TH7-2, giống lúa lai triển vọng

Với mục đích bổ sung giống lúa mới vào cơ cấu giống lúa của tỉnh và nâng cao năng suất, hiệu quả trong sản xuất lúa, Viện Nghiên cứu lúa và phát triển cây trồng (Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội) đã thực hiện đề tài "Nghiên cứu phát triển giống lúa lai hai dòng năng suất, chất lượng TH7-2 tại tỉnh Hải Dương". Để tài được thực hiện trong hai năm 2012 và 2013 do thạc sĩ Nguyễn Văn Mười làm chủ nhiệm.
TH7-2, giống lúa lai triển vọng
Vụ mùa năm 2012 và vụ mùa năm 2013, Ban chủ nhiệm đề tài đã xây dựng mô hình sản xuất hạt giống lúa lai F1 TH7-2 với quy mô 5,5ha tại Xí nghiệp Giống cây trồng và chế biến nông lâm sản Chi Linh. Sau 2 năm thực hiện, đề tài đã hoàn thiện được quy trình sản xuất hạt lai F1 và được Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Giống cây trồng Hải Dương tiếp nhận và mở rộng sản xuất.
Để khẳng định giống lúa lai TH7-2 có ưu thế vượt trội hơn so với các giống lúa lai khác, Năm 2012, Ban chủ nhiệm đề tài đã xây dựng mô hình trình diễn lúa lai thương phẩm TH7-2 tại xã Hồng Thái (Ninh giang) và xã Bình Minh (Bình Giang) với diện tích 20ha, lấy giống Nhị ưu 838 làm giống đối chứng. Kết quả cho thấy ở vụ xuân giống lúa TH7-2 có thời gian sinh trưởng từ 132-135 ngày, ngắn hơn Nhị ưu 838 từ 5-9 ngày, năng suất TH7-2 ở vụ xuân từ 81,2-82,3 tạ/ha, cao hơn Nhị ưu 838 từ 0,8-2,8 tạ/ha, năng suất TH7-2 ở vụ mùa 68,4-71,6 tạ/ha, cao hơn Nhị ưu 838 từ 5,2-5,9 tạ/ha.
Năm 2013, Đề tài tiếp tục triển khai mô hình trình diễn lúa lai thương phẩm Th7-2 tại xã Nam Chính (Nam Sách), xã Tứ Xuyên (Tứ Kỳ), thị trấn Thanh Hà (Thanh Hà) và xã Diên Hồng (Thanh Miện) với quy mô 25 ha, lấy giống Thục hưng 6 làm giống đối chứng. Kết quả cho thấy giống lúa lai TH7-2 có thời gian sinh trưởng ở vụ xuân ngắn hơn Thục hưng 6 từ 9-13 ngày, ở vụ mùa TH7-2 dài hơn Thực hưng 6 là 6 ngày. Năng suất lúa ở vụ xuân đạt 69,4-73,1 tạ/ha tương đương với giống Thục hưng 6, năng suất vụ mùa đạt 62,5-63,3 tạ/ha cao hơn giống Thục hưng 6 từ 11,7-11,8 tạ/ha.
Đánh giá về giống lúa lai hai dòng TH7-2, Ông Nguyễn Văn Mười, Viện Nghiên cứu lúa và phát triển cây trồng nhận xét: Giống có thời gian sinh trưởng ngắn, có chiều cao trung bình từ 100-105 cm, đẻ nhánh khá, bản lá dài rộng, xanh đẩm, đẻ gọn. Đặc điểm của TH7-2 là bông to dài, hạt thon dài xếp sít, cơm trắng, ngon, mềm, vị đậm, thơm nhẹ, năng suất cao hơn so với các giống lúa lai khác. Đặc biệt giống lúa TH7-2 nhiễm rất nhẹ rầy nâu, nhiễm nhẹ bệnh đạo ôn, khô vằn và bạc lá, chịu lạnh và chống đổ tốt.
Theo tính toán của các hộ nông dân tham gia trong mô hình, giống lúa lai hai dòng TH7-2 cho thu nhập cao hơn so với một số giống lúa lai khác được gieo cấy tại địa phương nhờ giảm giống, giảm sử dụng thuốc BVTV nhưng TH7-2 lại cho năng suất cao hơn. Với những đặc tính vượt trội, nhiều hộ nông cho biết vụ chiêm xuân này họ tiếp tục gieo cấy mở rộng lúa TH7-2.
Mặc dù TH7-2 mới có mặt tại Hải Dương đến nay là năm thứ ba nhưng đã chiếm được cảm tình của nông dân Hải Dương nhờ những đặc điểm tốt như thời gian sinh trưởng ngắn, chống chịu điều kiện ngoại cảnh bất thuận và chống chịu sâu bệnh hại tốt, năng suất cao, chất lượng tốt. Việc đưa giống lúa lai TH7-2 vào sản xuất đại trà thay thế các giống lúa lai cũ cho năng suất, chất lượng thấp là hết sức cần thiết để tăng hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích.
Hòa Thuận

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây