Cẩm Giàng: Xây dựng mô hình chăn nuôi gà thương phẩm tập trung theo quy trình VIETGAHP

       Phát triển ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm được Cẩm Giàng xác định là ngành chăn nuôi chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của huyện. Nhằm thúc đẩy sự phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, hạn chế dịch bệnh, năm 2010, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Giàng tổ chức xây dựng mô hình chăn nuôi gà thương phẩm tập trung theo quy trình VIETGAHP.
Cẩm Giàng: Xây dựng mô hình chăn nuôi gà thương phẩm tập trung theo quy trình VIETGAHP
       Đề tài được thực hiện với mục tiêu xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi gà tập trung theo quy trình VIETGAHP trên địa bàn huyện Cẩm Giàng; tạo cơ sở để mở rộng mô hình ra các vùng khác trong huyện và trang bị kiến thức khoa học, công nghệ tiên tiến cho các hộ chăn nuôi nhằm phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa cho hiệu quả kinh tế cao.
       Để đảm bảo các tiêu chí chăn nuôi theo quy trình VIETGAHP, đề tài thực hiện việc điều tra khảo sát một số hộ chăn nuôi về các nội dung: quy mô chăn nuôi, cơ cấu con giống, phương thức chăn nuôi, hiệu quả kinh tế và tình hình tiêu thụ sản phẩm tại địa phương. Kết quả điều tra trên 80 hộ chăn nuôi đã chọn ra 14 hộ có đủ điều kiện tham gia thực hiện đề tài tại 4 xã Tân Trường, Cảm Đông, Cẩm Hưng và Kim Giang
      Mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi gà tập trung theo quy trình VIETGAHP trên địa bàn huyện Cẩm Giàng sử dụng giống gà CP707 và Rooss 308 là những giống gà đảm bảo nguồn gốc xuất xứ và chất lượng cao. Đề tài được triển khai ở 06 hộ nông dân, với diện tích chuồng trại là 4.900m2 trên quy mô 35.000con, tại một số hộ chăn nuôi quy mô gia trại, trang trại thuộc các xã Tân Trường, Cẩm Đông, Cẩm Hưng, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương theo phương thức nuôi gà thương phẩm theo phương pháp công nghiệp. Mô hình nuôi gà theo quy trình VIETGAHP được thực hiện lần đầu tiên trên địa bàn huyện Cẩm Giàng nhằm giúp các hộ nuôi gà cùng tham quan, học hỏi kinh nghiệm áp dụng vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Để mô hình đạt hiệu quả cao, Ban chủ nhiệm đề tài đã cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình nuôi gà an toàn theo hướng VIETGAHP, đó là: mua gà giống ở cơ sở có nguồn gốc rõ ràng; nuôi nhốt ở chuồng trại xa khu dân cư, cách xa đường giao thông, bệnh viện; tiêm vắc-xin, uống thuốc phòng bệnh theo định kỳ; sử dụng thức ăn, nước uống sạch sẽ; hằng ngày thu gom chất thải để xử lý bảo đảm vệ sinh môi trường... Các hộ tham gia đề tài được hỗ trợ 50% kinh phí mua gà giống, thuốc thú y, chế phẩm EM.
      Qua một năm triển khai đề tài cho thấy gà nuôi tập trung theo quy trình VIETGAHP có tỷ lệ con sống đạt 98,5%, hệ số tiêu tốn thức ăn thấp(1,87kg thức ăn/kg thể trọng), trọng lượng gà khi xuất chuồng đạt 2,8 đến 3kg/con, ưu điểm hơn hẳn so với gà nuôi theo phương pháp truyền thống, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ tham gia mô hình. Với giá bán 37-40 nghìn đồng/kg, các hộ tham gia mô hình thu lãi hàng trăm triệu đồng.
      Trong quá trình thực hiện mô hình, các tiêu chí trong quy trình khi áp dụng vào thực tiễn huyện Cẩm Giàng chỉ đạt một số tiêu chí về địa điểm, con giống và quản lý giống có nguồn gốc rõ ràng; quản lý nguyên liệu/thức ăn, nước uống và hợp vệ sinh; quản lý đàn gia cầm; quản lý dịch bệnh; bảo quản và sử dụng thuốc thú y; quản lý chất thải và bảo vệ môi trường ( hàng ngày thu gom chất thải và dùng chế phẩm EM xử lý định kỳ, bảo đảm vệ sinh môi trường). Một số tiêu chí chưa đạt là: thiết kế chuồng trại, kho và thiết bị chăn nuôi; kiểm soát côn trùng, loài gặm nhấm và động vật khác; ghi chép, lưu trữ hồ sơ truy nguyên nguồn gốc và thu hồi sản phẩm; quản lý nhân sự; kiểm tra nội bộ; khiếu nại và giải quyết khiếu nại. Nguyên nhân của những tồn tại trên là do chi phí thiết kế và xây dựng chuồng trại rất lớn; trong khi khả năng tài chính của các hộ nông dân có hạn, hơn nữa ngành chăn nuôi vẫn còn nhiều rủi ro, thị trường không ổn định nên sản xuất của nông dân vẫn còn mang tính tự phát.
       Tại Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện đề tài, các đại biểu đánh giá: đề tài đã hoàn thành các nội dung và mục tiêu đã đề ra, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ tham gia mô hình. KS Nguyễn Văn Thăng, Trưởng Phòng Nông nghiệp  và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Giàng khuyến cáo các hộ chăn nuôi người chăn nuôi cần phải quan tâm tới các vấn đề sau: Gà giống phải được mua từ các cơ sở sản xuất giống đã được xác nhận nguồn gốc; Chuồng phải xây dựng đúng quy cách, có hàng rào và xa khu dân cư, được vệ sinh hàng ngày, tiêu độc theo đúng định kỳ; Kiểm soát thức ăn có đủ dinh dưỡng cũng như nước sạch cho gà; việc tiêm phòng vắc xin phòng dịch cần được thực hiện nghiêm túc theo khuyến cáo của cán bộ thú y... để hướng tới mục tiêu sản xuất gà thịt an toàn và bền vững cung ứng cho thị trường.
       Đề tài thực hiện góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế ở địa phương. Đồng thời kết quả đề tài còn góp phần xây dựng nông thôn mới và sẽ được mở rộng mô hình từ 3 xã Cẩm Đông, Tân Trường, Cẩm Hưng và các địa phương khác trong thời gian tới.
Anh Nguyên



Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây