/kg. Để nâng cao hiệu quả nuôi ba ba, chị thay thế giống ba ba Đài Loan bằng giống ba ba Sông Hồng vì loại ba ba này có giá bán cao hơn, trên 500.000 đồng/kg. Đồng thời, chị thả nuôi 150 con ba ba gai sinh sản để tự cung cấp giống cho khu vực ao nuôi của gia đình mình.
Tại xã Tân Phong, huyện Ninh Giang, gia đình chị Phạm Thị Thất là một trong số ít hộ nuôi cá mạnh dạn nuôi thủy sản giống mới và thành công nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng.
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây