Chí Linh: Trồng lạc thâm canh cho năng suất cao

Tại buổi hội thảo đầu bờ đánh giá giống lạc mới L26 vụ xuân 2011 do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Đậu đỗ (Viện Cây lương thực và thực phẩm) tổ chức, đại diện các cơ quan chuyên môn của Hải Dương cũng như bà con nông dân tham gia sản xuất giống lạc này đều khẳng định, lạc L26 có nhiều ưu điểm hơn hẳn các giống lạc trồng tại Chí Linh từ trước tới nay.
Chí Linh: Trồng lạc thâm canh cho năng suất cao
Nhằm khai thác tiềm năng để nâng cao năng suất lạc ở Hải Dương, năm 2010, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Đậu đỗ thực hiện đề tài "Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật trồng lạc đạt năng suất cao". Kế thừa các kết quả triển khai trong năm 2010, sang vụ xuân năm 2011, đề tài sử dụng giống lạc mới L26 do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Đậu đỗ chọn tạo để trồng trong mô hình. L26 là giống tiềm năng năng suất cao, từ 45-50 tạ/ha, tỷ lệ nhân từ 73-75%, hạt có màu hồng cánh sen thích hợp với tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Mô hình được triển khai trên quy mô 12,5 ha tại 2 xã Lê Lợi và Bắc An, thị xã Chí Linh với 121 hộ tham gia; sử dụng giống TH116 là giống đang sử dụng đại trà tại địa phương làm giống đối chứng. Mô hình áp dụng kỹ thuật canh tác mới, sử dụng phân bón và cách bón mới: tăng hàm lượng đạm ure, lân, kali, vôi bột; không sử dụng NPK; đồng thời sử dụng kỹ thuật màng PE che phủ.
Qua theo dõi kết quả xây dựng mô hình tại thị xã Chí Linh cho thấy: lạc L26 có thời gian sinh trưởng vụ xuân 130 ngày. Cùng một giống lạc khi trồng ở các biện pháp kỹ thuật khác nhau đã có sự phát triển khác nhau. Ở biện pháp thâm canh mới, lạc sinh trưởng và phát triển với tốc độ nhanh hơn, ra cành nhiều hơn, sớm hơn và chiều cao thân cây chính cũng cao hơn so với biện pháp canh tác đại trà. Các yếu tố cấu thành năng suất cũng có sự khác biệt: trồng lạc theo kỹ thuật mới có số quả/cây nhiều hơn, khối lượng 100 quả, khối lượng 100 hạt và tỷ lệ nhân hạt cao hơn so với giống đối chứng. Tại Bắc An, trên cùng giống L26: năng suất ở biện pháp áp dụng kỹ thuật mới tăng thêm 6,9 tạ/ha (tăng 18,5%); trên cùng giống TH116, năng suất ở biện pháp áp dụng kỹ thuật canh tác mới tăng 6,5 tạ/ha (tăng 21,8%). So sánh hai giống lạc cho thấy, lạc L26 cho năng suất cao hơn TH116 là 7,9 tạ/ha (kỹ thuật mới) và 7,5 tạ/ha (kỹ thuật cũ), tương đương 21,8-25,2%.
Hiệu quả kinh tế của biện pháp kỹ thuật mới tăng hơn 9 triệu đồng/ha (trên giống L26) và 8,3 triệu đồng (trên TH116) so với kỹ thuật cũ. Trên cùng một biện pháp kỹ thuật mới, giống L26 cho hiệu quả kinh tế tăng hơn 15,8 triệu đồng so với giống đối chứng TH116.
Ông Vũ Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Bắc An cho biết: Bắc An là một xã miền núi, diện tích trồng lạc, đỗ, lúa mỗi năm khoảng hơn 400 ha, trong đó, cây lạc chiếm tỷ lệ cao. Tuy nhiên, nông dân Bắc An trồng lạc theo cách tự phát, nhỏ lẻ. Riêng cây lạc L26 có ưu thế vượt trội về năng suất và khả năng chống chịu sâu bệnh. Mỗi sào lạc L26 cho năng suất từ 1,5-1,6 tạ/ha, cao hơn giống lạc cũ từ 30-50 kg.
Ông Ngô Doãn Đảm, Phó Viện trưởng Viện Cây Lương thực và cây thực phẩm nói: "Giống lạc L26 đã phát triển rất tốt ở Nghệ An và là loại cây tiềm năng cho Chí Linh phát triển giống lạc này. Mô hình được thực hiện tại Chí Linh giúp bà con nông dân có điều kiện sản xuất thâm canh các giống lạc mới, tăng năng suất, hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, hướng tới việc mở rộng sản xuất theo hướng hàng hóa xuất khẩu".
                                                                                        Anh Nguyên
Trung tâm Thông tin KHCN và Tin học

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây