Hải Dương là tỉnh có truyền thống chăn nuôi từ lâu đời, là địa phương có số lượng gia cầm năm 2012 đạt 9.842 ngàn con, đứng thứ 2 trong các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng. Với mục đích đưa giống gia cầm mới cho năng suất, chất lượng tốt, khả năng kháng bệnh cao vào sản xuất, góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân, năm 2012 và 2013, Trung tâm Nghiên cứu Giống gia cầm Thụy phương thực hiện đề tài "Xây dựng mô hình trình diễn chăn nuôi gà lông màu hướng thịt TP trên địa bàn tỉnh Hải Dương".
Gà TP có 2 dòng gà lông màu TP4 và TP1 được trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương chọn tạo thành công. Đây là những dòng gà hướng thịt mới mang nhiều tính ưu việt: khả năng kháng bệnh cao, thích nghi với nhiều vùng sinh thái, chịu nóng tốt, chất lượng thịt thơm ngon, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Sau hai năm thực hiện, đề tài đã tiến hành điều tra về tình hình chăn nuôi, công tác thú y, phòng bệnh tại 60 hộ chăn nuôi gà ở 2 huyện Tứ Kỳ và Gia Lộc về nguồn gốc con giống, tình hình sử dụng thức ăn, điều kiện chuồng trại, tình hình nhiễm bệnh của đàn gà, quy trình vệ sinh thú y trong chăn nuôi. Sau khi điều tra, Ban chủ nhiệm đề tài đã lựa chọn 06 hộ nuôi gà TP sinh sản và 11 hộ nuôi gà TP thương phẩm.
Ban Chủ nhiệm đề tài đã xây dựng mô hình nuôi gà lông màu TP sinh sản theo 2 mô hình, mô hình nuôi gà sử dụng thức ăn thẳng và mô hình nuôi gà nuôi gà sử dụng thức ăn hỗn hợp kết hợp với nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Kết quả mô hình nuôi gà TP sinh sản cho thấy: tỷ lệ nuôi sống, tỷ lệ đẻ trứng, thời gian đẻ trứng ở 2 mô hình đạt gần tương đương nhau, năng suất trứng/mái đến 68 tuần tuổi ở mô hình 1 đạt 180,24-176,66 quả và mô hình 2 đạt thấp hơn 177,96-178,80 quả . Tuy nhiên, nuôi gà TP theo mô hình sử dụng thức ăn hỗn hợp kết hợp với nguyên liệu địa phương (thóc, ngô...) cho hiệu quả kinh tế cao hơn do giá thành/kg thức ăn thấp hơn so với sử dụng cám công nghiệp. So sánh với các giống gà địa phương khác, gà TP cho tỷ lệ thu trứng cao hơn từ 55-60 quả/gà mái.
Đối với nuôi gà TP thương phẩm, Ban chủ nhiệm đề tài đã thực hiện mô hình chăn nuôi gà lông màu hướng thịt TP thương phẩm theo 2 khẩu phần ăn (sử dụng thức ăn cám công nghiệp và sử dụng thức ăn hỗn hợp kết hợp với thóc, ngô...) tại 2 xã Thống Kênh (Gia Lộc) và xã Tái Sơn (Tứ Kỳ) với số lượng 3.600 con gà TP 01 ngày tuổi. Kết quả cho thấy đến 9 tuần tuổi, khối lượng gà TP thương phẩm ở mô hình sử dụng toàn bộ thức ăn cám công nghiệp đạt 2382,56 và 2373,78 g/con; cao hơn so với nuôi gà TP sử dụng thức ăn hỗn hợp phối trộn với nguyên liệu địa phương 2295,33 và 2290,67 g/con, với giá thời điểm bán gà thịt ở mức 50.000 đồng/kg, thu nhập trên 100 con gà đạt 2.969.000-3.521.000 đồng. Kết quả nuôi gà TP thương phẩm hai phương thức nuôi (nuôi tập trung và nuôi bán chăn thả) cho thấy, gà 11 tuần tuổi có trọng lượng 2345,87 và 2314,55 g/con.
Theo các hộ nông dân tham gia mô hình, giống gà lông màu hướng thịt TP bước đầu phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán chăn nuôi gà, đề tài triển khai là cơ sở giúp nông dân trong 2 huyện Tứ Kỳ và Gia Lộc nâng cao nhận thức trong việc chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi cũng như phương thức chăn nuôi, thức ăn, phòng và trị bệnh trong chăn nuôi gà. Qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống cho bà con nông dân tại các địa phương. Đồng thời, kết quả của đề tài là tiền đề để mở rộng mô hình nuôi gà lông màu hướng thịt TP tới các địa phương khác trong các năm tiếp theo.