Mô hình cấy lúa không làm đất tại xã Thái Tân, huyện Nam Sách

Nhằm giảm áp lực thời vụ trong gieo cấy lúa, vụ mùa năm 2012, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương đã triển khai mô hình gieo cấy lúa không làm đất và bước đầu khẳng định hiệu quả của phương thức này đối với bà con nông dân địa phương.
Mô hình cấy lúa không làm đất tại xã Thái Tân, huyện Nam Sách
Mô hình cấy lúa không làm đất đã được Chi cục BVTV tỉnh đã kết hợp với Công ty Sygenta Việt Nam triển khai xây dựng mô hình tại xã Thái Tân (huyện Nam Sách) và xã Tiền Tiến (huyện Thanh Hà) với quy mô 2,4 sào (vụ mùa năm 2010) và 1 mẫu (vụ mùa năm 2011). Vụ mùa 2012, mô hình gieo cấy lúa theo phương thức không làm đất tiếp tục được triển khai và nhân rộng ở một số địa phương khác của huyện Nam Sách và huyện Thanh Hà với tổng diện tích là 4 ha.
Mô hình gieo cấy lúa không làm đất ở xã Thái Tân được thực hiện trên các cánh đồng Bãi Xuân, Bãi Cửa Nghè, Đồng Yến, Đồng Hóa... với diện tích 1 ha của 10 hộ nông dân, áp dụng phương thức gieo thẳng ở các giống lúa Kháng dân, Bắc thơm số 7, Q5... Về biện pháp kỹ thuật, sau khi thu hoạch lúa chiêm xuân, nông dân dùng thuốc trừ cỏ Gramoxone 20SL với liều lượng 150 đến 200 ml/sào để xử lý gốc rạ, cỏ dại, tạo điều kiện để gieo cấy lúa mà không cần cày, bừa cấy. Đối với ruộng cắt gốc rạ sát mặt đất, tiến hành phun thuốc 1 lần; những ruộng cắt gốc rạ dài 40 cm trở lên, phải phun thuốc 2 lần (sau khi thu hoạch 2-3 ngày và trước khi gieo hạt 2 ngày) để diệt trừ lúa chét còn sót lại và làm cho gốc rạ nhanh phân hủy hơn. Đây là điểm khác biệt duy nhất trong quá trình canh táccủa mô hình cấy lúa không làm đất so với phương pháp làm đất truyền thống. Việc chăm sóc, phòng, trừ sâu, bệnh giống như phương pháp truyền thống.
Kết quả theo dõi mô hình cho thấy, cây lúa được cấy theo phương pháp không làm đất phát triển nhanh, cây cao và đẻ nhánh khỏe, thời gian trỗ bông sớm hơn 3-5 ngày và cho năng suất cao hơn 14 kg so với lúa cấy theo phương pháp truyền thống. Xét về hiệu quả kinh tế, nông dân phải chi thêm 70.000 đồng/sào tiền thuốc để xử lý rạ nhưng lại tiết kiệm được 195.000 đồng/sào tiền phát sinh theo cách làm đất truyền thống. Theo hạch toán của mô hình, áp dụng phương pháp cấy lúa không làm đất giúp nông dân tiết kiệm được 124 nghìn đồng/sào và rút ngắn được thời vụ từ 7 đến 10 ngày.
Đây là ưu điểm lớn của phương pháp cấy lúa không làm đất, góp phần đẩy nhanh thời vụ, giúp nông dân có quỹ đất mở rộng diện tích cây vụ đông sớm cho thu lãi cao do bán được giá, tạo hướng thâm canh mới cho người dân.
Mô hình gieo cấy lúa không làm đất tuy mới được triển khai ở 2 vụ mùa, với quy mô nhỏ nhưng đã khẳng định ưu điểm và mang lại hiệu quả lớn, đặc biệt giải quyết tình trạng thiếu lao động trong khâu làm đất dẫn đến chậm thời vụ. Từ 2 địa phương triển khai đầu tiên là xã Thái Tân huyện Nam Sách và Tiền Tiến huyện Thanh Hà, vụ mùa năm 2012, mô hình còn mở rộng tại một số địa phương khác là xã An Sơn (huyện Nam Sách), xã Liên Hoà, thị trấn Phú Thái (huyện Kim Thành), xã Thanh An, Thanh Cường và Thanh Hồng (huyện Thanh Hà), áp dụng cả 3 phương thức: cấy mạ dược, mạ non và gieo thẳng. Để phát huy hiệu quả của mô hình, Chi cục Bảo vệ thực vật cũng tiếp tục cho nhân rộng vào các vụ tới.
Nguyễn Thị Ánh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây