Chủ động phòng bệnh cho gia súc, gia cầm vụ thu đông năm 2012

Thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên phạm vi cả nước diễn biến phức tạp đặc biệt là dịch bệnh tai xanh trên đàn lợn. Ở tỉnh ta, hiện dịch bệnh vẫn tạm lắng nhưng nguy cơ bùng phát trở lại luôn tiềm ẩn. Mặt khác, khi thời tiết chuyển mùa từ hè sang thu - đông, lại là dịp gần cuối năm nên nhu cầu thực phẩm của người dân tăng cao, số lượng đầu gia súc, gia cầm cũng tăng theo, việc vận chuyển buôn bán gia súc, gia cầm diễn ra thường xuyên, liên tục. 
Đây là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh bùng phát và lây nhiễm phát sinh thành dịch. Do vậy cần làm tốt công tác phòng chống dịch cho đàn gia súc, gia cầm.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh nhất là dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng ở gia súc và tai xanh ở lợn đạt hiệu quả trong vụ thu đông năm 2012 tạo điều kiện cho phát triển chăn nuôi, chúng tôi xin lưu ý mộ số biện pháp sau:
1. Virus gây bệnh truyền nhiễm cho gia súc, gia cầm tồn lưu trong môi trường là rất lớn. Do vậy, cần giảm dần chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ trong nông hộ; mở rộng chăn nuôi gia trại, trang trại theo hướng công nghiệp, xa khu dân cư để thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật giúp cho phát triển chăn nuôi bền vững.
2. Thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch bệnh bảo vệ đàn gia súc, gia cầm đặc biệt là dịch bệnh tai xanh trên đàn lợn và cúm gia cầm H5N1, lở mồm long móng gia súc. Tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin phòng bệnh vụ thu đông năm 2012 và tiêm bổ sung theo quy định của cơ quan thú y. Để công tác tiêm phòng được thực hiện nghiêm túc, đạt tỷ lệ cao, cơ quan thú y cần chủ động phối hợp với chính quyền địa phương nâng cao công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của việc tiêm phòng vacxin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm tới người chăn nuôi, giúp họ chủ động trong việc tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm.
3. Các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng toàn bộ khu chăn nuôi, đường làng, ngõ xóm, các chợ buôn bán, điểm giết mổ gia súc trong phạm vi toàn tỉnh; đặc biệt là điểm, vị trí chôn lợn bị bệnh trong các đợt dịch trước đây theo hướng dẫn của ngành thú y. Ngoài việc sử dụng hóa chất cần chú trọng sử dụng vôi bột rắc xung quanh chuồng, lối ra vào chuồng trại.
4. Tăng cường kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm qua các chốt kiểm dịch, vùng dịch có nguy cơ bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm.
5. Người chăn nuôi không mua con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chỉ mua giống tại các trang trại, cơ sở sản xuất giống đã công bố tiêu chuẩn chất lượng và kiểm soát được dịch bệnh, thực hiện quy trình chăn nuôi tốt (VIETGAHP). Khẩn trương phát triển đàn nái thông qua việc nuôi lợn cái hậu bị gồm các giống: Móng Cái, lợn ngoại qua phối giống nhân tạo, chọn lọc lợn lai F1, F2 (50%, 75% máu ngoại) để gây lợn cái hậu bị.
6. Chăm sóc, nuôi dưỡng gia súc, gia cầm theo quy trình kỹ thuật do ngành nông nghiệp hướng dẫn; gia súc, gia cầm mới mua về phải được nuôi cách ly trước khi nhập đàn tránh lây lan mầm bệnh...
Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên đây sẽ góp phần chủ động trong việc phòng chống dịch bệnh trong mùa thu đông sắp tới, thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình và sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Nguyễn Thị Hảo
Phó Phòng Chăn nuôi, Sở NN và PTNT tỉnh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây