Giống cà chua ghép trên gốc cà tím. Ảnh: Anh Nguyên Thành phố Hải Dương hiện có khảng trên 40 ha diện tích đất nông nghiệp trồng cây cà chua, tập trung chủ yếu ở các xã như Thượng Đạt, Ái Quốc, Tân Hưng, Thạch Khôi. Năm 2013, Phòng Kinh tế thành phố triển khai nhân rộng mô hình trồng cà chua ghép trên gốc cà tím trong điều kiện trái vụ trên địa bàn thành phố, nhờ đó nông dân đã tiếp thu và thực hiện thành công kỹ thuật sản xuất giống cà chua ghép, chủ động nguồn cây giống phục vụ sản xuất và tăng hiệu quả kinh tế của cây cà chua.
Cà chua ghép trên gốc cà tím là một tiến bộ kỹ thuật của Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam). Giống có khả năng chịu úng tốt, đặc biệt là có khả năng chống chịu cao với bệnh héo xanh do vi khuẩn, vì thế rất phù hợp cho nông dân trồng cà chua trái vụ.
Vụ hè thu năm 2013, Phòng Kinh tế thành phố tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất cây cà chua ghép trên gốc cà tím cho 5 hộ nông dân tại xã Thượng Đạt (thành phố Hải Dương) theo quy trình kỹ thuật và hướng dẫn của cán bộ Viện Nghiên cứu Rau quả. Các hộ nông dân sử dụng giống cà tím EG203 làm cây gốc ghép và ngọn ghép là giống cà chua Savior của Công ty Sygenta. Sau khi ghép khoảng 15 ngày, tỷ lệ ghép cây giống đảm bảo tiêu chuẩn đạt khá cao, trung bình đạt 66%, có hộ đạt 82,5%. Đặc biệt, hộ gia đình ông Đỗ Văn Viết tiến hành ghép cây đợt 2 có tỷ lệ cây đạt chuẩn lên đến 95%. Xét về hiệu quả kinh tế, giá cây giống tự ghép chỉ khoảng 800-900 đồng/cây, trong khi giá cây giống ngoài thị trường là 1.500 đồng/cây, người dân tiết kiệm được gần ½ tiền mua giống.
Để đánh giá hiệu quả và sự phù hợp của cây giống do người dân tự ghép, đề tài đã triển khai mô hình trồng cà chua ghép trên gốc cà tím tại 2 xã là Thượng Đạt và Ái Quốc với quy mô 14,5 ha, trong đó có 0,66 ha trồng cây giống tự ghép, diện tích còn lại trồng cây giống nhập từ Mộc Châu. Kết quả theo dõi sự sinh trưởng và phát triển của cây cà chua ghép cho thấy: cà chua do các hộ dân tự ghép tại Thượng Đạt có tỷ lệ sống cao hơn, tốc độ phát triển nhanh hơn, ra hoa, thu quả sớm hơn so với cây cà chua ghép từ Mộc Châu. Còn so với cà chua thường nông dân tự ươm giống, cây cà chua ghép có tốc độ phát triển chậm hơn do bản chất của gốc cà tím là phát triển chậm hơn so với cà chua. Tuy vậy, cà chua ghép có khả năng chịu úng và chống bệnh héo xanh tốt, thời gian thu quả lâu hơn so với cà chua thường. Năng suất cà chua ghép đạt 60 tấn/ha, trong khi đó năng suất cà chua thường là 23 tấn/ha. Trừ chi phí, cây cà chua ghép cho thu lãi gần 22 triệu đồng/sào, cao gấp 2,5 - 3 lần so với cà chua thường.
Ông Đỗ Văn Vàng là một trong năm hộ gia đình tham gia thí điểm thực hiện ghép cây cà chua trên gốc cà tím, với số lượng 1.000 cây. Ông Vàng cho biết: Cây cà chua ghép trên gốc cà tím mua từ Sơn La có giá 2.000 đồng/cây. Nay có thể tự ghép thành công thì chúng tôi đã tiết kiệm được rất nhiều vì chỉ tốt ít tiền mua hạt giống. Năm 2014, mặc dù thời tiết mưa nhiều, cây cà chua ghép vẫn phát triển tốt, cho năng suất tương đối cao. So với cà chua thường, cà chua ghép kháng bệnh tốt hơn, nhất là bệnh héo xanh, ít phải phun thuốc trừ sâu bệnh hại, cây bền, thời gian thu quả dài hơn. Giá bán cà chua trung bình đạt từ 13.000 - 15.000 đồng/kg. Trừ chi phí, nông dân thu lãi trên 20 triệu đồng/sào.
Cà chua ghép trên gốc cà tím là loại cây trồng thích hợp với việc sản xuất cà chua trái vụ. Hơn nữa, khi nông dân làm chủ được kỹ thuật ghép cây giống sẽ chủ động trong việc bố trí thời vụ và cơ cấu, góp phần tăng hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay chưa có nhiều hộ nông dân nắm bắt được kỹ thuật này, vì vậy các cấp, các ngành cần có giải pháp hỗ trợ và khuyến khích người dân mở rộng mô hình sản xuất giống cây ghép.
Anh Nguyên