Khoa học công nghệ tiếp sức tăng trưởng thủy sản

Khoa học công nghệ tiếp sức tăng trưởng thủy sản. Các hoạt động khoa học công nghệ đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nuôi trồng thuỷ sản ở nước ta phát triển nhanh, sản lượng nuôi trồng tăng trung bình khoảng 15%/năm. Hiện cả nước có khoảng 1,1 triệu ha nuôi trồng thủy sản, sản lượng năm 2010 đạt gần 2,8 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,94 tỷ USD.
Khoa học công nghệ tiếp sức tăng trưởng thủy sản
Từ chọn tạo giống… đến sản xuất “sạch”
Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, những nghiên cứu về công nghệ thủy sản thời gian gần đây chủ yếu tập trung vào việc nâng cao chất lượng giống thủy sản như cá tra chọn giống thế hệ thứ hai, có tốc độ sinh trưởng cao hơn các đàn cá hiện nuôi là 13%; nghiên cứu khép kín vòng đời tôm sú thành công, mở ra triển vọng chủ động nguồn tôm sú bố mẹ, giảm phụ thuộc vào tôm bố mẹ khai thác tự nhiên và nhập khẩu; ứng dụng công nghệ vi phẫu tuyến Androgenic tạo tôm càng xanh toàn đực có tốc độ sinh trưởng nhanh và kích cỡ tôm thương phẩm lớn hơn khi thu hoạch.
Đi cùng với đó là xây dựng các công nghệ nuôi thâm canh cá tra, tôm sú, tôm thẻ trong hệ thống đa ao, đa chu kỳ, hệ thống nuôi tôm ít thay nước, nuôi cá lồng bè, đặc biệt là phát triển hệ thống nuôi cá ở các vùng biển mở.
Một số nghiên cứu nâng cao chất lượng giống và công nghệ nuôi ở nước ta đã tiếp cận hoặc vượt trình độ trong khu vực. Chẳng hạn nuôi cá tra đạt năng suất 150- 400 tấn/ha, trung bình 200 tấn/ha, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới nuôi cá đạt năng suất như vậy trong hệ thống ao cỡ lớn. Đồng thời, Việt Nam và Ấn Độ là hai nước đi đầu ứng dụng công nghệ tạo tôm càng xanh toàn đực ở quy mô sản xuất; Công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng đạt năng suất 20- 25 tấn/ha/vụ tương đương với các nước Trung Quốc, Thái Lan…
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II cho biết, những ứng dụng tiêu biểu đã tiến hành như trong tạo và chọn tạo giống đã phát triển những marker (đoạn đánh dấu trong ADN) về giới tính, marker tăng trưởng của cá rô phi, marker tăng trưởng và kháng bệnh của cá tra, sắp tới là là marker cho tôm sú… Ứng dụng công nghệ sinh học thành công trong các phương pháp chẩn đoán và kỹ thuật PCR đưa vào ứng dụng rộng rãi để giúp cho người nông dân có được những con giống sạch bệnh.
Một thành tựu quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ sinh học vào ngành thủy sản là việc sử dụng vắcxin trong việc phòng bệnh thủy sản với những mức độ tiến triển khác nhau như vắcxin chết (formalin vacxin), vắcxin nhược độc và đang tiến hành nghiên cứu nhiều văcxin mới. Vai trò của vi sinh vật - chế phẩm probiotic đã được ứng dụng khá rộng rãi trong lĩnh vực thủy sản. Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II đã tiếp cận quorum sensing (cũng là một probiotic) trên nguyên lý sử dụng các vật dinh dưỡng trong môi trường làm cho các mầm bệnh mất động lực từ đó tránh gây hại cho thủy sản.
Bên cạnh đó, “Người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi “khắt khe” hơn, sản phẩm thủy sản phải sạch, an toàn và đáp ứng các yêu cầu, chuẩn mực về bảo vệ môi trường, vì thế hướng phát triển nuôi thủy sản đạt tiêu chuẩn GAP ở tất cả các vùng nuôi là tất yếu”, Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) chia sẻ thêm, trong các đề án quy hoạch ngành thủy sản, chúng ta vẫn đang nhấn mạnh yếu tố về lượng, sản lượng. Theo ông Dũng, nên chú trọng nhiều hơn đến mối liên kết chuỗi từ sản xuất - doanh nghiệp - xuất khẩu, công tác quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm để nâng giá trị và khẳng định vị thế của ngành.
Đẩy mạnh hợp tác công - tư
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo cho biết, mô hình hợp tác công - tư (PPP) là xu hướng mới của thế giới trong đó có Việt Nam. Trong tương lai chúng ta cần đẩy mạnh mô hình PPP trong việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học vào ngành thủy sản góp phần đưa ngành thủy sản nước ta phát triển ổn định bền vững mang lại giá trị kinh tế cao.
Trong năm 2011, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II sẽ phối hợp với Trường đại học Cần Thơ, Đại học Wageningen (Hà Lan) về việc nghiên cứu hệ thống tuần hoàn trong nuôi cá tra và sản xuất thức ăn nhằm giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi cá tra. Ngoài 3 đơn vị trên, dự án còn có sự hợp tác giữa các DN Hà Lan và Việt Nam (Công ty Vĩnh Hoàn). Dự án sẽ được triển khai trong vòng 3 năm.
Sau khi mô hình này thành công chúng ta sẽ đẩy mạnh việc nhân rộng trong công tác hợp tác nghiên cứu và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ sinh học vào ngành thủy sản nhằm mang lại giá trị kinh tế cao phù hợp với tiềm năng của thủy sản Việt Nam.
Ngành thủy sản đặt mục tiêu đến năm 2020, tổng sản lượng thủy sản sẽ đạt khoảng 6,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8 tỷ USD, phấn đấu đưa thủy sản trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Theo đánh giá  của các chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản, với chỉ  tiêu xuất khẩu 8 tỷ USD vào năm 2020, ngành thủy sản Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được nếu quy hoạch được vùng nuôi, thực hiện tốt chuyển giao công nghệ, đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi, kiểm soát và ứng dụng giống mới, quản lý tiêu chuẩn về môi trường, điều tiết theo quy luật và làm tốt công tác dự báo.
                                                                            (Theo baodientu.chinhphu.vn, ngày 6/7/2011)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây